Cứ độ tháng 9 âm lịch hàng năm, nghề "chuyển nhà" cho người đã khuất lại bận rộn tại làng Tấm, Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Dân trong nghề tâm niệm đó là nghề "trả nợ đời", đã làm là phải thật tỉ mỉ, không được phép thiếu sót, dù chỉ một bộ phận nhỏ.
Làm nghề phải... "lớn gan"
Men theo con đường tắt qua nghĩa trang làng Tấm, xã Định Trung, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi dễ dàng bắt gặp một xóm dân cư sống quây quần ngay dưới chân dốc. Ở đó, có một người đàn ông với nước da ngăm đen và vóc dáng có phần nhỏ con nhưng săn chắc đã gắn bó với nghề bốc mộ hơn 15 năm.
Người đàn ông này luôn được mọi người trong khu vực tin tưởng gửi gắm, thường xuất hiện trong khu vực nghĩa trang. Đó là anh Hoàng Hữu Quân (SN 1984), hành nghề "chuyển nhà" cho người đã khuất từ năm tròn 20 tuổi. "Làm cái nghề này không mất nhiều sức, nhưng ngặt nỗi, phải làm việc vào ban đêm. Nhưng cái chính là phải "lớn gan" một chút, chứ nếu không, sẽ chẳng thể nào vượt qua được nỗi ám ảnh ban đầu", anh Quân chia sẻ.
Năm 20 tuổi, đàn ông trong làng rủ nhau tham gia bốc mộ cho một nghĩa trang quy mô lớn, anh Quân cũng bắt đầu suy nghĩ về cái nghề cặm cụi đêm hôm này. Những ngày bình thường, anh Quân ở nhà chăm sóc cây cối vườn tược, hoặc có ai thuê gì thì làm nấy, từ đào đường, thông cống, xây dựng, khắc bia đá...
"Tôi tự nhủ, nếu cứ quanh quẩn với mấy công việc hao tổn sức lực mà thu nhập chẳng được mấy đồng kia thì cuộc sống sẽ chỉ càng thêm chật vật. Phải chăng, đã đến lúc, tôi nên làm thêm nghề này để trang trải cuộc sống? Thế là tôi có lý do để bắt đầu vào nghề", anh chia sẻ.
Anh Quân không nhớ chính xác mình đã "chuyển nhà" cho bao nhiêu trường hợp, chỉ áng chừng mỗi năm 15-20 đám.
Nhớ về những ngày đầu theo nghề, anh kể: "Giai đoạn ban đầu, khi tôi nghe các chú, các bác kể lại quá trình cải mộ với nhiều câu chuyện "bí ẩn", cũng có chút toát mồ hôi. Sau đó, tôi tham gia cùng với một nhóm, lúc đầu chỉ là ngó nghiêng, học hỏi kinh nghiệm trước khi chính thức nhận "kèo". Buổi đầu tiên tự mình thực hiện, tôi không khỏi rùng mình sau khi mở nắp quan tài. Mồ hôi vã ra giữa đêm mùa thu. Người đàn ông chung đội với tôi chỉ khẽ trượt chân làm lăn một hòn đất cũng khiến tôi giật bắn cả người. Sau phút hoảng hồn, tôi cùng "đồng nghiệp" nhanh tay hoàn thiện các thủ tục để đưa lại bộ cốt vào "ngôi nhà mới" một cách nhanh nhất, cẩn thận nhất".
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, anh Quân không nhớ rõ mình đã sang cát "chuyển nhà" cho bao nhiêu trường hợp, chỉ có thể áng chừng đã bật nắp vài trăm chiếc quan tài, trung bình mỗi năm cũng xử lý khoảng 15 - 20 đám.
Nhiều phen rùng mình, nổi gai ốc
"Cứ khoảng từ tháng 9 âm lịch hàng năm, nhiều gia đình có nhu cầu bốc mộ, cải táng, sửa sang phần mộ cho người đã khuất, quy tập mồ mả đặt rải rác các nơi về một nghĩa trang gia đình dòng họ hoặc một nơi mới. Dân làng Tầm cũng trở nên bận rộn hơn, những ai sẵn nghề trong tay đều được các gia chủ mời đến làm thủ tục "chuyển nhà" cho người thân đã mất", bà Thông, một người dân làng Tầm cho biết.
