Bộ Y tế họp khẩn cùng 11 nước ASEAN nhằm đối phó với virus Zika

Ngày 19/09/2016 17:22 PM (GMT+7)

Chiều ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các nước Đông Nam Á và Tổ chức Y tế thế giới nhằm bàn phương án đối phó với virus Zika.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19/9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Riêng tại Đông Nam Á, virus Zika đã lưu hành tại một số nước như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam,… Đặc biệt, tại Singapore, từ cuối tháng 8/2016 đến nay đã có 396 trường hợp nhiễm virus Zika. Chỉ trong thời gian từ ngày 28/8 đến ngày 3/9, đã có 215 trường hợp mắc virus Zika.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, đến nay Việt Nam phát hiện 3 trường hợp nhiễm zika (1 trường hợp ở Khánh Hòa, 1 ở TP.HCM và 1 ở Phú Yên). Đây là 3 bệnh nhân không có tiền sử đi về từ vùng dịch, cho thấy Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng.

Kết quả giải trình tự Gen cho thấy, mẫu virus của bệnh nhân tại Khánh Hòa có nguồn gốc châu Á và mẫu virus của bệnh nhân ở TP. HCM có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Ngoài ra, có 3 trường là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam (1 công dân Úc, 1 công dân Đức và một người Đài Loan). 

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, do Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng. Trong khi đóm muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh virus Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Ngoài ra, đó là sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các Quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ nhiễm bệnh từ người trở về từ vùng dịch rất cao.

Bộ Y tế họp khẩn cùng 11 nước ASEAN nhằm đối phó với virus Zika - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Để ngăn ngừa và phòng bệnh do virus Zika, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm Zika, sốt xuất huyết, Chikunggunia. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh.

Theo Bộ Y tế, để phòng bệnh do virus Zika hiệu quả nhất đó chính là tiêu diệt muỗi truyền bệnh bằng cách: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

Loại bỏ bọ gậy (lăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự