Nhiều bệnh nhân bị sán lá gan, nhưng do nhầm tưởng với những căn bệnh khác nên đã phẫu thuật cắt nhầm cả lá gan.
Tưởng khối u hóa ra sán làm tổ trong gan
Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cho biết, đó là trường hợp nam bệnh nhân ở Thanh Hóa. Do nghĩ có khối u ác trong gan nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1/4 lá gan, sau khi phẫu thuật xong mới phát hiện là do sán làm tổ trong gan.
BS Trần Huy Thọ chia sẻ thông tin về ca bệnh.
BS Thọ cho biết, trường hợp bệnh nhân này có tổn thương gan với kích cỡ 3,1cmx4,8cm có hạch rốn gan, đầu tụy, hạch lớn có đường kính 0,5cm. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan.
Giải phẫu bệnh cho thấy, mảnh cắt lấy vào mô gan thấy các ổ hoại tử tăng sinh xơ. Bác sỹ kết luận, gan bệnh nhân bị áp xe do ký sinh trùng hướng tới sán lá gan hoặc toxocara.
Sau khi có kết quả giải phẫu bệnh, bệnh nhân được chuyển đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt và mới được cho ra viện.
Theo BS Thọ, hiện nay tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sán não và sán lá gan chiếm tỷ lệ cao nhất. Trường hợp bệnh nhân trên không phải là hiếm gặp, rất nhiều người kể cả phụ nữ đã bị nhầm lẫn sang các căn bệnh khác và đến khi phát hiện chính xác do sán lá gan gây nên thì bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn với nhiều tổn thương do sán lá gan gây nên.
Thậm chí, có không ít trường hợp bị sán làm tổ trong gan nhưng không phát hiện ra, mà lại nghĩ đến u gan, sơ gan hay một số bệnh liên quan đến gan khác, thậm chí có người còn bị nhầm khối u và cắt mất một phần gan.
Khó phát hiện
Chia sẻ với phóng viên về con đường nhiễm sán lá gan cũng như cách phòng loại ký sinh trùng này, TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, sán lá gan có hai loại, đó là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.
Theo TS Dũng, việc nhiều người có thói quen sử dụng rau sống như: rau cần, rau muống, rau cải xoong… nói chung là các loại rau thủy sinh, sẽ khiến ấu trùng sán lá gan lớn đi vào trong cơ thể.
“Đối với khu vực Hà Nội và một số vùng xung quanh Hà Nội, mỗi năm chúng tôi nhận khoảng 300-400 trường hợp tại các viện điều trị chuyên ngành”, TS Dũng cho biết.
Có thể nhìn thấy hình ảnh sán lá gan làm tổ rất rõ qua phim chiếu chụp. Ảnh: BSCC.
Còn đối với sán lá gan nhỏ, TS Dũng cho rằng, con đường để sán lá gan nhỏ đi vào cơ thể đó chính là thói quen ăn gỏi cá sống như: cá mè, cá trắm, cá trôi,… khi nhiễm sán lá gan nhỏ, thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật…thậm chí gây ung thư đường mật.
Trước thực trạng sử dụng đồ tái, sống dẫn đến việc gia tăng số người nhiễm sán lá gan. TS Dũng thẳng thắn bày tỏ: “Dù đã tuyên truyền nhiều, nhưng thói quen ăn rau sống ở Việt Nam dường như rất khó bỏ.
Bởi vậy để hạn chế chúng ta có thể dùng biện pháp điều trị triệt để cho những người có nhiễm sán lá gan lớn để phòng bệnh phát ra môi trường.
Hơn nữa, loài sán này ký sinh trong trâu bò rất nhiều, vì thế chất thải của trâu bò khi ra ngoài môi trường sẽ gây phát tán rất nhanh. Bởi vậy, để phòng bệnh, chúng ta phải kết hợp với thú y tiêm phòng cho trâu bò”.
Ngoài ra, để phòng bệnh sán lá gan lớn, khi ăn rau sống cần phải rửa rau dưới vòi nước, hoặc ngâm rau trong thuốc tím với nồng độ cho phép để diệt ấu trùng.
Đối với sán lá gan nhỏ, người dân tuyệt đối không ăn các món ăn như gỏi cá, cá tải, sống…