Câu chuyện thương tâm về tai nạn của trẻ khiến ai biết cũng ám ảnh

Ngày 16/05/2017 05:56 AM (GMT+7)

Trẻ uống nhầm dầu hỏa, bé 8 tuổi chết ở bồn tắm trong nhà, bé trai bị gấu cắn đứt 2 tay, trẻ tử vong do thả diều trên sân thượng… đã ám ảnh một bác sĩ cấp cứu.

Trao đổi với phóng viên, Ths.BS. Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm, Khoa tiếp nhận khoảng 1.000-2.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong số đó, có nhiều trẻ bị bỏng, ngã, đuối nước, súc vật cắn để lại hậu quả thương tâm.

Câu chuyện thương tâm về tai nạn của trẻ khiến ai biết cũng ám ảnh - 1

Một trẻ uống nhầm hóa chất

Trẻ uống nhầm dầu hỏa

Cách đây mấy ngày cháu P.P.T, 3 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa vì đã uống một lượng lớn dầu hỏa vào bụng và có dấu hiệu viêm phổi.

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc cháu tự chơi một mình, bố mẹ không để ý nên cháu đã tự tay lấy chai nước bên cạnh trong đó đựng dầu hỏa để tu. Tại Khoa, các bác sĩ đã theo dõi, truyền dịch vì bé rất dễ bị hội chứng viêm phổi sau 24-48 giờ uống phải hóa chất.

Theo bác sĩ Duy, uống phải dầu hỏa để lại hậu quả rất nặng nề, gây tổn thương phổi, suy hô hấp.

Bé 8 tuổi chết ở bồn tắm trong nhà

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cảnh báo, vào mùa hè trẻ thường thích đi bơi khiến số trẻ cấp cứu do đuối nước tăng lên. Từ đó, có nhiều trường hợp trẻ chết thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.

Câu chuyện thương tâm về tai nạn của trẻ khiến ai biết cũng ám ảnh - 2

Bé gái 8 tuổi tử vong do tắm ở bồn cầu trong nhà

Phó Trưởng Khoa Cấp cứu – Chống độc nhớ lại trường hợp bé gái 8 tuổi tử vong vì đuối nước khi tắm bồn vào cuối tháng 4/2017.

Theo người nhà bé gái, trong lúc đang tắm cho con gái, ông bố có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại người bố đã thấy con bất động trong bồn tắm. Do bị ngạt nước quá lâu nên cháu bé đã tử vong.

Từ tai nạn đau lòng này, BS Duy cảnh báo, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi.

Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước, bồn tắm… cũng là những mối hiểm họa.

Bé trai 5 tuổi bị gấu cắn đứt 2 tay

Một câu chuyện thương tâm về một trường hợp bé trai 5 tuổi bị gấu cắn đứt 2 tay từ năm 2013 được bác sĩ Duy chia sẻ khiến ai cũng thấy xót xa.

Câu chuyện thương tâm về tai nạn của trẻ khiến ai biết cũng ám ảnh - 3

Bé trai bị gấu cắn đứt tay

Do người lớn không để ý, cháu Q (Phú Thọ) tha thẩn chạy đi chơi, một lúc sau thấy tiếng cháu thét lên, người nhà chạy ra đã thấy cháu Q bị gấu cắn đứt lìa 2 tay.

“Khi tiếp nhận cháu bé bị gấu cắn đứt 2 tay, một số nhân viên y tế của bệnh viện đã khóc òa vì thương xót”, bác sĩ Duy kể.

Hiện tại, cháu Q. bị mất tay phải sát khớp vai và cụt tay trái sát khuỷu, bàn tay trái thì đứt rời, dập nát. Tuy nhiên, tai nạn đáng tiếc này không chỉ khiến trẻ mất khả năng lao động, mà còn để lại những tổn thương tâm lý vô cùng nặng nề.

Theo bác sĩ Duy, chỉ một chút sơ sẩy, trẻ có thể bị thương tật suốt đời. Vì thế, người trông trẻ cần chú ý nhiều hơn nữa để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Trẻ tử vong do thả diều trên sân thượng

Một tai tạn thương tâm cách đây 1 năm cũng khiến bác sĩ Duy ám ảnh.

Ths.BS. Lê Ngọc Duy kể về một trường hợp trẻ tử vong thương tâm do thả diều trên sân thượng.

“Cậu bé cứ lùi lùi rồi ngã từ ban công tầng 4 xuống đất. Cháu bé nhập viện nhưng không thể qua khỏi. Đây là trường hợp tôi không bao giờ quên trong quá trình cấp cứu cho các bệnh nhi”, bác sĩ Duy xót xa.

Từ tất cả những trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ, bác sĩ Duy lưu ý cha mẹ rằng: “Khi chăm trẻ, đừng rời con bạn quá một sải tay. Nếu như điện thoại có thể có cuộc gọi nhỡ thì “sự cố” xảy ra với trẻ thì không có nhỡ”.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h