Dịp tết, các phạm nhân được nghỉ lao động 6 ngày, hưởng chế độ đặc biệt, được vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… Nhờ không khí vui vẻ ấy, họ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, người thân để có động lực cải tạo, học tập.
Nước mắt đêm giao thừa
Đã đôi lần đến công tác tại các trại giam, bao giờ cũng vậy, chúng tôi cảm thấy chạnh buồn khi bắt gặp những chiếc áo sọc đen trắng. Nhiều người có suy nghĩ coi thường lẫn ánh nhìn khinh miệt lúc nhắc đến họ. Nhưng, trò chuyện với phạm nhân mới biết rằng, rất nhiều trong số họ cũng có những nỗi niềm, mong muốn được phục thiện, trở về hòa nhập cộng đồng. Họ chỉ hy vọng, khi trở về, xã hội vơi bớt kì thị để mình có thể làm lại cuộc đời. Lần này, chúng tôi ghé trại giam Thủ Đức (tỉnh Bình Thuận) dịp cuối năm, quản giáo, cán bộ lẫn phạm nhân đều có vẻ hối hả, vội vàng để hoàn thành công việc.
Đôi mắt Lê Đình Cường (29 tuổi, TP HCM) đỏ hoe, cho biết, đã bước sang năm thứ ba nhập trại. Cường kể, vào cuối năm 2012, gặp cô gái mồ côi đang làm công cho quầy tạp hóa nhỏ. Sau vài lần trò chuyện, trái tim rung động nên anh quyết định tán tỉnh. Với sự chân thành, anh nhanh chóng chiếm được tình cảm của cô gái. Rồi, họ quyết định thuê phòng sống chung như vợ chồng. Cả hai đều đi làm thuê, làm mướn mưu sinh. Tháng 9/2013, vì quá túng tiền, anh rủ tình nhân đi cướp. Họ giật tài sản của một vị khách. Người dân phát hiện, truy đuổi, bắt giữ và giao nộp cho công an. Cả hai bị đưa ra xét xử, Cường nhận mức án 4,5 tù giam, còn người tình nhận 2 năm tù giam cùng về tội Cướp giật tài sản.
Phạm nhân tại trại giam Thủ Đức lao động
Đêm giao thừa đầu tiên trong trại giam, Cường rấm rứt khóc. Anh nhớ lại những tháng ngày đón tết cùng người thân. Dù gia đình không giàu có, thức ăn không đủ đầy nhưng vẫn được lì xì, chúc tết. Anh nhớ cành mai được đặt trong nhà, nhớ những chậu cúc ven đường, nhớ về người tình mình đã đẩy vào con đường tù tội… Lúc ấy, anh mới thấy tháng ngày tự do ở ngoài xã hội là giá trị đến mức nào.
Đến cái tết thứ hai, anh vui mừng khi được người thân cho biết, người tình đã sinh con được vài tháng. Nhưng, càng ngẫm, anh lại càng xót xa, bởi đứa trẻ được hạ sinh ngay trong tù và cũng phải “thụ án” cùng mẹ. Mặc dù cả hai đều ở cùng trại giam, nhưng ở hai phân trại khác nhau nên anh chưa gặp được con. Lúc này, anh càng có động lực để cải tạo tốt. Anh tự hứa với lòng, khi trở về sẽ hoàn lương để nuôi vợ, nuôi con. “Đến nay, cô ấy đã được tại ngoại vì hết thời gian giam giữ, còn tôi phải thêm một thời gian nữa”, anh thở dài.
Phạm nhân Thanh Bình nghẹn đắng: “Mấy năm nay, mỗi đêm giao thừa, tôi đều khóc vì nhớ mẹ và cầu nguyện cho mẹ có sức khỏe”. Bình kể, trước đây là một con nghiện. Số tiền làm thuê làm mướn không đủ để thỏa mãn cơn thèm thuốc nên mỗi khi lên cơn lại trộm tài sản trong nhà đi bán. Anh bán hết tất cả các vật có giá trị. Mẹ anh rất nhiều lần khóc lóc, cầu xin anh đi cai nghiện. Làn khói trắng che mờ mắt, anh bỏ ngoài tai lời đấng sinh thành.
Để có tiền, Bình chuyển sang buôn bán ma túy rồi bị bắt. Anh bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 9 năm tù giam. Từ ngày vào trại, được sự động viên, giáo dục của cán bộ, anh mới chợt nhận ra sai lầm của mình. Từ đó, hàng tháng, mẹ vẫn tích cóp, đến kì lại lên thăm, khi thì bới gói mì, mảnh bánh, lúc lại bới miếng thịt, bịch cá kho… Mỗi khi gặp, mẹ đều khóc, khuyên con cải tạo tốt để trở về. Lúc này, mỗi khi nhìn thấy nước mắt của mẹ, anh lại càng hối hận hơn.
Mấy năm qua, cứ đến gần tết, mẹ Bình lại bới xách nhiều hơn bình thường để thăm con. Bởi, bà biết, ở trong trại, cán bộ cũng lo cho phạm nhân nhưng không thể bằng ở gia đình. Do đó, bà muốn góp phần mang hương vị tết cho con. Tết năm nay, mẹ Bình vẫn “tiếp viện” và không quên dặn con trai phải chia “quà” cho những người bạn cùng phòng.
