Trong lúc cái chết cận kề, Toàn viết: “Xin cứu em Nghĩa. Đừng để em ấy một ngày nào đó lại bị như con”.
Hai tháng trở lại đây, bác sĩ, bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Đà Nẵng vẫn thường nhắc về câu chuyện của hai anh em La Thành Toàn (23 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và em trai là La Thành Nghĩa (20 tuổi). Toàn nằm quặt quẹo, co rúm tại Phòng hồi sức tích cực – chống độc không thể nói, chỉ ú ớ được vài câu. Ngồi bên cạnh, Chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ Toàn) nghẹn đắng: “Nhìn con thế này, mẹ nào mà chẳng xót. Bác sĩ bảo, lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất”.
Ngày còn chiến tranh, chồng chị là anh La Thành Cang tham gia chiến đấu trên mảnh đất ở đâu cũng chứa chất độc màu da cam. Hòa bình lập lại, anh trở về trước sự mừng vui của cả gia đình. Chị lần lượt sinh hạ các con. Chị gái của Toàn lành lặn. Riêng Toàn và em trai là Nghĩa đều bị teo chân.
Từ thuở còn nhỏ, Toàn đã chấp nhận cuộc sống thiếu thốn và tàn tật của mình. Toàn từng chia sẻ, sẽ cố học hành thật tốt để có thể kiếm tiền nuôi cha mẹ lúc về già. Hàng ngày, Toàn được mẹ cõng đến trường. Nhiều năm liền, em là học sinh khá giỏi. Sự vượt khó của cậu học trò nhiễm dioxin trở thành bài học lớn cho nhiều người.
Tốt nghiệp phổ thông, Toàn từng lập kế hoạch thi vào ngành Công nghệ thông tin của một trường đại học. Bởi, đây là ngành chỉ cần hoạt động về trí óc và đôi tay không cần nhiều về hoạt động của chân nên rất phù hợp với những người như em. Thế nhưng, ước mơ ấy chưa kịp thành hiện thực thì những cơn đau lần lượt kéo đến. Xương của em co rút khiến hình hài trở nên dúm dó, co quắp. Giảng đường đại học đóng sầm trước mắt cậu.
Một khoảng thời gian dài, Toàn được điều trị tại nhà. Hai tháng trước, do bệnh tình quá nặng, Toàn được mẹ cho nhập viện. Mặc dù được xác định “cận kề cái chết” nhưng hiếm khi thấy Toàn khóc. Người khóc nhiều nhất là chị Hoa. Bởi chị sợ điều mình lo lắng sẽ đến.
Anh em Toàn - Nghĩa trong phòng bệnh
Do lưỡi bị tụt, không còn nói được, Toàn nhờ chị gái làm một bảng chữ cái. Mỗi khi cần nói gì, cậu lại dùng tay chỉ vào từng chữ cái rồi người thân ghép lại. Điều cậu nói nhiều nhất là khuyên mẹ đừng buồn, bởi: “Theo khoa học chứng minh, những người bị nhiễm chất độc da cam tuổi thọ trung bình từ 25 đến 27 tuổi”. Và, đó cũng là lý do cậu khuyên mẹ không nên dùng tiền để cố chữa trị cho mình nữa. Thay vào đó, mẹ cứ tích cóp để còn lo cho Nghĩa trong vài năm tới.
Biết được điều này, Nghĩa tức tốc xin mẹ chở đến bệnh viện. Nghĩa cũng quặt quẹo, tay chân gầy xanh xao. Nghĩa nói với Toàn: “Anhh cứ lo giữ gìn sức khỏe. Tôi còn khỏe lắm, không chết được đâu. Tôi mới nhờ chị gái mua cho anh chiếc gối hơi đặt dưới lưng để da đỡ thối. Chứ, tôi nghe mẹ bảo, anh nằm lâu quá, da thối, tôi không chịu được”. Qua bảng chữ, Toàn lại khuyên em trai đừng lo lắng cho mình vì trước sau gì thần chết cũng “viếng thăm”.
Nghĩa kể, từ trước đến nay, Toàn luôn là người anh tốt bụng và yêu thương em trai. Nghĩa biết, căn bệnh của mình và anh trai không thể khỏi, chỉ là có thể sống đến lúc nào. Lắm khi, nghĩ suy cậu cũng buồn. Tuy nhiên, cậu không bao giờ dám thể hiện bi quan vì sợ mọi người lo lắng. Suốt hai tháng qua, hôm nào cậu cũng cầu khấn xin anh trai đỡ đau ốm.
Chị Hoa kể, có hôm, bệnh tình quá nặng, bác sĩ tiên lượng Toàn khó qua khỏi. Trong lúc nguy cấp nhất, cậu lại viết: “Xin cứu em Nghĩa. Đừng để em ấy một ngày bị như con”. Chị đã khóc nức nở khi ghép lại những dòng chữ này.
Hơn chục năm qua, do di chứng của chiến tranh chồng chị thường xuyên đau ốm. Nhưng, anh vẫn chạy xe ôm kiếm tiền nuôi các con. Vào năm 2003, trong lúc chạy một cuốc xe ôm, anh bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt nửa người và chấn động thần kinh. Trước đây, chị được một cự binh Mỹ tìm đến tặng một chiếc xe máy để chạy chợ buôn bán. Nhờ đó, chị nuôi đủ năm miệng ăn.
Vài năm trở lại đây, cô con gái cũng giúp việc tại một nhà hàng với mức lương 3 triệu đồng. Hiện nay, do phải chăm lo cho con trai tại viện, toàn bộ năm miệng ăn chỉ dựa vào số tiền ít ỏi kiếm được của cô con gái đầu.
Thời gian gần đây, do thấy hoàn cảnh bi thương của gia đình chị, một số lòng hảo tâm cũng có giúp đỡ. Tuy nhiên, chi phí thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, ăn uống… cho Toàn quá nhiều nên trở thành gánh nặng lớn.
Bác sĩ cho biết, tình hình của Toàn hết sức nghiêm trọng. Chất độc da cam khiến cơ thể Toàn teo tóp, lồng ngực nhỏ ép phổi và bệnh nhân đang có biểu hiện viêm phổi nặng, phải thở bằng máy thường xuyên.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với chị Hoa (tổ 32, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) hoặc tại Phòng hồi sức tích cực – chống độc. Số điện thoại di dộng: 01644.788.361.