Trước diễn biến bất thường của dịch sởi, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lo ngại dịch sởi có thể bùng phát, khó kiểm soát như đầu năm 2014
Trong 5 tuần đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận 159 ca sốt phát ban nghi sởi tại 26 tỉnh - thành, trong đó có 35 ca dương tính với sởi. Đây có phải là hiện tượng bất thường?
- PGS-TS Trần Đắc Phu: Chúng ta vừa trải qua dịch sởi vào năm 2014 nên có thể nói virus sởi đã xuất hiện ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bất kỳ trẻ em nào chưa được tiêm vắc-xin sởi đủ mũi hoặc chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc sởi. Trong điều kiện vẫn còn những trẻ em chưa được tiêm vắc-xin sởi thì chúng ta vẫn sẽ còn ghi nhận trường hợp mắc sởi.
Năm nay, diễn biến các trường hợp sốt phát ban nghi sởi có nhiều điểm khác so với đầu năm 2014. Trước đây, các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tập trung chủ yếu ở một số tỉnh biên giới phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Xuất hiện những ổ dịch tập trung quy mô xã, phường sau đó dịch mới lan tới các tỉnh, thành khu vực đồng bằng, đặc biệt là Hà Nội. Năm nay, số trường hợp sốt phát ban nghi sởi ghi nhận rải rác mang tính đơn lẻ tại các tỉnh, thành; nhiều tỉnh chỉ ghi nhận 1-2 trường hợp mắc bệnh, một số tỉnh cao nhất chỉ ghi nhận 5-7 trường hợp mắc bệnh chứ không có các ổ dịch như năm trước.
Chiến dịch tiêm sởi - Rubella đang được triển khai trên toàn quốc. Tại sao vẫn ghi nhận các ca mắc sởi nặng?
- Trong 5 tuần đầu năm 2015, số ca sốt phát ban nghi sởi giảm 77% so với cùng kỳ năm 2014. Các trường hợp mắc rải rác không tạo thành ổ dịch nhưng chúng ta cũng không chủ quan vì sởi là bệnh rất dễ lây. Nếu khu vực nào có tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp thì sởi rất có thể sẽ bùng phát thành dịch.
Liệu chúng ta có lo ngại về một “kịch bản” lặp lại của dịch sởi năm 2014?
- Để chủ động phòng chống dịch sởi, trong năm 2014, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai việc tiêm vét vắc-xin sởi cho toàn bộ trẻ từ 1-2 tuổi, sau đó mở rộng cho trẻ từ 1-10 tuổi ở một số tỉnh - thành có nguy cơ cao, đồng thời đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1-14 tuổi trên phạm vi cả nước. Đến nay đã tiêm được trên 19 triệu liều vắc xin sởi - Rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi. Do đó, tôi nghĩ rằng trong năm 2015 sẽ không thể tái diễn tình hình dịch sởi như năm 2014.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn còn lo ngại tỉ lệ bao phủ vắc-xin sởi còn thấp tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khu vực biến động dân cư lớn.Những nơi này có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Dịch sởi có nguy cơ bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán?
- Hiện đang là thời điểm giao mùa đông xuân nên trẻ em rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có bệnh sởi. Ngày Tết cũng là dịp các gia đình giao lưu, thăm hỏi nhau nên càng tạo điều kiện cho virus sởi phát tán và trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Vào dịp đông xuân, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là viêm phổi. Nếu các bà mẹ không biết giữ gìn sức khỏe, để trẻ mắc bệnh đúng vào những ngày tiêm chủng, trẻ sẽ không được tiêm đúng lịch thì nguy cơ mắc bệnh sởi cũng như các bệnh có vắc-xin khác sẽ tăng lên mà đáng lẽ phòng tránh được bằng tiêm vắc-xin.
Sởi là bệnh rất dễ lây, nếu trẻ nào chưa được tiêm vắc-xin sởi đủ mũi hoặc chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc. Do đó, nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc sởi trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn.