Cảm phục cô gái “chân voi” chăm sóc chàng trai bại liệt

Ngày 02/06/2016 13:20 PM (GMT+7)

Chị Hồ Thị Nga (39 tuổi, quê Quảng Trị), mang trên mình bệnh chứng “chân voi”, vượt ngàn cây số đến chăm sóc cho chàng trai bại liệt Lê Văn Thành (32 tuổi, quê Thanh Hóa), với ước mơ sẽ cùng chàng trai, một lần tận hưởng hạnh phúc gia đình.

Nhìn hoàn cảnh chị Nga, nhiều người không khỏi thương cảm, lo lắng cho tương lai hai mảnh đời kém may mắn nương tựa vào nhau. Chị Nga thì bị bệnh chứng “chân voi” đi lại khó khăn, nhưng lúc nào cũng ở bên Thành ân cần, chăm sóc. Càng cảm thương lại càng khâm phục, nghị lực của chị Nga và xúc động hơn với câu chuyện tình đẹp như mơ của hai anh chị được viết lên bằng trái tim, bằng tình yêu không tính toán của mình.

Chuyện tình qua điện thoại

Chị Nga sinh ra cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng bi kịch ập đến khi chị vừa lên 5 tuổi. Chị phát hiện một chiếc mụn nhỏ ở chân phải, rồi dần phát triển nhanh và to ra làm chân chị bị biến dạng hoàn toàn. “Phát hiện chiếc mụn ở chân phải của tôi phát triển nhanh và to dần, gia đình đã đưa tôi đi điều trị nhưng không hết. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên gia đình đành nuốt nước mắt nhìn tôi khổ sở với cái chân cuả mình ngày càng to lên”, chị Nga xúc động kể lại.

Tìm hiểu về hoàn cảnh Thành, chàng sinh viên Đại học Thương mại bị mất hết toàn bộ ước mơ, tương lai khi bị chứng bại liệt nằm một chỗ suốt 10 năm qua.

Nằm trên giường bệnh, Thành vẫn nhớ như in ngày kinh hoàng xảy đến với anh: “Vào năm 2006, khi ấy tôi đang là sinh viên năm hai. Cuộc sống gia đình khó khăn, ngoài thời gian học trên trường, tôi đi làm thêm và công việc phụ hồ. Tai nạn xảy ra khi tôi đang làm việc trên cao và không may trượt chân té xuống, bị đa chấn thương dẫn đến bại liệt nằm một chỗ suốt hơn 10 năm qua”.

Cảm phục cô gái “chân voi” chăm sóc chàng trai bại liệt - 1

Câu chuyện tình cảm động của chị Nga và anh Thành

Chuyện tình của họ bắt đầu vào năm 2013, trong một lần đọc báo, chị Nga đọc được thông tin của anh Thành. Thấy cảm động và đồng cảm, muốn chia sẻ một phần nào nỗi đau, mất mát quá lớn của Thành. Chị đã nhắn tin vào số điện thoại của Thành động viên anh sống vui vẻ…

Sau nhiều lần, nhắn tin qua lại, chị cảm nhận Thành là một con người biết quan tâm và lanh lợi. Tuy nhiên, vào dịp lễ hay tết không thấy Thành nhắn tin liên lạc nữa. “Lúc ấy, trong đầu tôi lại hiện lên suy nghĩ, chắc vì bệnh nặng quá nên Thành đã không còn nữa, điều này làm tôi rất buồn. Đúng vào ngày Quốc tế Phụ Nữ, tôi nhận được cuộc gọi từ Thành đến chúc mừng, nghe giọng nói tôi nhận ra ngay là anh. Cũng từ đó, mỗi khi không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi của Thành, tôi lại thấy nhớ anh hơn”, chị Nga chia sẻ.

Những cuộc trò truyện của chị và Thành cứ tiếp diễn cho đến một ngày, anh Thành muốn chị vào Sài Gòn thăm anh một lần. Sau nhiều lần thuyết phục chị Nga đã đồng ý vào thăm và hứa sẽ ở lại 3 ngày.

Chị Nga chia sẻ: “Do tình cảm của Thành quá chân thật, tôi đã quyết định vào Sài Gòn thăm anh một chuyến. Ý định đó, tôi chỉ cho một đứa cháu và một người bạn thân biết. Ai cũng sợ tôi bị lừa, nhưng trong lòng tôi lại có cảm giác tin tưởng Thành nhiều hơn, khi đọc được những dòng tin nhắn đợi chờ tôi đến thăm anh".

Vào một ngày tháng 3, chị Nga một mình khăn gói đi bộ đón xe vào Sài Gòn. Cái lạnh của những cơn gió miền Trung khiến chị rung lên khi đứng bên đường chờ xe suốt năm tiếng đồng hồ.

