Trước công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở mầm non, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cảm thấy “tiếc” vì đây là lứa tuổi học và tiếp thu ngoại ngữ một cách nhanh chóng, hiệu quả và dễ dàng nhất.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non để tránh ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ. Thông tin này được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Khám phá xin gửi tới quý độc giả loạt bài bàn về vấn đề dạy về việc dạy ngoại ngữ ở trường mầm non. Ở loạt bài này, chúng tôi không bình luận về quyết định của bộ giáo dục và đào tạo mà chỉ muốn góp phần nhìn nhận rõ hơn về việc dạy ngoại ngữ ở mầm non. |
Kỳ 4: Cấm trẻ học ngoại ngữ: Chuyên gia giáo dục lên tiếng
Độ tuổi mầm non - thời điểm vàng cho việc học ngoại ngữ
Bà Phan Thị Thuận Yến, giảng viên tiếng Anh trường Đại học Hà Nội, một trong những giảng viên tâm huyết với việc dạy tiếng anh cho trẻ em chia sẻ, theo nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, trẻ em trong độ tuổi 4-5 tuổi có khả năng hấp thụ ngoại ngữ rất tốt nếu sớm được tiếp xúc với ngôn ngữ đó trong điều kiện thuận lợi nhất.
Ở các nước phát triển trên thế giới, trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mầm non để trẻ có thể phát huy tốt nhất khả năng ngôn ngữ của mình. Vậy nên chúng ta không nên cấm dạy tiếng Anh cho trẻ em bởi nếu không đây sẽ là một sự lãng phí lớn và rất thiệt thòi cho các em.
Đứng trên quan điểm một giáo viên tiếng anh, đồng thời là phụ huynh học sinh có con độ tuổi mầm non, đang theo học song ngữ, bà Cao Ngân Hà, phụ trách trung tâm dạy tiếng anh G-English Junior, cho biết: “Trẻ học tiếng Anh sớm khi đang hình thành ngôn ngữ là một lợi thế rất lớn. Khi bé học nói, bộ não của bé sẽ có sự liên kết giữa các ngôn ngữ với nhau tạo nên sự linh hoạt, hơn nữa tạo nên một thói quen tiếp xúc và phản xạ sử dụng tiếng Anh đc rèn luyện sớm.
Có thể thời gian đầu bé sẽ hơi bị "loạn" một chút. Nhưng sau này khi đã vào "guồng", trẻ em có thể sử dụng đc nhiều ngôn ngữ thành thạo sẽ có lợi thế hơn rất nhiều, hơn nữa sẽ có khả năng phát âm và phản xạ tốt. Những thứ mà được rèn luyện sớm thì sẽ phát triển vượt trội hơn hẳn là rèn luyện muộn và vấn đề học ngoại ngữ ở trẻ mầm non cũng không ngoại lệ vấn đề này”.
Theo đánh giá của nhiều phụ huynh và giáo viên, học ngoại ngữ giúp trẻ mầm non tự tin hơn. (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm trên, trả lời phỏng vấn của báo chí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho biết: “Trẻ ở cấp học mầm non chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học. Các môn học mà được trẻ đón nhận, yêu mến thì chúng ta càng phải phát huy.
Tôi ví dụ, cháu của tôi từng học tiếng Anh từ cấp mẫu giáo, rất yêu thích và tự học thuộc hàng nghìn từ tiếng Anh thông qua tranh ảnh, đồ vật… mà giáo viên hay gia đình không hề ép cháu học. Môn học trẻ yêu thích, hãy để trẻ thoải mái học tập, vui chơi”.
Chất lượng học phụ thuộc vào điều kiện giảng dạy, trình độ giáo viên
Việc trẻ mầm non học tiếng Anh là tốt, tuy nhiên, tốt ra sao và hiệu quả thực sự của việc học là thế nào lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện học tập- giảng dạy và trình độ của giáo viên.
Trên thực tế, hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng mới chỉ đưa ra được tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy tiếng Anh cho đối tượng tiểu học, THCS, THPT chứ chưa có bất kỳ quy định nào đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc mầm non cả. Thêm vào đó, vấn đề nhân lực đối với giáo viên tiếng Anh các cấp tiểu học, THCS, THPT còn thiếu, chứ chưa nói gì đến giáo viên mầm non.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Phan Thị Thuận Yến chia sẻ: “Nói đi thì cũng phải nói lại, nếu nói hoàn toàn theo chiều thuận rằng trẻ mầm non học ngoại ngữ là tốt, cứ cho trẻ học đi, không nên cấm… thì cũng không đúng. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này theo quan điểm của các nhà quản lý và lấy trẻ em làm trọng, chứ không thể làm theo mong muốn của phụ huynh.
Thứ nhất, việc trẻ học ngoại ngữ có tốt hay không, hiệu quả ra sao phụ thuộc phần lớn vào giáo viên và điều kiện các bé được học tập. Với các bé ở lứa tuổi mầm non, việc học của trẻ chủ yếu bắt đầu từ việc bắt chước, học theo, làm theo và vui chơi, từ đó sẽ hình thành dần sự tiếp thu, học hỏi. Nếu điều kiện giảng dạy không phù hợp, giáo viên không dạy theo chuẩn, nói sai, nói ngọng, phát âm sai hoặc chỉ cần giáo viên giỏi tiếng anh nhưng không có trình độ sư phạm giỏi cũng khó lòng dạy được trẻ một cách hiệu quả”.
Nói về công văn mới của Bộ GD-ĐT, bà Cao Ngân Hà cho rằng: “Chúng ta không nên cấm các cơ sở mầm non dạy ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT cần kết hợp với các sở GD-ĐT địa phương có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hơn nữa các điều kiện, tài liệu, phương pháp giảng dạy và chất lượng giáo viên của các trường. Nếu lệnh cấm đưa ra, trong khi phụ huynh luôn có nhu cầu cho con em mình học tiếng Anh thì vô hình chung sẽ lại nảy sinh việc các bố mẹ ùn ủn đẩy con vào các trung tâm ngoại ngữ. Vấn đề này không những sẽ càng khó kiểm soát mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tương lai sau này của các em”.
Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã từng giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Trẻ mầm non được học tiếng Anh thì rất tốt, tuy nhiên, kết quả học tiếng Anh của trẻ mầm non lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.
Trong khi đó, theo tình hình hiện nay, việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong lúc các điều kiện về chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ. Nếu giáo viên phát âm tiếng Anh chưa chuẩn thì các bé sẽ bị sai theo, điều này rất khó khắc phục khi các bé học tập sau này.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là trong tình hình hiện nay, khi các trường mầm non đều chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đặc biệt là giáo viên để có thể dạy ngoại ngữ cho trẻ thì không nên đưa môn học này vào trong chương trình học. Do vậy, những phụ huynh có nhu cầu tốt nhất nên tìm đến các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để cho con em mình học tập.