Những hóa chất độc hại do cây lương thực tiết ra có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, hàng loạt các loại cây lương thực đang tạo ra các hợp chất hóa học có thể làm xuất hiện nhiều vấn đề cho sức khỏe con người và gia súc nếu ăn chúng.
Theo báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hàng loạt các cây lương thực thiết yếu như lúa mì và ngô đang tạo ra độc tố như một phản ứng sinh học nhằm tự bảo vệ bản thân chống lại thời tiết khắc nghiệt.
Những hóa chất này sẽ gây ra những hậu quả nguy hại rất lớn cho cơ thể của con người và động vật nếu tiêu thụ trong một thời gian dài.
"Trong điều kiện khô hạn và gia tăng nhiệt độ, cây trồng cũng tiết ra nhiều hóa chất tiêu cực giống như con người tiết ra hóc môn khi đối mặt với tình huống căng thẳng”, theo Jacqueline McGlade, Giám đốc của Phòng cảnh đánh giá và báo sớm của UNEP giải thích.
Trong điều kiện bình thường, những nhà máy sinh học bên trong các cây lương thực sẽ chuyển đổi nitrat hấp thụ ngoài môi trường thành các axit amin bổ dưỡng và protein. Nhưng hạn hán kéo dài sẽ làm chậm hoặc ngăn cản việc chuyển đổi này, dẫn đến nhiều khả năng chất nitrat sẽ bị tích lũy và tắc nghẽn.
Những cây lương thực chịu đựng thời tiết khắc nghiệt ẩn chứa rất nhiều mối nguy cơ đối với sức khỏe con người. Nguồn ảnh: gettyimage
Nếu trong chế độ ăn có quá nhiều nitrat, điều này sẽ làm cản trở khả năng vận chuyển oxy của các tế bào máu bên trong cơ thể. Các loại cây trồng dễ bị tích lũy quá nhiều nitrat bao gồm ngô, lúa mì, lúa mạch, đậu nành, kê và cao lương.
Khi một số cây trồng đã thích nghi với điều kiện hạn hán kéo dài nhưng gặp phải mưa lớn, chúng sẽ tăng trưởng nhanh chóng và dẫn đến việc tích tụ một loại hóa chất có tên là hydrogen cyanide, thường được gọi là axit prussic.
Prussic acid là hóa chất được sử dụng để chế tạo một số loại vũ khí hóa học. Nó có khả năng làm cản trở lưu thông khí oxi bên trong cơ thể người. Ngay cả khi tiếp xúc ngắn hạn thì hóa chất này cũng có thể làm suy nhược cơ thể của người sử dụng.
Các trường hợp bị ngộ độc nitrat hoặc hydrogen cyanide ở người đã được báo cáo xuất hiện ở Kenya vào năm 2013 và tại Philippines vào năm 2005. Tại Kenya, hai trẻ em sống ở vùng ven biển Kilifi đã chết khi ăn sắn bị tăng nồng độ axit prussic sau một cơn mưa lớn.
Aflatoxin, một loại hóa chất làm tăng nguy cơ tổn thương gan, ung thư và mù lòa, cũng như còi xương bào thai và trẻ sơ sinh cũng đang bắt đầu xuất hiện trong thực phẩm vì biến đổi thời tiết và khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết, có đến khoảng 4,5 tỷ người ở các nước đang phát triển đã ăn nhiều loại thực phẩm có chứa aflatoxin trong một khoảng thời gian dài. Và con số này vẫn đang tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay, không chỉ có các quốc gia nhiệt đới mới phải chịu ảnh hưởng từ tác động của biến đổi môi trường. Các vùng khí hậu ấm hơn đang mở rộng về phía cực. Chính vì thế, các nước trong khu vực ôn đới đang và sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa mới về vấn đề an toàn thực phẩm.
Năm 2004, Kenya từng bị bùng phát nghiêm trọng hiện tượng ngộ độc aflatoxin sau một đợt hạn hán kéo dài. Thảm họa đã làm ảnh hưởng đến hơn 300 người và làm hơn 100 người thiệt mạng.