Cuộc sống của người dân ở vùng rốn lũ Chương Mỹ bị xáo trộn nghiêm trọng. Ngày lội nước, đêm bôi thuốc chống bệnh ngoài da.
Màn đêm buông xuống làng Nam Hài, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nơi được xem là vùng rốn lũ. Xung quanh bốn bề sông nước, từ đầu làng đến cuối làng tối om như mực do các hộ dân đã di cư lánh nạn gần hết, chỉ còn mấy hộ dân cố gắng bám trụ lại. Giờ ở cái xã này cũng chẳng còn đường mà đi nữa, nước dâng cao đến nửa mét, người dân đi lại bằng thuyền.
Mưa lớn kéo dài, hơn 10 ngày qua nước lũ vẫn chưa chịu rút. Có những căn nhà giờ chỉ còn nhìn thấy mỗi cái nóc. Không điện, không nước, không cả lương thực.
19h mưa vẫn xối xả, chúng tôi quyết định đi vào làng để tìm hiểu sinh hoạt của người dân nơi đây như thế nào sau hơn 10 ngày sống chung cùng nước lũ.
Gửi nhờ xe ở đầu làng, chúng tôi bì bõm lội trên con đường làng dài khoảng 200m, nước ngập sâu ngang bụng và tối om. Nhờ ánh đèn pin mập mờ, chúng tôi mới có thể định hướng được đường để vào sâu trong làng Nam Hài.
Cả làng Nam Hài, xã Nam Phương Tiến chỗ nào cũng bị ngập lụt.
Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cho mình 1-2 chiếc thuyền để đi lại.
Ông Tú (40 tuổi, ngụ thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, đã 10 ngày trôi qua từ đợt ngập lụt tới nay, ban đêm cả xóm tối om, sáng anh đi làm, tối về đều phải lội nước. Chỉ mong nước mau rút để sinh hoạt cho đỡ khổ.
Suốt 10 ngày qua, vợ chồng ông Trịnh Văn Đức (42 tuổi) sống trong cảnh không có điện, tối đến chẳng khác nào người mù. Thức ăn thì nhờ bà con ai đi thuyền thi mua giùm, không thì chỉ ăn cơm trắng và bát canh rau. Hai vợ chồng không dám đi sơ tán vì lo sợ nhà cửa mất hết đồ đạc.
Mọi hoạt động của vợ chồng ông Đức chỉ quanh chiếc giường kê cao này. Đêm cũng không dám ngủ vì phải theo dõi mức nước để chuẩn bị.
Vợ chồng ông Đức có một con gái nhưng hiện cháu bé đã sơ tán sang bên nhà bà ngoại, ở nơi cao hơn và an toàn hơn.
Những con đường trong làng giờ đã biến thành sông. Đêm xuống chỉ thấy thấp thoáng ánh sáng yếu ớt từ một vài nhà dân còn bám trụ lại. Theo người dân nơi đây, thôn nào ngập sâu thì không có điện, những thôn khác ngày có, ngày không.
Nhà đối diện UBND xã Nam Phương Tiến, bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Nam Hài) than thở, mấy hôm trước nước rút hết sân nhưng chiều tối 1/8 lại bắt đầu dâng lên, những hôm trước nước dâng rác thải trôi theo ngập hết cửa nhà, nhiều xác động vật phân hủy, bốc mùi hôi thối, chính quyền địa phương huy động lực lượng dọn dẹp nhưng nhiều nơi vẫn còn nhiều.
“Nước ngập khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, con dâu tôi mới sinh phải đưa cháu về nhà ngoại để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Mọi sinh hoạt hàng ngày như nấu nướng, tắm rửa đều phải nhờ những nhà không bị ngập, sau đó lại lội nước bẩn về nhà, nhiều người bị bệnh ngoài da vì nước ngập bị ô nhiễm. Cơn lũ tràn về nước ngập dâng vào nhà khiến gia đình tôi thiệt hại nặng, chỉ kịp chuyển đồ lên cao “chạy” được đàn lợn còn đàn vịt bị chết 300-400 con. Hiện chỉ còn mỗi tôi ở nhà, các con cũng chạy theo lợn, vịt đến ở nơi cao”.
Nước rút đến đâu bà Nguyễn Thị Hậu lại lau dọn, kỳ cọ mọi ngóc ngách trong nhà đến đó.
Bên cạnh nhà bà Hậu là gia đình ông Nguyễn Tất Sáng (thôn Nam Hài), cả nhà ông đều bị nước bẩn ăn chân nên rất ngứa và khó chịu. Ông Sáng cho biết: "Sau 10 ngày ngập úng, phương tiện đi lại như xe máy của vợ chồng ông bị ngâm nước, hỏng hết. Cuộc sống tinh thần cũng bị đảo lộn, suốt ngày lội nước cho vịt ăn nên chân tôi bị nước ăn, ngứa ngáy không chịu được. Chỉ có đêm ở trên giường là không phải lội nước".
“Nước lũ năm ngoái rút nhanh nên hai vợ chồng nhà tôi không khốn khổ như năm nay. Năm nay, nước lũ đọng lâu, cả nhà ai cũng bị nước ăn chân, khổ nhất là bị tiêu chảy vì thiếu nước sạch và rau xanh”, ông Sáng cho biết.
Đôi bàn chân của ông Sáng bị nước ăn ngứa ngáy cả ngày lẫn đêm. Xã phát cho lọ thuốc bôi chống nước ăn chân nhưng ông chỉ bôi được vài lần là hết.
Suốt ngày phải lội trong nước bẩn nên móng chân của ông Sáng bị nước ăn gần hết. “Ngứa ngáy nhiều lúc không chịu được chỉ muốn chặt bỏ chân. Đêm ngủ chập chờn, có hôm vì côn trùng còn bò lên giường, rúc vào người. Cuộc sống thiếu thốn trầm trọng, xáo trộn về tinh thần quá lớn”, ông Sáng cho hay.
Nhà anh Nguyễn Đức Hùng (47 tuổi) ở trên cao nên nước không bị ngập vào nhà. Anh cho biết, nhà anh hiện tại như là bến thuyền vì nhiều nhà hàng xóm gửi thuyền ở đây.
Ông T. (bố anh Hùng) tranh thủ dọn dẹp khi trời đã ngớt mưa.
Sống ở vùng rốn lũ Thủ đô trong nhiều ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng ông Nguyễn Tùng (40 tuổi) vẫn lạc quan, vui vẻ. Anh Tùng chia sẻ, dù chưa thể biết nay mai lũ sẽ còn đe doạ cuộc sống người dân như thế nào, nhưng với hiện tại trước mắt, sự lạc quan chính là nguồn động lực sống quý giá.
Trước tình hình ngập úng kéo dài trên địa bàn huyện Chương Mỹ, ngày 1/8/2018, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã trực tiếp thị sát tình hình ngập úng trên địa bàn và công tác đáp ứng y tế, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe người dân vùng ngập úng. |