10 năm tính từ khi đưa ra đề xuất đón Tết cổ truyền theo lịch dương, GS.TSKH Võ Tòng Xuân vẫn bảo lưu quan điểm của mình.
Bản sắc chỉ nên giữ tinh hoa
Cách đây đúng 10 năm, Giáo sư từng khơi nguồn cho những tranh luận với đề xuất gộp Tết Nguyên đán vào Tết dương lịch và đón Tết theo lịch dương. Bây giờ, ông còn bảo lưu quan điểm này không?
- GS.TSKH Võ Tòng Xuân: Tôi vẫn bảo lưu quan điểm ấy. Hồi tôi công khai đề xuất trên báo chí vào năm 2006, số người không đồng tình chiếm khoảng 70% nhưng càng về sau này số người ủng hộ đã tăng lên ngang ngửa với lượng người phản đối.
Điều đáng mừng là những người ủng hộ phần lớn đều thuộc thành phần trí thức, có công ăn việc làm ổn định, sự nghiệp thành đạt. Đa số họ đều thấy việc ăn chơi, nghỉ ngơi cả tháng vào Tết cổ truyền sẽ gây thiệt thòi cho công việc, gián đoạn những mối quan hệ giao tiếp với đối tác... Còn những người không đồng tình, phần lớn họ không có công ăn việc làm, hoặc đã nghỉ hưu, hoặc là học sinh sinh viên thích nghỉ lâu dài.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, đón Tết Nguyên đán vào thời điểm Tết dương lịch thì không "hợp tiết" cho lắm nhưng tôi có một quan sát thế này: Hoa mai, hoa đào nở trong Tết dương nhiều. Thậm chí các nhà vườn còn âu lo tìm cách hãm lại chờ Tết âm lịch.
Thời tiết trong giai đoạn biến đổi khí hậu cái gì cũng có thể xảy ra. Ngay cả ăn Tết cổ truyền mà trời nắng chang chang cũng rất bình thường. Tôi thấy điều này không đáng bận tâm.
Nhà vườn lao đao lo hãm đào chờ Tết cổ truyền
Đối tượng không đồng tình với đề xuất của ông có thể còn là những người cao tuổi dịp Tết đến xuân về thường hồi nhớ kí ức, mong con cháu sum vầy? Vậy làm sao để thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của họ?
- Tôi nghĩ đối tượng người cao tuổi cũng có những người đổi mới tư duy. Ví dụ, ngày xưa dịp lễ Tết các cụ diện khăn đóng áo dài, bây giờ toàn comple cà-vạt, sành điệu lắm chứ! Còn về chuyện đón Tết cổ truyền theo lịch dương đơn giản chỉ là thay đổi thời điểm, thói quen chứ bản chất sự việc chẳng có gì khác nhau.
Các bậc bô lão thay vì chờ đợi, gọi con mình về giáp Tết âm lịch thì giờ gọi vào Tết dương lịch. Mọi lễ nghi, thủ tục như cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con... vẫn diễn ra bình thường.
Cảm xúc của con người phụ thuộc ở cách họ đón nhận, tương tác lẫn nhau. Làm sao để nghĩ rằng đó là mồng một Tết chứ đừng có phân biệt Tết dương lịch hay âm lịch nữa.
Tết Nguyên đán có nhiều lễ nghi như: Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy hoặc cúng ông Táo, rước-tiễn ông bà tổ tiên... nếu đón Tết theo lịch dương với thời gian có hạn theo ông những phong tục này vẫn giữ nguyên hay cần giản lược?
- Bên cạnh những người tin tưởng vào lễ nghi, phong tục vẫn muốn duy trì thì cũng có những người hiện đại, có lối sống mới họ sẽ không màng lắm. Chưa kể, ở đất nước ta, mỗi vùng miền sẽ có phong tục riêng, bản sắc riêng nên những thủ tục cúng lễ có thể đúng hay quan trọng với vùng này mà lại không cần thiết với vùng kia.
Quan điểm của cá nhân tôi mọi thứ nên vừa phải, đừng to tát quá. Một ví dụ khác, ở ta mỗi khi dựng vợ gả chồng cho con cháu thì xem ngày, xem tuổi nhưng phương Tây họ có thế đâu mà vẫn hạnh phúc, giàu có. Bản sắc, phong tục cũng cần được chắt lọc, giữ lại tinh hoa chứ ôm đồm giữ hết tất cả thì không hợp lý.
