Ngay sau khi lập gia đình ông Bùi Thái Lan đã quyết tâm tìm bằng được phần mộ của người chị gái vợ, hi sinh tại chiến trường biên giới Lào năm 1969.
Từ khi lấy vợ về, ông Bùi Thái Lan (SN 1954) quê xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An đã cùng với vợ của mình là bà Phạm Thị Chước (SN 1952) trải qua 39 năm đi tìm và ngóng chờ về thông tin hài cốt của chị vợ. Suốt quá trình đi tìm hài cốt của chị vợ là những câu chuyện cảm động khiến người nghe không kìm nổi nước mắt.
Nhiều lần mừng hụt vì tưởng tìm được mộ chị
Liệt sỹ Phạm Thị Kiên, quê xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An nhập ngũ năm 1968 là công nhân quốc phòng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn hoạt động là chiến trường biên giới Lào. Đến 18/12/1969 liệt sỹ hy sinh tại mặt trận ấy. Liệt sỹ Kiên là con gái thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 4 cô con gái.
Thời gian sau đó, 3 chị em gái của gia đình liệt sỹ Kiên cũng đến tuổi lấy chồng, mỗi người một nơi, không còn thời gian để sum họp lại, để đi tìm mộ của liệt sỹ Kiên nữa. Buồn thay, chị cả được một thời gian cũng mất vì bệnh tật, em gái út định cư tận tỉnh Bình Phước, và may mắn tại quê nhà vẫn còn bà Phạm Thị Chước trông nom bàn thờ bố mẹ và liệt sỹ Kiên.
Năm 1976 bà Phạm Thị Chước (người con gái thứ 3 của gia đình liệt sỹ Kiên) cưới ông Bùi Thái Lan về làm chồng và cũng năm ấy bố mẹ của liệt sỹ Kiên cũng chết vì bệnh tật. Bắt đầu từ ngày về làm rể nhà liệt sỹ Kiên, ông Bùi Thái Lan đã biết được câu chuyện xúc động về liệt sỹ Kiên, quyết tâm tích góp tiền để đi tìm, dò la tin tức liệt sỹ.
Vợ chồng bà Chước, ông Lan tâm sự về hành trình đi tìm chị gái là liệt sỹ.
Ông Lan chia sẻ: “Suốt thời gian làm rể, tôi luôn nuôi ước mơ đến một ngày nào đó sẽ tìm được nơi chị Kiên an nghỉ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế không cho phép, nhà lại có 4 chị em gái, mỗi người một nơi nên khó sum họp lại để đi tìm chị Kiên. Biết mình là người có trách nhiệm trong việc thờ cúng bố mẹ và chị vợ nên tôi đã lập bàn thờ để thờ phụng họ. Đã nhiều lần tôi cất công đi lên chính quyền, đăng thông tin tìm mộ liệt sỹ, nhờ bà con ai biết thông tin gì để báo, song mấy chục năm vẫn bặt vô âm tín”.
Ông Lan cũng chia sẻ: “Vào năm 1988 tôi có nhận được thông tin của một người dân báo là có tên liệt sỹ Kiên, người Diễn Châu đang nằm ở nghĩa trang đường 9 tận Quảng Trị. Lúc ấy gia đình tôi sống dựa vào nghề làm muối, kiếm đồng tiền nuôi con vất vả, nhà đông người cũng rất khó khăn. Tôi bàn với vợ nhiều lần bán hết lợn hết gà rồi dồn tiền đi tìm chị thế nhưng thất vọng hơn là khi đến nơi xem bia mộ xác định thông tin thì không phải chị vợ tôi. Tiếp theo năm 1989, tôi cũng nhận được thông tin, sau khi xác định thì không phải, trước đó cũng có nhiều lần tôi nhận được tin nhưng đều là không phải chị tôi. Vì vậy gia đình tôi cũng bắt đầu suy sụp hẳn”.
Tìm được mộ chị sau 39 năm đi tìm
Sau khi bố mẹ vợ mất, hai chị gái đầu mất, chỉ còn lại bà Chước (vợ ông Lan) và một người em gái út là bà Hoạch, bà Hoạch lại đi lấy chồng và dọn vào định cư tận tỉnh Bình Phước do vậy mọi việc dồn vào tay người rể chân chất là ông Bùi Thái Lan.
Gia đình ông Lan vốn làm nghề muối, con cái có tới 7 người, thu nhập hàng ngày may mắn lắm mới đủ sống qua ngày. Năm 1990, tình cờ có ông Chu Văn Trì là người địa phương đi bán mắm tôm tại huyện Anh Sơn, Nghệ An. Khi vào thắp hương tại nghĩa trang Việt - Lào thì vô tình phát hiện được ngôi mộ liệt sỹ có tên và quê quán y như chị vợ của ông Lan, nên gấp rút đạp xe đạp từ huyện Anh Sơn chạy về huyện Diễn Châu hàng tiếng đồng hồ. Về đến nhà ông Lan, ông Trì vội vàng báo tin, thế nhưng lúc ấy do gia đình ông Lan nghèo quá, con cái bệnh tật triền miên, tiền không có để đi nữa nên chỉ ghi chép địa chỉ rồi đợi một ngày nào đó có đủ điều kiện sẽ lên dò hỏi, xác minh và rồi đón chị về.
Vì không có điều kiện nên suốt thời gian dài gia đình ông Lan đã không tìm được mộ của chị mình.
Nói đến việc này, bà Chước ông Lan rưng rưng nước mắt: “Nhiều đêm vợ chồng tôi ngủ, thấy chị về nói là chị đang nằm ở vùng đất Nghệ An, chị không muốn về quê vì chị ở với đồng đội rồi, ở với đồng đội vui. Suy nghĩ lại chắc ông Trì nói về vị trí ngôi mộ của chị mình là đúng, nên vợ chồng tôi cố gắng góp tiền để lên ‘thăm’ chị”.
Trải qua một thời gian dài nhưng gia đình ông Lan vẫn nghèo và túng thiếu, chạy cơm từng bữa một, may mắn con cái đã lớn khôn. Ông Lan và bà Chước tuổi cao sức yếu nên đành bàn bạc với người em gái ở Bình Phước về để đi tìm mộ chị. Tháng 2/2015, ông Lan và chị em bà Chước đã khăn gói lên nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, huyện Anh Sơn để tìm chị và quả đúng là ngôi mộ mà ông Trì người địa phương đã báo tin cách đây 15 năm đúng là ngôi mộ của chị gái mình.
Bà Chước tâm sự: “Lên đến nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, cảm xúc và tâm hồn tôi bỗng nhiên thấy khác lạ vô cùng. Sau khi nhờ cán bộ nghĩa trang xác minh vị trí ngôi mộ và rất may đến cuối cuộc đời của vợ chồng tôi đã tìm được chị gái, đây cũng là tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời tôi. Hối hận nhất trong đời tôi là không đi xác định thông tin chị cách đây 15 năm khi có người báo, vì cứ nghĩ chị đang nằm ở nơi nào đó xa xôi. Hơn nữa, gia đình cũng đã tìm nhiều nơi, thất vọng cũng rất nhiều nhà lại nghèo không có tiền mà đi liên tục.
39 năm làm rể dòng họ Phạm là khoảng thời gian ông Bùi Thái Lan cùng vợ trải qua nhiều khó khăn để đi tìm mộ của chị gái là liệt sỹ.
Lúc tôi và em gái đứng trước ngôi mộ của chị gái tôi là liệt sỹ Phạm Thị Kiên, hai chị em tôi chỉ biết ôm nhau rồi khóc nức nở, từ khi nhận được giấy báo tử năm 1969 đến nay đã gần 45 năm chúng tôi mới được gặp nhau, dù là cuộc gặp gỡ giữa 2 người đang sống và một người đã mãi mãi ra đi nhưng hạnh phúc và nghẹn ngào ngập tràn”, bà Chước khóc rồi lấy tay gạt đi nước mắt. Cũng may tôi có một người chồng tốt, gia đình tôi phúc hậu khi có người con rể tuyệt vời. Ông ấy đã cùng tôi suốt 39 năm không quản nhọc nhằn để đi tìm mộ chị gái”.
Ngồi trò chuyện với vợ chồng ông Lan và bà Chước, nguyện vọng lớn nhất bây giờ là có được một ngôi nhà thờ, để thờ phụng liệt sỹ Phạm Thị Kiên và bố mẹ liệt sỹ vì sợ sau này ông bà chết đi không còn ai thờ phụng bố mẹ và liệt sỹ nữa.