Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dấu hiệu tăng cao trở lại, phần lớn là F0 được phát hiện ngoài cộng đồng.
7 diễn biến
F0 ngoài cộng đồng tăng trở lại, Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 28.000 ca bệnh
Tối 12/1, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (gọi tắt BCĐ) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua trên địa bàn ghi nhận 402 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 367 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 285 ca, gồm 3 ca tại khu cách ly tập trung và 282 ca ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất ở phường 11, phường 12.
Tp.Bà Rịa ghi nhận 11 ca ngoài cộng đồng, phát hiện tại các phường: Phước Nguyên, Phước Hưng, Long Toàn, Phước Trung và xã Tân Hưng, Hòa Long.
Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 2 ca đang cách ly tại nhà.
Huyện Châu Đức ghi nhận 4 ca, trong đó 1 ca tại khu cách ly tập trung và 3 ca ngoài cộng đồng ở các xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Bình Trung.
Huyện Đất Đỏ ghi nhận 32 ca, trong đó 23 ca đang cách ly tại nhà và 9 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Huyện Long Điền ghi nhận 18 ca, trong đó 6 ca đang cách ly tại nhà và 12 ca ngoài cộng đồng, phát hiện chủ yếu ở xã An Nhứt, xã Phước Hưng.
Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 38 ca ngoài cộng đồng, phát hiện chủ yếu ở thị trấn Phước Bửu, xã Phước Tân và xã Hòa Bình.
Huyện Côn Đảo ghi nhận 12 ca ngoài cộng đồng tại Khu 8, Khu 9 và trường hợp về từ ngoài tỉnh.
Như vậy, tính từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 28.425 ca mắcCOVID-19. Trong ngày, tỉnh này có thêm 112 bệnh nhân COVID-19được điều trị khỏi (tỷ lệ F0 khỏi bệnh là 72,9%).
Số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu tăng trở lại.
Theo BCĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mùa lễ Tết cận kề là thời điểm nhộn nhịp với nhiều hoạt động nhất trong năm và cũng là dịp đông đảo người dân đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, hay tổ chức gặp mặt Tất niên và đón Tết tại các nhà hàng.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, mới đây Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5619/QĐ-BYT "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng" và clip thực hành hướng dẫn này trên website của Bộ Y tế https://covid19.gov.vn.
Theo đó, BCĐ tỉnh này đề nghị Sở ngành có liên quan, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn cần triển khai cho các cơ quan, đơn vị, người lao động, bán hành, khách hàng tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp sức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, đồng lòng ủng hộ các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch mà địa phương đang triển khai.
Cùng chung tay góp sức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, thường xuyên nhắc nhở người thân và những người xung quanh nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch, tuân thủ đầy đủ thông điệp 5T.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/f0-ngoai-cong-dong-tang-tro-lai-ba-ria-vung-tau-hon-28-000-c...
Đà Nẵng: Áp dụng cấp độ phòng chống dịch mức 3 ở quận Thanh Khê
Ngày 12/1, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến ký Công văn 195/UBND-SYT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố này về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng với cấp độ dịch trên địa bàn quận Thanh Khê.
Theo đó, Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng thống nhất áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng với cấp độ dịch là cấp độ 3 đối với quận Thanh Khê. UBND Tp.Đà Nẵng cũng yêu cầu chính quyền quận Thanh Khê chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở Y tế, công an thông báo cho người dân và hoàn thành việc triển khai các biện pháp hành chính trên địa bàn quận tương ứng với cấp độ 3 trong vòng 48 giờ.
Đối với các quận, huyện khác, UBND Tp.Đà Nẵng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan căn cứ tình hình dịch bệnh và tiêu chí đánh giá để đề xuất nâng/giảm cấp độ.
Cũng liên quan đến dịch bệnh, hiện Tp.Đà Nẵng cũng tạm dừng hoạt động nhiều khu chợ truyền thống như chợ Cồn, chợ Non Nước. Đây là các khu chợ ghi nhận nhiều F0 chưa cách ly trong những ngày qua. Trong thời gian tạm nghỉ, cơ quan chức năng đề nghị hộ kinh doanh, người làm việc ở chợ về địa phương khai báo y tế để được hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Tp.Đà Nẵng, ngày 12/1, địa phương ghi nhận 592 ca mắc COVID-19. Gồm: 3 ca cách ly tập trung, 177 ca cách ly tạm thời tại nhà, 25 ca trong khu phong tỏa và 387 ca chưa cách ly.
