Từng là cây mọc dại hoặc được người dân trồng trước sân để lấy bóng mát, những năm gần đây, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, lộc vừng "lên chậu" thành bonsai đẹp lạ, có dáng thế đa dạng.
Lộc vừng còn có tên gọi khác là cây mưng, cây chiếc. Chúng có tên khoa học là Barringtonia acutangula. Ở Việt Nam, loài cây này quen thuộc với người dân ở cả 3 miền, mọc hoang dại hoặc được trồng để làm cảnh, lấy bóng mát.
Theo tìm hiểu, đây là cây thân gỗ có tán rộng, lá xanh mọng. Đặc biệt, hoa lộc vừng rất đẹp, mọc thành từng chùm có màu đỏ hoặc trắng nổi bật với hương thơm dịu nhẹ. Mỗi khi đến mùa hoa nở, cây lộc vừng sáng bừng cả một góc khiến ai đi ngang qua cũng phải ngước nhìn.
Cây lộc vừng cho hoa đẹp mắt, từ xưa đã được người dân trồng trước sân để lấy bóng mát và làm cảnh
Không chỉ đẹp mắt, cây lộc vừng còn có ý nghĩa về mặt phong thủy. Những chùm hoa đỏ mềm mại và thơ mộng của cây lộc vừng bonsai tạo cảm giác hỷ sự, mang đến may mắn cho gia chủ. Bên cạnh đó, lộc vừng bonsai còn gắn liền với ý niệm phát tài, phát lộc. Chữ "Lộc" tức là "Tài Lộc", còn chữ "Vừng" mang hàm ý tuy nhỏ nhưng lại nhiều. Do vậy, trưng bày cây bonsai lộc vừng trong nhà giúp gia chủ thu hút may mắn về tiền tài, vật chất.
Những năm gần đây, cùng với các loại cây cảnh khác, lộc vừng bonsai được nhiều gia đình lựa chọn để trang trí trong sân vườn, trong nhà. Trên thị trường, hay trên chợ mạng, cây lộc vừng bonsai với dáng thế và kích thước khác nhau được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Hiện nay, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những cây lộc vừng bonsai vào chậu có dáng thế đẹp mắt, để trưng trong nhà hay ở ban công, trong sân vườn
Anh Toán (người bán cây cảnh trên mạng) cho hay: "Cây lộc vừng có nhiều mức giá khá nhau. Có những cây bé nhưng dáng thế đẹp, được tạo tác kỳ công thì vẫn có giá cao. Để tạo ra được gốc lộc vừng kiểng thành phẩm đẹp phải chọn được phôi chất lượng, rồi chăm bón, uốn thế, tạo dáng... khá phức tạp. Vì thế, giá trị của loại bonsai này cũng không rẻ".
Tùy vào dáng thế, độ độc lạ mà bonsai lộc vừng có các mức giá khác nhau
Là người khá có tiếng trong giới cây cảnh, ông Trần Hùng Liệt (46 tuổi, quê An Giang, chủ vườn kiểng Út Bầu) từng gây xôn xao báo giới với rất nhiều cặp kiểng độc lạ, giá trị vài tỷ đồng. Trong đó, cây lộc vừng đạt kỷ lục Guinness độc bản được ông hé lộ khiến không ít người thích thú.
Theo chủ nhân tiết lộ, cây lộc vừng này có tuổi thọ trên 100 năm, cây có 1 thân chính, uốn sửa theo kiểu dáng cây kiểng cổ thụ. Trong đó, hoành gốc trên 4m, chiều cao 7m, đường kính tán trên 6m. Vì tạo dáng bonsai cực đẹp nên gốc cây được định giá không hề rẻ, lên đến 120 tỷ đồng.
Cây lộc vừng này có tuổi thọ trên 100 năm và được định giá đến 120 tỷ đồng
Cách đây không lâu, cây lộc vừng bonsai có tuổi đời hàng trăm năm của ông Phùng Quốc Tình (Hà Nội) dù chưa hoàn thiện dăm chi, bông tán nhưng cũng đã có nhiều đại gia hỏi mua với giá trên 1 tỷ đồng. Ông Tình cho biết, trong tương lai đây hứa hẹn là một "siêu cây" bởi cây lớn nhưng từ thân đến tay cành, bông tán… hài hòa, tỷ lệ với nhau giống một cây bonsai quốc tế.
Giá trị của cây cũng phải trên 1 tỷ đồng nhưng ông Tình chưa có ý định bán.
Bên cạnh thú chơi vì đam mê, nhiều người còn làm kinh tế, kiếm được cả trăm triệu đồng/tháng nhờ trồng bonsai lộc vừng. Đó là câu chuyện của anh Đính (29 tuổi, ở Thái Bình). Hiện tại, với các dòng lộc vừng tại vườn của mình, anh Đính đang sở hữu 4 cây đại thụ, 10 cây cỡ đại và khoảng 100 cây bonsai mini…
Anh Đính chia sẻ để lộc vừng bonsai có giá trị kinh tế cao cây phải già, tay cành làm chuẩn và nhất là cây phải ra sai hoa khi đã ổn định trên chậu. "Bí quyết giúp cây lộc vừng của tôi thu hút được khách hàng là cây được chăm sóc đủ dinh dưỡng, tưới nước đầy đủ, phun thuốc sâu định kỳ tránh cây bị sâu cuốn lá và sâu đục thân", anh cho hay.
Hiện tại, bonsai lộc vừng tại vườn nhà anh Đính có giá vài nghìn đồng/cây giống, còn kiểng thành phẩm dao động từ 200.000 đồng đến hàng trăm triệu đồng/cây. Mỗi tháng, trung bình anh bán được hàng chục cây bonsai lộc vừng dáng đẹp. Nhờ theo đuổi nghề trồng kiểng, anh có thu nhập kinh tế ổn định.
Anh Phước (ở TP.HCM) cũng có thêm tiền triệu mỗi tháng nhờ trồng thêm bonsai lộc vừng tại nhà. Hiện anh sở hữu khu vườn lộc vừng với nhiều cây có dáng thế khác nhau.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bonsai lộc vừng, anh Phước bộc bạch, công đoạn chọn phôi là khó nhất. Còn việc tạo dáng sẽ tùy vào phong cách của mỗi người cũng như sở thích của khách hàng.
Theo anh Phước, bonsai lộc vừng thu hút khách cần đáp ứng đủ 4 yếu tố cổ, kỳ, mỹ, văn. Ngoài ra, người trồng kiểng cũng cần cắt tỉa theo phong cách của mình cũng như dành cả tâm huyết chăm sóc và vun xới cho cây.