Những ngày vui
Ắt hẳn, nhiều người cứ nghĩ, trong tù sẽ không có tết, bởi phạm nhân làm sao có tinh thần tận hưởng niềm vui. Đây là suy nghĩ sai lầm. Nhiều phạm nhân chia sẻ, trại giam cũng như một xã hội thu nhỏ, do sống khoảng thời gian lâu nên dần quen. Giám thị, cán bộ trại giam chăm lo cho phạm nhân khá tốt trong những ngày tết. Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người cùng làm heo, gói bánh chưng, chuẩn bị thức ăn dành cho những ngày tết... Nhà nước có chế độ, phạm nhân có khẩu phần ăn gấp 5 lần so với ngày thường. Mỗi phạm nhân có 5 kg thịt ăn tết. Do đó, những ngày này, phạm nhân được ăn uống chẳng thua kém ở bên ngoài.
Trại giam Thủ Đức thường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ vào dịp tết
Cũng vào những ngày cuối năm, mọi người dọn dẹp, trang trí phòng giam thật đẹp vừa để chào đón năm mới vừa để dự thi. Vào đêm giao thừa, ban giám thị sẽ chúc tết tập thể. Trong hai ngày đầu năm, cán bộ sẽ đến chúc tết từng phòng, bắt tay từng người và chấm điểm xem phòng nào trang hoàng đẹp nhất. Khoảng thời gian phạm nhân mong chờ là tham gia các hoạt động thể thao đầu năm. Tùy vào sở thích, sở trường từng người mà tham gia bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố… Mỗi đội thắng sẽ có những phần quà thiết thực. Nhưng, quà không phải là mục đích cuối cùng mà là tạo được không khí vui vẻ, mang lại tiếng cười rộn vang. Nhờ những hoạt động này, phạm nhân vơi đi nỗi nhớ nhà và tạo được sự hòa đồng, gắn kết.
Ngoài ra, cuối năm, người thân thường “tiếp viện” thức ăn nhiều và ngon. Tết là khoảng thời gian tất cả phạm nhân được nghỉ ngơi, không lao động 6 ngày. Bình thường, mỗi đêm, 22 giờ là giờ giới nghiêm, mọi người phải đi ngủ. Riêng đêm cuối cùng của năm, mọi người được đón giao thừa, xem ti vi để theo dõi không khí đón năm mới khắp nơi. “Nhờ sự quan tâm của ban giám hiệu, cán bộ trại giam nên chúng tôi cảm thấy được vỗ về, an ủi, quên đi phần nào buồn tủi xa nhà”, phạm nhân Phùng Văn Trung chia sẻ.
Trung kể, bị lĩnh án 16 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản kể từ 2009. Nhẩm tính, đây là cái tết thứ sáu anh phải ở trại giam. Chừng ấy năm, anh đã quá quen thuộc, tưởng chừng nhắm mắt vẫn có thể đi lại không va chạm bất kì thứ gì. Ngày thường, anh không chút nghĩ suy, chỉ cố gắng cải tạo để sớm được nhận sự khoan hồng của pháp luật. Thế nhưng, những ngày tết, được nghỉ ngơi, hình bóng quê nhà, người thân lại hiện về khiến anh hối tiếc, hối hận việc làm sai trái.
“Đối với chúng tôi, mỗi năm có ba dịp vui là 30/4, 2/9 và tết Nguyên đán. Bởi, đây là khoảng thời gian được đặc xá. Trong đó, tết là dịp đặc biệt hơn cả vì nhiều người được tha tù, một số khác được giảm án và được nghỉ ngơi, vui chơi. Riêng tôi, mỗi dịp tết lại cầu nguyện, mong gia đình, người thân được an yên”, phạm nhân này nói.
Tại trại giam này, bên cạnh những phạm nhân có gia đình quan tâm, “chi viện” vào dịp tết thì có không ít phạm nhân vò võ một mình. Từ khi họ vào trại, người thân hắt hủi, không một lần đến thăm. Ngày thường, công việc nhấn chìm, họ không chút nghĩ suy. Đến ngày tết, chứng kiến cảnh bạn tù được người thân thăm, nhận quà thì nỗi cô đơn được nhân lên gấp bội. Hiểu được tâm trạng này, vào dịp tết ban giám thị, cán bộ trại giam lại trò chuyện, động viên, mua quà, chỉ là bịch đường, hộp sữa… nhưng cũng thể hiện được sự quan tâm, chu đáo, giúp họ vượt qua nỗi mặc cảm, buồn bã.
Đại tá Trần Văn Hạnh (Phó Giám thị phụ trách trại số K5) cho hay, trại giam không chỉ là nơi phạm nhân cải tạo, trả giá cho lỗi lầm đã gây ra mà con là nơi họ được học tập, lao động để hướng đến hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng. Vào dịp tết, Ban giám thị, cán bộ trại giam rất quan tâm, có nhiều chế độ cho phạm nhân. Trại giam cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để các phạm nhân tham gia. Riêng các phạm nhân bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không thăm nuôi, trại còn trích tiền quỹ tặng quà. Ngoài ra, các em nhỏ sống cùng mẹ tại trại cũng được quan tâm, tặng quà.