Tại nhiều bản làng vùng cao ở tỉnh Quảng Ngãi, không chỉ đàn ông mà phụ nữ, trẻ em cũng uống rượu. Thức uống gây nhiều tác hại này đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Điều đáng nói là chuyện uống rượu đã trở thành phổ biến tại nhiều bản làng vùng cao tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều gia đình suốt ngày chìm trong men rượu. Nhiều thảm cảnh như chồng say đánh vợ, vợ say giết chồng, mẹ say giết con đã xảy ra.
Làm 1 ngày, say 3 ngày
Chúng tôi tìm đến thôn Nước Chạch, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi lúc trời mưa rả rích. Đây là nơi xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khi bà Phạm Thị Min trong cơn say đã giết chồng là ông Phạm Văn Nó vào tháng 10.2014.
Trong thôn hầu như không có nhà kiên cố, tất cả đều lụp xụp, tạm bợ. Phần lớn cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào những đám lúa rẫy, năm trúng, năm thất. Ngoài thời gian lên rẫy, một số người đi làm thuê, hái đót bán kiếm tiền sống qua ngày. Do vậy, đa phần người dân ở đây thiếu ăn, thiếu mặc; trẻ em không được học hành đến nơi đến chốn.
Thói quen uống rượu là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của nhiều hộ ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Chúng tôi vào nhà ông Phạm Văn Hót khi ông cùng nhiều người trong làng tổ chức bữa nhậu. Giữa sàn nhà là một can rượu 5 lít, xung quanh có 7 người nhưng có đến 3 phụ nữ, 1 thiếu niên khoảng 13 tuổi. Ông Hót liền rót một ly rượu đầy mời khách.
Khi chúng tôi hỏi “vì sao không đi làm, sáng sớm đã tổ chức uống rượu?”, ông Hót cười, giải thích: “Trời mưa, không ai thuê làm”. Nói xong, ông “ực” ly rượu một cách ngon lành. Sau đó, ông chuyển ly rượu cho 3 phụ nữ bên cạnh rồi từng người uống ừng ực.
Bà Trần Thị Hà (dân tộc Kinh), chủ một tiệm tạp hóa ở thôn Nước Chạch, cho biết người dân ở đây uống rượu nhiều lắm; phụ nữ, người già, trẻ con cũng uống. “Cả thôn có trên dưới 300 người nhưng mỗi ngày, tôi bán gần 100 lít rượu, đó là chưa kể những tiệm khác. Nhiều người không mua gạo, chỉ dành tiền mua rượu uống. Họ rất ít khi đi làm, nếu có ai thuê, họ chỉ đi một vài ngày rồi về, lấy tiền mua rượu uống. Khi nào hết tiền mới đi làm tiếp” - bà Hà nói.
Theo ông Phạm Văn Liễu, Trưởng Công an xã Ba Xa, tập tục uống rượu của người dân tộc H’re có từ lâu. Trước đây, chỉ đàn ông uống rượu nhưng gần đây có thêm phụ nữ, trẻ em. Bây giờ, cả làng đều biết uống rượu, họ uống cả ngày lẫn đêm. Sau khi đi làm về, nhiều cặp vợ chồng mua mỗi người một bịch rượu rồi đến một góc nào đó ngồi uống một mình, đến khi hết rượu mới chịu về. Họ làm 1 ngày, nghỉ 3 ngày để uống rượu, đến khi hết tiền mới đi làm lại.
Gia đình tan nát
Trường hợp bà Phạm Thị Min giết chồng là hậu quả của việc nhậu dẫn đến nợ nần, gia đình tan nát. Vợ chồng này thường xuyên uống rượu và nhiều lần xảy ra mâu thuẫn nhưng được người dân địa phương can ngăn kịp thời. Trong một bữa, do chồng yêu cầu ngưng uống rượu để đi làm lấy tiền trả nợ, bà Min bực tức rồi ra tay sát hại chồng.
Không chỉ thôn Nước Chạch, rất nhiều người dân tộc H’re, Cadong ở các bản làng khác cũng uống rượu không kém. Xót xa hơn khi chính thói quen này đã làm nhiều gia đình lâm vào cảnh bi đát. Khoảng tháng 6.2014, Hồ Thị Sen (29 tuổi; ngụ xã Trà Nham, huyện Tây Trà) vì thèm rượu nhưng không có tiền mua dẫn đến giết con.
Anh Hồ Văn Lâu (chồng của Sen) cho biết trước đây, Sen không biết uống rượu. Sau khi lấy chồng trước, do thấy chồng uống rượu nên Sen uống theo. Sen uống càng ngày càng nhiều, suốt ngày chìm trong cơn say, không còn làm công việc đồng áng. Thấy vậy, người chồng trước quyết định bỏ Sen, dù họ đã có 2 con.
Nghĩ sau khi bị chồng bỏ, tính nết của Sen sẽ thay đổi, anh Lâu mới cưới về làm vợ. Thế nhưng, tính nào tật đó, sau khi sinh con được 1 ngày, Sen lại đi uống rượu. Từ đó, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, con cái không ai chăm sóc. Ngày 23.6.2014, khi anh Lâu đi làm thuê về, Sen yêu cầu đưa tiền mua rượu nhưng không được đồng ý. Do không có tiền mua rượu uống, Sen đã trút cơn giận lên đứa con của họ làm cháu bé 2 tháng tuổi tử vong.
Thói quen xấu nhưng không bỏ Đại tá Lê Văn Khoa, Trưởng Công an huyện Ba Tơ nhìn nhận, vài năm qua, những vụ án liên quan đến rượu trên địa bàn xảy ra khá nhiều. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân không nên uống rượu, nhưng thói quen này vẫn không hề giảm. |