“Nếu cấp trên không thích nhận quà, hãy tỏ thái độ dứt khoát. Kiên quyết không nhận thì còn ai dám biếu nữa”. GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm trò chuyện với PV xung quanh câu chuyện tặng quà ngày Tết.
Phải tách “tặng quà” và “hối lộ”
Thưa GS, dịp Tết Nguyên đán năm 2014, Ban Bí thư lại vừa có nhắc nhở, yêu cầu cấp dưới không tặng quà cấp trên. Phải chăng, chuyện tặng quà tết ngày nay đang có biến tướng “kẻ yếu cống nạp, luồn cúi kẻ mạnh” không thể kiểm soát nổi nên chúng ta phải cấm?
Theo GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, chuyện tặng quà nhau thuộc về văn hóa
Cần phải nói rõ, nội dung cấm tặng quà nằm trong chỉ thị về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán nói chung. Tuy nhiên, do báo chí đặc biệt quan tâm đến yêu cầu “cấm tặng quà” hơn các nội dung khác nên chỉ thị này thành ra “được đặt tên” là chỉ thị cấm tặng quà.
Bàn về chuyện cấm tặng quà, nếu như với ý nghĩa là Ban Bí thư chỉ thị cho các tổ chức Đảng, từ các tổ chức Đảng ra các tổ chức Nhà nước rằng không dùng ngân sách nhà nước để tặng quà, biếu xén lẫn nhau… thì đó là điều hoàn toàn đúng.
Thế còn nếu hiểu rộng ra hơn nữa là cấm mọi hình thức tặng quà của người cấp dưới đối với cấp trên thì “có vấn đề”. Bởi khó có thể kiểm soát được việc ai tặng quà cho ai…
Chỉ thị “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên” đưa ra vào thời điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, Chỉ thị trên làm mất đi thói quen tặng quà cho nhau - nét văn hóa đẹp của người Việt?
Chuyện tặng quà nhau thuộc về văn hóa. Bất kỳ một dân tộc nào cũng có văn hóa tặng quà. Ở Việt Nam, tặng quà là truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời, vì thế không có lý do gì mà bỏ; truyền thống này cần phải giữ gìn và phát huy.
Nếu như việc tặng quà biến tướng thành biếu xén, hối lộ trá hình làm ô nhiễm môi trường xã hội... thì phải tách ra xử lý riêng. Không nên chỉ vì đánh con chuột mà đập vỡ cái bình quý.
Đáng tiếc là cái cách làm như thế ở Việt Nam khá phổ biến. Tức là cứ cái gì người ta không quản lý được thì cấm. Việc cấm đó không những không hợp lý mà còn làm hỏng những chuyện khác.
Ví dụ như, với Nghị định 145 của Bộ VHTTDL quy định về việc không tặng quà, biểu tượng (logo), không được cài hoa, đeo nơ trong các lễ kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua…, hiệu quả tiết kiệm thì ít mà làm hỏng không khí lễ hội, làm giảm nhiệt huyết của những người tham gia lễ hội, dẫn đến sự mất mát về những truyền thống, giá trị văn hoá tốt đẹp thì nhiều.
Không bổ nhiệm kiểu “nhiều tiền là được”
Việt Nam ta có bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột". Có ý kiến cho rằng, bức tranh này phản ánh quy luật “kẻ yếu cống nạp, luồn cúi kẻ mạnh để được yên thân”. Điều đó cũng cho thấy, văn hóa biếu xén, hối lộ không chỉ bây giờ mới có, thưa GS?
Chuyện đút lót, biếu xén... thì ở đâu, bao giờ nó cũng có cả. Vấn đề là nó có trở thành hiện tượng xã hội rộng rãi và làm ô nhiễm môi trường xã hội hay không. Đặc biệt khi xã hội loạn ly, âm thịnh dương suy thì hiện tượng xấu xuất hiện nhiều hơn và mạnh lên. Ngược lại, khi xã hội quản lý tốt, thanh bình thịnh trị, hiện tượng xấu sẽ giảm.
Theo GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, biếu xén, hối lộ trá hình làm ô nhiễm môi trường xã hội... thì phải tách ra xử lý riêng (Ảnh minh họa: Tiền Phong)
Theo ông, vấn nạn tặng quà ngày tết bắt nguồn từ cấp trên đòi hỏi hay cấp dưới muốn biếu xén để được yên thân?
Vấn nạn xảy ra phải hội đủ cả hai nguyên nhân. Song có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do sếp thích nhận quà. Nếu cấp trên không thích nhận quà, hãy tỏ thái độ dứt khoát. Kiên quyết không nhận thì còn ai dám biếu nữa.
Nhân viên chẳng có ai thích thú gì bỏ tiền ra hoặc khúm núm mang quà đến tặng sếp (ngoại trừ nhân viên có tình cảm thật sự với sếp). Nhân viên “biếu quà to” chẳng qua là bất đắc dĩ. Người ta nghĩ rằng có quà sẽ được sếp ưu đãi hơn, hoặc ai cũng có quà cho sếp, mình không có thì sẽ bị thiệt, bị trù dập.
Do vậy, nhân viên này, nhân viên khác cứ phải chạy tất tả đi biếu quà tết là bởi mong muốn năm tới công việc tốt hơn.
Thưa ông, Đảng và Nhà nước đã có quy định cấm đi chúc tết sếp, tặng quà tết... nhưng ít ai thấy sếp nào từ chối hay nộp lại quà cho cơ quan chống tham nhũng?
Người cấp trên thích nhận quà do đồng lương không đủ sống. Bên cạnh đó, người ta phải mất nhiều tiền để chạy chức chạy quyền nên phải thu bù vốn đã bỏ ra. Cũng không loại trừ trường hợp do tham lam mà nhận quà.
Nói chung, nếu trong xã hội phổ biến tình trạng quà cáp biếu xén vụ lợi là xã hội vận hành một cách không bình thường. Ví dụ như lương không xứng với công sức bỏ ra hay cơ chế tài chính không thích hợp... nên đã nảy sinh ra chuyện biếu xén trá hình dưới dạng tặng quà này như là một hệ quả tất yếu.
Vậy có biện pháp nào để ngăn chặn việc này không, thưa ông?
Để đấu tranh chống nạn chống hối lộ, biếu xén thì rất đơn giản là phải đưa xã hội trở lại vận hành một cách bình thường, đúng theo quy luật. Chẳng hạn như, lương phải trả cho xứng đáng với công sức người ta bỏ ra, chứ không phải là đồng lương chết đói. Hoặc bổ nhiệm quan chức đúng năng lực, tài năng chứ không phải ai chạy nhiều tiền là được. Khi mọi thứ đã chính danh rồi thì luật pháp cũng phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh, tệ nạn khắc sẽ giảm.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
GS.VS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là người đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa học và văn hóa Việt Nam. Hiện nay, ông đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Ông cũng từng giữ chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt học thuộc Hội đồng liên ngành ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam nhiệm kỳ I (1990-1995); Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Quốc tế học Hàn Quốc (Hankuk University of Foreign Studies - HUFS, Seoul, Korea)... |