Bức thư gửi phụ huynh được cho là của hiệu trưởng trường The Heritage ở Kolkata, Ấn Độ đang được dân mạng chia sẻ chóng mặt.
Mùa thi là khoảng thời gian đầy áp lực nhất của tuổi học sinh, tuy nhiên người lo lắng hơn cả lại chính là bậc phụ huynh. Hiểu được những kỳ vọng đó, hiệu trưởng tại trường The Heritage ở Kolkata, Ấn Độ đã viết thư gửi các bậc cha mẹ ngay trước kỳ thi.
Mặc dù bức thư được viết từ ngày 4/3, tuy nhiên, mới đây, những lời tâm sự của vị hiệu trưởng ở Ấn Độ mới được dân mạng biết đến và chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Bức thư được chia sẻ trên Facebook nhà trường.
Nội dung bức thư như sau:
Gửi các bậc phụ huynh,
Kỳ thi đang sắp tới gần, tôi biết các bậc cha mẹ đang lo lắng cho con cái rất nhiều.
Nhưng ông bà hãy nhớ rằng, giữa những học sinh đang sắp bước vào kì thi, có người sẽ trở thành một nghệ sĩ và chẳng cần phải thông hiểu Toán học.
Sẽ có những doanh nhân không cần quan tâm về Lịch sử hay Văn học quốc tế.
Hay những nhạc sĩ tương lai mà điểm số Hóa học không thành vấn đề với họ.
Những vận động viên quan tâm môn thể dục hơn môn Vật lý.
Nếu con của ông bà đạt được điểm cao nhất lớp, đó thật là điều tuyệt vời! Nhưng nếu không được, xin đừng lấy hết sự tự tin của con cái.
Hãy nói với con cái rằng không sao cả, nó chỉ là một bài kiểm tra. Còn nhiều điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống sau này.
Hãy nói với con cái rằng điểm số không thành vấn đề, cha mẹ yêu con và sẽ không phán xét con.
Hãy làm điều này, khi phụ huynh làm được điều này, con cái sẽ chinh phục được thế giới. Một bài kiểm tra điểm thấp sẽ không ảnh hưởng đến giấc mơ và tài năng của con cái.
Và cuối cùng, các cha mẹ đừng nghĩ rằng, bác sĩ và kỹ sư mới là những người hạnh phúc nhất trên thế giới.
Thân mến!
Hiệu trưởng trường The Heritage.
Bức thư khiến không ít phụ huynh Việt Nam gật gù tâm đắc đồng thời ngưỡng mộ đến tư tưởng tiến bộ của vị hiệu trưởng này.
Nhiều phụ huynh Việt Nam tâm đắc với bức thư.
Phụ huynh ở Ấn Độ là những bậc cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái của họ. Họ cho rằng bằng cấp là giấy thông hành cho mọi việc trong cuộc sống sau này. Họ ép buộc con cái học hành để đạt được bằng cấp, nhằm có được vị trí trong tầng lớp xã hội.
Tuy nhiên, bằng cấp trong nền giáo dục Ấn Độ không phải là thứ dễ dàng đạt được. Đây là một nền giáo dục nặng nề lượng kiến thức và rất nghiêm túc trong các kỳ thi lớn.
Các lò luyện thi mọc ra khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Hàng ngàn học sinh theo học các khóa ôn thi ngoài nhà trường nhằm hy vọng đạt được điểm cao trong kỳ thi.
Kỹ thuật và y học vẫn là những ngành nghề sáng giá được phụ huynh tầng lớp trung lưu ưa chuộng. Mỗi năm, Ấn Độ cho ra nửa triệu kỹ sư và bác sĩ, nhưng có đến 80% số sinh viên ra trường phải làm trái nghề.
Ấn Độ cũng là một đất nước có nền công nghệ phát triển, nên các công việc kỹ thuật đủ chỗ để đón nhận lượng sinh viên kỹ thuật mới ra trường. Nhưng ngành y của Ấn Độ chịu sự kiểm soát của Hội đồng Y tế Quốc gia (MCI), buộc mỗi trường y chỉ được xét tốt nghiệp với 380 sinh viên.
Mỗi năm, chỉ có 63.800 suất học ngành y cho đất nước 1,2 tỷ dân. Tức là chưa tới 1% dân số được học ngành này. Và không những thế, rất nhiều học sinh là con cái của quan chức được ưu tiên theo học và có việc làm sau khi ra trường.
Chính vì những việc này, khiến áp lực học hành của học sinh Ấn Độ trở nên rất lớn. Học sinh Ấn Độ thường có xu hướng tự ép mình học cho tới khi không chịu đựng nữa, chứ họ không chịu từ bỏ.