Theo bà Thông, đối với phong tục, người mất sau 3 năm thì cải táng được, cũng là lúc con cháu đã "đoạn tang". Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn cất. Tuy nhiên, thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều biến đổi, các hóa chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc sau 3 năm xác người đã qua đời chưa phân hủy diễn ra khá phổ biến. Nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu hơn, từ 4 đến 5, có thể đến 8 năm để tránh hiện tượng trên.
Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khu vực nghĩa trang làng Tấm lại "nhộn nhịp" suốt đêm. Có những đêm, có hơn chục đám cải mộ. Anh Quân cho biết: "Thủ tục bốc mộ cần phải thực hiện trong giai đoạn "âm vượng" trong năm, đó chính là mùa thu đông, thời điểm này cũng hạn chế sấm chớp. Để hợp với quy luật âm dương và vệ sinh môi trường, khi tiến hành bốc mộ phải chọn buổi đêm để tia sáng mặt trời không chạm đến hài cốt. Nếu khi khai quật một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều luồng khí và vi sinh vật độc hại vào buổi trưa nắng thì sẽ tạo ra không khí không tốt cho môi trường xung quanh".
Mỗi lần bốc một ngôi mộ, anh Quân được trả từ 3 - 4 triệu đồng, nhưng riêng với những ngôi mộ chưa sạch sẽ, tốn công hơn thì gia chủ có thể bồi dưỡng thêm. Có những đêm anh bốc 4, 5 ngôi mộ. "Cái nào sạch sẽ thì làm mất khoảng 1 tiếng, mộ nào chưa sạch thì lâu hơn, có khi mất vài tiếng", anh Quân giải thích.
Một góc nghĩa trang mới sau khi sang cát.
Nhắc đến một buổi sang cát để lại ấn tượng với bản thân, anh Quân kể: "Thông thường, những người chết từ 3 đến 5 năm thì sang cát, nhưng bà cụ này mất cũng đã được cỡ 7 - 8 năm mà khi vừa mở nắp quan tài lên thì bên trong đó vẫn nguyên vẹn hình hài như một người đang nằm ngủ. Khi ấy, tôi cũng rùng mình, toan bỏ về nhưng nghĩ đến câu "nghĩa tử là nghĩa tận", tôi lại quyết định làm tới cùng. Mỗi lần cải mộ, tôi vẫn luôn nhẩm nghĩ trong đầu rằng: "Hôm nay, tôi tắm rửa cho các cụ mát mẻ, rồi chuyển các cụ lên nhà mới nhé!", anh Quân nhớ lại.
Chìa ra một chiếc rá đã cũ sờn, người đàn ông 35 tuổi không ngần ngại chia sẻ: "Đối với công việc này, chúng tôi phải làm phải cẩn thận, từ đầu đến cuối tỉ mỉ, phải nhặt từng đốt ngón tay, ngón chân... Lần đầu tiên tôi phải mua rá vo gạo để đãi xương, nếu để sót một đốt cũng tội người ta lắm, mất rồi mà còn để hài cốt không trọn vẹn.
Có lần tôi làm bị sót một đốt xương, nhưng chỉ sau vài phút, trước khi đóng tiểu là tôi đã phát hiện ra ngay, đốt xương ấy bị rơi ra đất, nên tôi phải đãi đất để tìm. Thực ra, làm nghề này lâu, cứ sót là sẽ thấy ngay và bổ sung ngay, làm nhiều năm thì biết rõ có bao nhiêu đốt xương ở từng bộ phận trên cơ thể". Anh tâm niệm nghề của mình là nghề "trả nợ đời", làm để vừa giúp đỡ các gia chủ cảm thấy yên tâm, vừa để cho cái tâm mình thanh thản: "Nghề của chúng tôi là nghề hậu phúc, làm nghề này chúng tôi không bao giờ có chuyện kỳ kèo tiền nong". Anh Quân chia sẻ, anh vẫn chưa tính tới chuyện giải nghệ bởi "khi nào còn người gọi thì tôi còn làm, bao giờ không làm được nữa mới thôi".