Dư luận cả nước đang bàng hoàng vụ việc một người cha ở An Giang sát hại hai con bằng cách bóp cổ cho chết rồi mình cũng treo cổ tự vẫn. Luật sư cho rằng đó là tội ác động trời, ích kỷ, những đứa trẻ không hề tự nguyện chọn cho mình cái chết bằng sự cuồng trí của cha hoặc mẹ.
Khoảng 8h sáng qua ngày 5/6, tại ấp Bình Khánh (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) đã phát hiện vụ án mạng đau lòng khiến người dân ai cũng bàng hoàng, xót xa khi 3 cha con đều chết.
Nạn nhân là Nguyễn Xuân Bình (31 tuổi) và hai con ruột của Bình là N. N. X. A (8 tuổi) và N. N. X. P (4 tuổi).
Vào thời gian trên, cha vợ của Bình đi qua nhà thì thấy cửa đóng, không buôn bán như hằng ngày, gọi cửa nhưng cũng không có ai trả lời. Sợ chuyện chẳng lành, người cha nhờ hàng xóm phá cửa vào thì bàng hoàng phát hiện hai con gái của Bình là A. và P. nằm bất động nên nhanh chóng điện báo Công an.
Ngay khi có mặt điều tra, lực lượng chức năng xác định hai bé gái đã tử vong vài tiếng trước, ở trên lầu cũng phát hiện Bình đã treo cổ tử vong, tay có vết cắt.
Đến sáng nay 6/6, kết quả khám nghiệm tử thi xác định, hai con của Bình là A. và P. bị bóp cổ dẫn dẫn ngạt thở tử vong. Còn Bình tự sát bằng cách dùng vật bén cắt đứt động mạch ở tay rồi treo cổ tự vẫn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, do mâu thuẫn gia đình, ghen tuông nên Bình đã sát hại hai con rồi treo cổ tự vẫn. Bởi tại hiện trường, cơ quan điều tra thu giữ một bức thư tuyệt mệnh của Bình để lại. Người dân sinh sống xung quanh cũng cho biết rằng, vợ chồng Bình gần đây hay xảy ra cãi vã, nhiều lần vợ đòi ly hôn nhưng Bình không chịu.
Người dân bàng hoàng người cha sát hại hai con rồi tự vẫn ở An Giang. Trong ảnh, ngôi nhà nạn nhân được bảo vệ để Công an khám nghiệm hiện trường, điều tra - Ảnh: C.A
Qua vụ việc cha sát hại hai con trên, nhìn nhận về những vụ việc đau lòng cha mẹ sát hại con chết cùng thời gian qua, luật sư Phạm Công Út – Đoàn luật sư TP. HCM cho rằng, thông thường, những vụ tự tử thường xuất phát từ sự quẩn trí của nạn nhân. Nhưng cũng có không ít những nạn nhân bị bức tử là những đứa trẻ không hề tự nguyện chọn cho mình cái chết tức tưởi bằng sự cuồng trí của cha, hoặc mẹ.
Sự cuồng trí đó có thể xuất phát từ điểm giới hạn cuối cùng của nỗi chịu đựng về những rạn nứt gia đình, của nợ nần chồng chất, của tình cảm trái ngang, của hận thù không lối thoát, của nhục nhã ê chề…
Nạn nhân tự tìm đến cái chết nhưng cũng hạ thủ luôn người khác, cho dù đó là những đứa trẻ là núm ruột của mình thành vụ án mạng động trời.
“Để hóa giải những nguyên nhân đó thì tôi thấy rằng, hiện nay loài người chưa có biện pháp nào được xem là triệt để để chặn đứng những tội ác tự sát nhưng lại kéo những sinh mệnh thân yêu khác của họ theo cùng. Quá khứ thường cho thấy, nếu những đứa trẻ vô tội bị chết tức tưởi vì sự quẫn trí của cha hoặc mẹ, hoặc của cả cha mẹ, thì những vị phụ huynh ấy nếu có thoát chết thì cũng không thể sống nổi khi tưởng nhớ lại hình ảnh những con thơ của mình chết đau đớn mà bản thân mình ra tay hạ sát, không cách nào sửa sai lỗi lầm bằng cách quay lại cuốn phim từ đầu đầy yêu thương và hy vọng được.
Chính vì thế mà pháp luật hình sự quy định các điều luật trừng phạt khá nặng nề đối với người làm cha, làm mẹ nhưng chưa đủ điều kiện làm người bằng các án phạt tù nghiêm khắc để không dung hòa cho cái ác lên ngôi”, luật sư Út phân tích.
Để hạn chế những vụ án thương tâm tương tự như vậy xảy ra, luật sư Út cho rằng, nền giáo dục của ta thay vì tập trung vào những mỹ từ ca ngợi vô bổ, cần phải đặt trọng tâm việc nâng tầm tính đạo đức làm người trong các chương trình giáo dục trước khi nghĩ đến việc giáo dục chính trị.