Cũng trong tổng 592 ca nêu trên có 525 ca tiềm ẩn nguy cơ lây lan cho cộng đồng và 67 ca ít nguy cơ lây lan. 525 ca tiềm ẩn nguy cơ lây lan xuất hiện 7 quận, huyện. Gồm quận Sơn Trà (130 ca), quận Thanh Khê (99 ca), quận Liên Chiểu (92 ca), quận Hải Châu (65 ca), quận Cẩm Lệ (57 ca), quận Ngũ Hành Sơn (43 ca), huyện Hòa Vang (39 ca).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-ap-dung-cap-do-phong-chong-dich-muc-3-o-quan-thanh-k...
Thanh Hoá quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với người về quê ăn Tết
Theo kế hoạch số 289 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thanh Hoá, đối với người từ vùng có dịch thuộc cấp độ 1 và cấp độ 2 sẽ không bị cách ly, không bắt buộc xét nghiệm SARS-CoV-2 khi về địa phương.
Kế hoạch trên cũng nêu rõ: Đối với người từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 1) khi về địa phương phải khai báo y tế và tuân thủ thông điệp 5K, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Với người từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 2) và người tiếp xúc gần với đối tượng F2 (F3) tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày về địa phương (hoặc ngày tiếp xúc, nếu là đối tượng F3) và tuân thủ thông điệp 5K.
Người từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 3) và người tiếp xúc gần với đối tượng F1 (F2), những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (tính từ thời điểm về địa phương, có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh) thì tự cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày.
Người từ vùng cấp độ 3, nhưng tiêm chưa đủ liều vắc xin (thẻ vàng trên sổ sức khỏe điện tử), thì tự cách ly tại nhà 7 ngày, thực hiện xét nghiệm vào ngày đầu kể từ ngày về địa phương.
Còn người chưa tiêm vắc xin và các đối tượng F2, thì cách ly tại nhà 14 ngày (trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc cách ly, thực hiện theo dõi sức khỏe); thực hiện xét nghiệm vào ngày đầu, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tiếp theo, kể từ ngày về địa phương.
Riêng người về từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 4), người tiếp xúc gần F1 đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử), liều cuối đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì thực hiện cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 7 ngày; xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7, kể từ ngày về địa phương; sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Người từ địa bàn có dịch (ở cấp độ 4), nhưng tiêm chưa đủ vắc xin (thẻ vàng trên sổ sức khỏe điện tử), thực hiện cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 7 ngày; xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7, kể từ ngày về địa phương, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Những người chưa tiêm vắc xin và là đối tượng F1, thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 14 ngày; xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14, kể từ ngày về địa phương; sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
Nguồn: https://tienphong.vn/thanh-hoa-quy-dinh-phong-chong-dich-covid-19-doi-voi-nguoi-ve-que-...
Bình Thuận: Khẩn tìm người đến quầy thuốc, hàng rau chợ Văn Thánh 3
Sáng 13/1, UBND Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo khẩn liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm COVID-19.
Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một ca nghi nhiễm là T.T.K.D, năm sinh: 1977, nữ, nhân viên, ngụ khu phố 6, phường Phú Tài.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19, cụ thể:
Hàng rau, thịt, cá tại chợ tự phát Văn Thánh 3, khu phố 3, phường Phú Tài từ 8h30-9h ngày 5/1.
Quầy thuốc tây số 367 (gần chợ tự phát Văn Thánh 3), địa chỉ: Khu phố 3, phường Phú Tài từ 11h-11h20 phút ngày 9/1.
UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Bình Thuận (Ảnh: Đắc Phú).
Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 12/1, Thành phố này có 9 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5 ca khu cách ly và 4 ca cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 12/1/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 27.585 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.043 trường hợp; thị xã La Gi 2.796 trường hợp; các huyện Tuy Phong 3.977 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2.667 trường hợp, Đức Linh 2.270 trường hợp, Tánh Linh 2.223 trường hợp, Bắc Bình 1.935 trường hợp, Hàm Thuận Nam 2.039 trường hợp, Hàm Tân 1.086 trường hợp, Phú Quý 549 trường hợp.