“Từ trước đến nay, tôi chưa từng đi đâu xa cả, cảm giác khi đặt chân xuống bến xe tôi bắt đầu thấy sợ. Nhưng rồi tôi đã được mẹ Thành đón và đưa tôi đến thăm anh. Khi gặp anh tôi vô cùng bất ngờ, thân hình anh nhỏ xíu, như một cái xác khô, chỉ một mảnh vải phủ ngang người. Mặc dù, tôi đã biết trước và thấy hình anh trên báo, nhưng tôi cũng không hình dung ra được là anh phải chịu đựng nỗi đau đến thế”, chị Nga cho biết.

Với ý định vào thăm 3 ngày rồi về như dự định, chị Nga đã vượt qua sự ngại ngần của người con gái. Chị quyết định sẽ ở lại bên Thành bằng chính tình cảm của mình dành cho anh. “Khi ấy, tôi nghĩ rằng đã lỡ đến thăm rồi, ở lại thêm vài ngày nữa rồi về cũng được. Nhưng 3 ngày, ở bên cạnh được anh chia sẻ, tôi không nỡ bước đi vì anh rất cần tôi, điều này làm tôi không thể nào rời xa anh được”, chị Nga cho biết thêm.

Ước mơ cùng Thành hưởng hạnh phúc gia đình

Thời gian trôi qua, tình cảm của chị Nga dành cho anh càng nhiều hơn, khiến chị không thể nào rời xa anh được nữa. Chị Nga đã đảm nhận luôn phần việc chăm sóc Thành, mà lúc trước mẹ anh thường làm. Trong căn phòng trọ của chàng trai nghèo bệnh tật, lúc nào cũng đầy tiếng cười đùa và những lời động viên dành cho chị.

Để làm cho chị vui, anh Thành thường làm thơ tặng chị, kể cho chị nghe những câu chuyện hay mỗi ngày. Đôi lúc anh còn nói đùa với mẹ, “Mẹ nhớ đóng cửa thật chặt lại nhé, để Nga không bỏ con mà đi”.

Cặp đôi còn nghĩ cách kiếm tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sáng thứ bảy, chủ nhật chị đẩy chiếc xe lăn của Thành đi bán vé số, hai người bán hết, rồi cùng nhau đi chợ mua rau, mua thịt… về nấu cơm.

Đến với nhau bằng tình cảm chân thật từ hai bên, chị Nga đã điện thoại về quê nhà, nói về anh, nói về cuộc tình của mình mong muốn sẽ được gia đình chấp nhận. Nhưng nhà chị quyết liệt phản đối.

Cảm phục cô gái “chân voi” chăm sóc chàng trai bại liệt - 2

Từ khi vào thăm anh, chị Nga đã ở cùng anh, hàng ngày chăm sóc cho anh

Ánh mắt đượm buồn chị Nga cho biết: “Khi thưa chuyện của anh với gia đình, hầu như mọi người đều phản đối. Chỉ có mẹ là hiểu được tâm trạng của tôi, bà không ngăn cản, cũng không cổ vũ, chỉ khuyên tôi hãy cố gắng vươn lên và sống thật tốt”.

Biết tính Thành hay tự ti, mặc cảm và hay suy nghĩ mông lung, chị tự thay sim điện thoại, không liên lạc với bạn bè, chỉ lưu số người thân.

Những ngày chị Nga về quê thăm nhà, anh Thành thường nhắn nhủ động viên, ghi âm những bài hát của anh lại gửi cho chị nghe. “Cả hai rời nhau một ngày thì nhớ lắm, những ngày không có Nga bên cạnh, cô ấy hay điện thoại dặn dò, kêu tôi phải uống thuốc đúng giờ và ráng giữ sức khỏe chờ cô ấy vào. Tôi yêu cô ấy nhiều lắm,…”, anh Thành chia sẻ.

Từ ngày có chị Nga bên cạnh, cuộc sống của anh đã có nhiều thay đổi lớn qua từng ngày. Căn phòng nhỏ ngập tràn tiếng cười, tiếng trò chuyện. Anh Thành tập cách cầm chiếc muỗng để tự xúc cơm ăn, để không phiền ai nữa.

Kể về anh Thành, chị cho biết: “Anh là một chàng trai thông minh, đẹp và tài giỏi.  Tại số phận trêu đùa với anh, nhưng tôi tin anh sẽ vượt qua được”.

Ngồi trong phòng bệnh của anh Thành, chị Nga vẫn ước mơ một ngày nào đó Thành sẽ hết bệnh và chị có thể cùng anh mặc áo cưới hưởng hạnh phúc gia đình. Cùng nhau xây dựng tổ ấm, cùng nhau vươn lên chăm lo mái nhà, nơi anh Thành ngồi hát cho chị nghe, còn chị thì vỗ tay cổ vũ cho anh.

Thanh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h