Từ vụ cháy nhà trọ tại ngõ 119 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong vào rạng sáng 24/5, chuyên gia chỉ ra những kỹ năng cần thiết giúp người dân thoát nạn khi gặp phải các sự cố cháy nổ.
Liên quan đến vụ cháy nhà trọ tại ngõ 119 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong và nhiều người bị thương vào rạng sáng 24/5, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là một sự việc hết sức thương tâm khiến những người làm công tác quy hoạch đô thị như ông bàng hoàng.
Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện mới khi vào tháng 9/2023, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), cướp đi sinh mệnh của 56 người.
Vụ cháy nhà trọ tại ngõ 119 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong và nhiều người bị thương vào rạng sáng 24/5.
Theo ông Chính, trong quá trình đô thị hoá, Hà Nội hiện có hàng nghìn nhà trọ cho thuê, Thủ đô cũng xuất hiện nhiều "làng trong phố". Do nhu cầu, qua thời gian các công trình cao tầng dần mọc lên, bất chấp "tải" dân cư vào, trong khi vấn đề bảo đảm phòng cháy, chữa cháy lại chưa tốt.
"Như vụ cháy vừa rồi xảy ra ở ngõ 119 Trung Kính, ngôi nhà trọ bị cháy nằm trong ngõ rất sâu, đường rất hẹp, chỉ 1-2m. Điều kiện thực tế tại căn nhà trọ bị cháy đã khiến cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người dân cũng rất khó thoát hiểm khi sự cố xảy ra", ông Trần Ngọc Chính nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cũng cho rằng, việc xảy ra hỏa hoạn gần đây tại các chung cư mini, nhà trọ trong ngõ sâu khiến con số thiệt hại về người, tài sản vô cùng lớn.
Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm, Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Cụ thể, lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 ở vị trí nào và cấu trúc ra sao thì phụ thuộc vào kết cấu của tòa nhà. Tuy nhiên, có những nơi không đủ lối thoát nạn theo quy định, do người dân thờ ơ, chủ quan, cố tình không làm hoặc diện tích đã được tận dụng đến mức tối đa để kinh doanh hay phục vụ sinh hoạt…
Trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn.
Làm gì khi xảy ra hỏa hoạn?
Để an toàn khi có cháy xảy ra, PGS.TS Ngô Văn Xiêm cho rằng điều quan trọng đầu tiên là gia chủ phải thật bình tĩnh, thông báo cho những người sinh sống tại nơi ở và xung quanh biết được đã có cháy xảy ra. Đồng thời, thông báo cho lực lượng cảnh sát PCCC.
Tiếp theo phải nhanh chóng thoát ra theo những phương án đã được tập luyện nếu có. Cụ thể như cửa ra ở đâu, chìa khóa ở đâu, hướng chạy thế nào… cần bình tĩnh để tìm lối đi đúng. Nếu trường hợp xác định không thể thoát ra, có thể quay về trong phòng, nơi mình ở, dùng dùng khăn ướt, chăn ướt, băng dính... bịt kín các khe cửa không cho khói độc lọt vào; dùng khăn ẩm che mũi và miệng tránh hít phải khí độc…
"Các kĩ năng thoát nạn khác, người dân đều có thể được học trong các buổi tuyên truyền về kĩ năng thoát nạn khi xảy ra sự số, hỏa hoạn. Khi nhận biết lực lượng chức năng chữa cháy đã ở gần, người gặp nạn có thể dùng các vật tác động để thông báo cho lực lượng cứu hộ biết vị trí.
Cần trang bị và học cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy cơ bản. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Tuyệt đối không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện", PGS.TS Ngô Văn Xiêm hướng dẫn.
Theo Bộ Công an, đối với nhà độc lập, liền kề, để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết xác định được lối ra an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, dây tự cứu hạ chậm… Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau: Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo. Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc. Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận. Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc. Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh. Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện. Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy. |