Số trường hợp cách ly là 60.939 người, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 26.143 người (đang cách ly 829, hoàn thành cách ly 25.314), cách ly tập trung của địa phương có 34.479 trường hợp (đang cách ly 7, hoàn thành cách ly 34.472), cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.
Ngoài ra, có 90.382 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó đang cách ly có 4.892 trường hợp, hoàn thành cách ly 85.490 trường hợp.
Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm 1.764 mẫu.
Riêng số mẫu đã lấy đối với các người dân tại khu vực cách ly y tế, vùng đỏ, vùng cam theo Công văn 4048/UBND-KGVXNV ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh là 422 mẫu.
Số người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 11/1 đến 14h ngày 12/1 là 4.579 người, trong đó tiêm mũi 2 có 4.579 người, tiêm mũi 3 có 2.116 người.
Tổng số người ≥18 tuổi tiêm mũi 1 có 902.470/902.470, đạt tỉ lệ 100%; tiêm mũi 2 có 864.840/902.470, đạt tỉ lệ 95,8%; tiêm mũi 3 có 13.603/902.470, đạt tỉ lệ 1,5%.
Tổng số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 113.356/128.084, đạt tỉ lệ 88,5%; tiêm mũi 2 có 53.870/128.084, đạt tỉ lệ 44%.
Số trường hợp tử vong 3 ca, trong đó huyện Đức Linh có 2 ca (1 bệnh nhân nữ, 56 tuổi, xã Đức Tín; 1 bệnh nhân nam, 45 tuổi, xã Mê Pu); Tp.Phan Thiết 1 ca là bệnh nhân nữ, 79 tuổi, phường Phú Trinh.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 12/1/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 332 ca tử vong, trong đó có 21 ca tử vong tại Tp.Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-quay-thuoc-hang-rau-cho-van-th...
Đắk Nông sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch Covid-19
Sáng 13/1, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 48 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh lên 6.553 trường hợp.
Trước đó, chiều 12/1, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo, trong đợt dịch lần thứ tư, sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 9/7/2021, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được nâng lên mức độ cao hơn, với nhiều biện pháp quyết liệt.
Cùng với chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp định kỳ hàng tuần, đột xuất và ban hành nhiều văn bản, công văn khẩn về phòng, chống dịch.
Nhờ sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ tại các cơ sở thu dung, điều trị, tính đến 18h ngày 12/1/2022, tỉnh Đắk Nông có 5.098/6.430 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh, ra viện, chiếm trên 79%; 15 trường hợp tử vong do có bệnh lý nền nặng, chiếm 0,23%, thấp hơn so với tỷ lệ tử vong chung của cả nước.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 97,6%; mũi 2 cho đối tượng từ 12-17 tuổi đạt trên 96%. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm bổ sung cho 35.900 đối tượng, đạt 15,2% và tiêm nhắc lại cho 55.772 đối tượng, đạt 14,1%.
Đáng nói, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chia sẻ, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đạt được những kết quả tích cực.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 10/1, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 75.593 đối tượng, với tổng số tiền gần 94 tỷ đồng, trong đó đã chi hỗ trợ gần 80,6 tỷ đồng, đạt 94,2%. Toàn tỉnh đã vận động được 21 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin và Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều tập thể, doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tặng bằng khen.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh biểu dương các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, với sự dấn thân, nỗ lực cống hiến đã góp phần giúp Đắk Nông kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2021. Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, toàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch trong dân.
Đồng thời, tập trung nhân lực, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch, giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong. Tăng cường quản lý chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho các đối tượng; quan tâm đến người nghèo, những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2022; tiếp tục xây dựng các kế hoạch sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Đắk Nông đã tặng bằng khen cho các tập thể, doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-nong-san-sang-ung-pho-voi-moi-tinh-huong-dich-covid-19-a...
Lên kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron lên tới 10.000 ca bệnh/ngày
Ngày 13/1, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống biến thể Omicron trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong bối cảnh ngày Tết cận kề, người dân đi lại nhiều.
Cụ thể, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng như trước đây, đáp ứng theo từng tình huống dịch từ 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày tăng lên 8.000 - 10.000 ca/ngày và có thể đạt trên 10.000 ca bệnh/ngày.
