Cơ quan công an vừa lên tiếng cảnh báo về thủ đoạn các nhóm tội phạm lừa đảo dụ dỗ học sinh, trẻ em từ đủ 14 tuổi tham gia mua bán thẻ ngân hàng.
Thời gian qua, số lượng các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô tổ chức xuyên biên giới, có dấu hiệu kết nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước gây ra thiệt hại lớn về tài sản.
Phạm vi hoạt động của đối tượng phạm tội xuất hiện tại nhiều địa phương trên toàn quốc dẫn đến nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự, hậu quả xã hội nghiêm trọng. Các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn. Đối tượng nhận tiền của bị hại thông qua các tài khoản ngân hàng “rác” tức tài khoản ngân hàng có được thông qua hoạt động mua, bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, gây nhiều khó khăn cho quá trình xác minh, điều tra.
Qua quá trình nắm thông tin, cơ quan Công an xác định các đối tượng đã thay đổi đối tượng tiếp cận để thu gom tài khoản ngân hàng bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ từ 14 tuổi đã được cấp căn cước công dân, là học sinh thuộc các trường THCS, THPT để lôi kéo mở tài khoản ngân hàng, sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Trong đó, đối tượng cung cấp cho học sinh máy điện thoại di động có sẵn sim để ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, đăng ký dịch vụ InternetBanking, SMSBanking, sau đó yêu cầu học sinh chuyển lại điện thoại, mật khẩu OTP ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký mở tài khoản, các thông tin tài khoản cho đối tượng, và được nhận "tiền công" từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tài khoản.
Ảnh mang tính chất minh hoạ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2345/QĐ- NHNN ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Trong đó yêu cầu một giao dịch chuyển tiền ngân hàng trong nước, nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Để sử dụng được tài khoản ngân hàng “ảo” mua bán được từ học sinh, các đối tượng yêu cầu học sinh cung cấp thêm dữ liệu khuôn mặt bằng cách chụp ảnh đầy đủ chân dung, khuôn mặt để phục vụ cho ứng dụng nhận diện vào đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng. Từ đó, tiền được chuyển lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng, gây khó khăn cho lực lượng công an truy vết tội phạm.
Với nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của trẻ vị thành niên, nếu không được tuyên truyền, cảnh báo sớm, học sinh dễ bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ tham gia mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng, tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Trước hiện tượng trên, các ngành, các lực lượng cần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng học sinh phổ thông tham gia mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh, học sinh các trường phổ thông (THCS, THPT) về nguy hiểm và hậu quả của thủ đoạn tội phạm lợi dụng học sinh, sinh viên mua bán dữ liệu cá nhân để mở tài khoản ngân hàng “rác” vào hoạt động vi phạm pháp luật; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi lợi dụng học sinh, sinh viên mua bán dữ liệu cá nhân để mở tài khoản ngân hàng “rác” vào hoạt động vi phạm pháp luật; ngăn ngừa và xử lý kịp thời với các hành vi trên.