Có những duy trì mang lại thiệt thòi
Giáo sư đã đưa ra những đề xuất đón Tết gây xôn xao dư luận vậy gia đình ông đã thực hiện việc đón Tết theo lịch dương hay chưa?
- Tết Dương lịch gia đình tôi thường tổ chức lớn. Tôi có một trường mẫu giáo tư thục cũng đón Tết theo lịch dương, cũng làm cỗ tất niên, các cháu rộn ràng nhảy múa, nhận lì xì...
Các con tôi đều đã trưởng thành, sống xa cha mẹ nên Tết đến, xuân về thường đoàn tụ ở bên gia đình mình chứ không nhất thiết phải sum vầy bên cha mẹ.
Tết cổ truyền năm nay tôi vẫn làm việc như thường. Vì có chuyến công tác ở nước ngoài nên 29 Tết tôi lên máy bay qua Nigeria.
Có khi nào ông nghĩ đề xuất của mình sẽ thành hiện thực?
- Dĩ nhiên bản sắc dân tộc phải gìn giữ, phát huy nhưng giữ ở mức độ nào đó thôi chứ nguyên xi thì sẽ không thể hội nhập được. Năm 2016, nước ta đã chào năm mới vào dịp Tết dương lịch khá tưng bừng. Tại TP Hà Nội và TP HCM có nhiều điểm bắn pháo hoa, đếm ngược đồng hồ đợi khoảnh khắc giao thừa.
Đó là những thay đổi mới mà trước đây chưa có. Tôi nghĩ, dù chưa được công bố bằng chủ trương, quy định nhưng khuynh hướng đón Tết theo lịch dương đang xích lại gần và như thế cũng phù hợp.
Tết Nguyên đán, quy định được nghỉ 9 ngày nhưng kiểu gì cũng kéo dài cả tháng. Cứ tiếp tục duy trì như vậy, chỉ có thiệt thòi thôi!
Biển người mùa lễ hội khiến lực lượng an ninh phải làm việc hết công suất
Sau Tết cổ truyền sẽ bước vào mùa lễ hội. Những năm gần đây, dư luận từng tranh cãi gay gắt về dạng lễ hội như đâm trâu, chém lợn. Quan điểm của ông thế nào?
- Trước hết, quan điểm của tôi về lễ hội là nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa. Ở Nhật Bản, vào mùa lễ hội, bên cạnh việc tổ chức phần lễ thì hoạt động giao thương, buôn bán rất được chú trọng.
Các cửa hiệu bán đồ lưu niệm, thực phẩm nổi tiếng... làm không hết việc. Khách du lịch, người dân khắp nơi sau giờ làm đổ về vui chơi, ăn uống. Họ vừa được hưởng thụ vừa có doanh thu, vừa duy trì được phong tục.
Ở ta, khâu tổ chức thường rườm rà. Nhiều lễ hội còn lợi dụng quyên tiền của khách thập phương dẫn đến tốn kém, mất trật tự an ninh, méo mó giá trị. Điều đó chỉ gây mất thì giờ, tiền bạc và ngày càng đi xa phong tục tập quán của dân tộc.
Về tục đâm trâu, chém lợn... trước hết đó là tục lệ có từ ngàn xưa gắn với những câu chuyện lưu truyền nhưng các bô lão cũng nên suy nghĩ xem làm như thế có tàn ác quá không?
Dĩ nhiên bình thường mọi người vẫn ăn thịt động vật từ lò mổ ra nhưng đó là khuất mắt còn đằng này lộ liễu quá, các cháu nhỏ chứng kiến cảnh sát sinh, không biết gì cũng reo hò cổ vũ... Tôi nghĩ nên từ từ bớt dần.
Mỗi dịp lễ hội, ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa còn là cơ hội để phát triển kinh tế, du lịch nên cần chọn lọc làm sao vẫn duy trì được tinh hoa dân tộc mà không tràn lan, kéo dài. Khách du lịch họ cần sự độc đáo, văn minh chứ không cần những gì ngược lại.
Để các phong tục lễ Tết, hội hè được diễn ra gọn ghẽ, văn minh theo ông cần hơn về cơ chế quản lý nhà nước hay ý thức từ người dân?
Tôi nghĩ là cả hai phải song hành, hòa quyện vào nhau nhưng đầu tiên phải là cơ chế quản lý nhà nước để mọi người phải theo.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!