Theo phương án đưa ra, nếu trường hợp dưới 10.000 ca bệnh/ngày, thời gian điều trị trung bình 10 ngày, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị dưới 100.000 giường bệnh, trong đó 95% giường bệnh dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng tương ứng với 95.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 4% giường bệnh (4.000 giường) dành cho bệnh nhân tầng 2 tại các huyện, thị, thành phố và 1% giường cho các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tầng 3.
Đối với điều trị 3 tầng, ở tầng cấp cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch sẽ bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Quốc tế Becamex. Trong trường hợp tình huống xấu nhất, số ca bệnh trên 10.000 ca/ngày sẽ quá khả năng đáp ứng của ngành y tế, Bình Dương sẽ đề xuất giãn cách xã hội, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện, thị, thành phố và 2 bệnh viện tầng 3.
Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, cho biết nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường và nguy cơ biến chủng Omicron có thể xâm nhập UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất.
Bình Dương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 để hạn chế ca mắc diễn biến nặng và tử vong
Ngành y tế chủ động và sẵn sàng trang bị nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Ngành cũng chủ động tăng cường xét nghiệm tầm soát với các trường hợp, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin an toàn, nhanh nhất có thể.
Với biến thể Omicron, Bình Dương xác định đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài nguy cơ cao, do đó các địa phương và đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ.
Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố giám sát, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người nước ngoài các biện pháp cách ly, tự theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các đơn vị báo cáo tình hình quản lý, giám sát người nhập cảnh của địa phương về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế. Đối với các công ty, doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài phải bố trí phương tiện chở chuyên gia từ sân bay, cửa khẩu về đến nơi cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Các công ty khai báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế cơ sở để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời cam kết thực hiện các quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo kế hoạch dự kiến, từ nay đến cuối tháng 3, Bình Dương có khoảng 150 chuyên gia nước ngoài ở 60 công ty nhập cảnh đến. Các chuyên gia và người thân này đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Theo số liệu thống kê, từ đầu đợt dịch bệnh đến nay, Bình Dương có 4.385 chuyên gia nước ngoài và người thân của họ đến học tập, làm việc. Trong số này chỉ có 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng cách ly ngay khi nhập cảnh.
Nguồn: https://tienphong.vn/len-kich-ban-ung-pho-voi-bien-chung-moi-omicron-len-toi-10-000-ca-...
Số ca mắc tăng cao, Sơn La lên phương án ứng phó các tình huống dịch dịp Tết
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sơn La, lũy kế từ ngày 5/10/2021 đến ngày 13/1/2022 toàn tỉnh ghi nhận 2.131 ca mắc COVID-19 (1.198 ca đã được điều trị khỏi, 1 ca tử vong do tuổi cao và có bệnh lý nền). Hiện, còn 667 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế và 253 F0 điều trị tại nhà.
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, thời gian đầu bước vào thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các huyện trong trong tỉnh đã xuất hiện một số ca bệnh F0 liên quan đến những người trở về từ vùng có dịch. Rất khẩn trương, ngành Y tế đã xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine phòng COVID-19, theo phương châm "Cách ly, xét nghiệm là then chốt; vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết".
Trên cơ sở đó, Sở Y tế cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, vùng cách ly y tế trong tỉnh và các biện pháp áp dụng tương ứng trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, toàn tỉnh Sơn La có 4 xã cấp độ 4; 6 xã, phường cấp độ 3; 26 xã, phường, thị trấn cấp độ 2. Đến nay, 100% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 đạt 88,1%, mũi 3 đạt 5,5%; đối với trẻ em từ 12-18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 65,9%.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 12/1, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sơn La đề nghị Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch trong dịp Tết; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong điều trị F0; tăng cường phân tầng điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp nhẹ, giảm tải cho lực lượng y tế và kinh phí Nhà nước.
Tiếp tục phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, quản lý tốt người dân ra vào địa bàn, không để lây lan dịch bệnh; hướng dẫn các huyện xây dựng các trạm y tế lưu động để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sơn La nhấn mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 là yếu tố tiên quyết để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó góp phần để nhân dân được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần yên bình, đầm ấm.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-tang-cao-son-la-len-phuong-an-ung-pho-cac-tinh-huon...