"Tại công ty mình, có những bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học đã thể hiện tài năng, ý chí cầu tiến, ham học hỏi và được mọi người trong công ty...
Chàng trai Lâm Đồng làm streamer game kiếm 15 triệu đồng/tháng: "Không thể thích thì làm, không thích thì nghỉ"
Cơ duyên đến với nghề một cách tình cờ, nhưng sau khi liên tục tự học hỏi và phát triển, hiện tại Quốc Kiên (27 tuổi, Lâm Đồng) đã có một sự nghiệp làm streamer cho tựa game G. nổi tiếng với mức thu nhập ổn định.
Thời gian gần đây, giới trẻ thịnh hành nhiều tựa game rất được yêu thích, và Quốc Kiên cũng không ngoại lệ. Cậu đã tham gia chơi một tựa game hot 3 năm, không những thế còn rất chịu khó tìm tòi và còn kiếm được thu nhập ổn định từ đó.
Cơ duyên và biết nắm bắt cơ hội
Chia sẻ về cơ duyên dẫn cậu đến với nghề game streamer, Kiên cho biết, cậu vốn chịu khó tham gia sinh hoạt trong các cộng đồng game. Khi đã tìm hiểu được lượng kiến thức kha khá, cậu quyết định làm những hướng dẫn chia sẻ cho mọi người và khá bất ngờ khi những thông tin mình chia sẻ được đón nhận nồng nhiệt
“Mình thấy số lượng creator làm về hướng dẫn hiện có khá nhiều. Nhưng mà hầu như toàn bộ đều chỉ nặng tính lý thuyết hoặc chỉ nói về các yếu tố thuộc về người chơi thôi, gần như không có ai chuyên khai thác mảng đề tài về hướng dẫn nắm bắt cơ chế của quái trong game cả, trong khi cái này cũng là yếu tố quan trọng và mang ít tính may rủi. Nên mình làm thử một video hướng dẫn cách đánh và gom quái, không ngờ lại được nhiều người ủng hộ, rồi người ta động viên mình lập kênh Youtube đi để tiện theo dõi. Vậy là mình làm thôi!”.
Theo Kiên, yếu tố quan trọng nhất là có thể nhìn ra được mảng đề tài còn trống chưa có người khai thác, đó sẽ là thứ mà "rất nhiều người cần, nhưng họ lại không biết là họ cần". Khai thác đúng cách, nội dung dạng này sẽ làm người xem biết mình đã được “gãi đúng chỗ ngứa”, từ đó họ không thể rời đi được. Ngoài ra, mảng nội dung chưa được ai khai thác thì nó cũng sẽ tạo được điểm nhấn đậm nét, làm nên đặc trưng ghi dấu trong lòng người xem.
May mắn chỉ là nhất thời, nỗ lực mới giúp bạn đi đường dài và phát triển
Tuy có cơ duyên và cơ hội nhưng hướng tiếp cận với công việc này của Kiên lại khá chậm và chắc. Cậu chia sẻ mình vẫn đang làm một công việc khác bên cạnh làm Content Creator (Sáng tạo nội dung)
“Sau khi tạo kênh chừng nửa năm, mình vẫn chỉ có vài trăm subs, có thể là do thời gian đó video mình làm dưới dạng subtitle (phụ đề) vì chưa có Mic. Mà người chơi game thì thường có độ tuổi khá nhỏ, nên việc có giọng đọc để họ nghe có lẽ cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn. Cộng thêm sau khi tham khảo và tìm hiểu thì mình cũng muốn thử sức với việc làm video có cả phần tiếng và phần hình xem sao. Thế là mình dùng nửa tháng lương hồi đó để đầu tư thêm vài món audio gear và làm thử. Thực sự giờ nghĩ lại thì lúc đó mình cũng khá liều, vì chắc gì đầu tư mà đã làm được thành công đâu!
Sau khi mua, mình cũng đã thực hiện một vài video có bình luận đầu tiên, rồi đăng lên kênh và làm thêm các đoạn trailer để đăng vào các group nhằm quảng cáo. Sau đó thì số subs tăng bùng nổ. Mình nhớ hình như là có hôm tăng hơn 15.000 subs chỉ sau 1 đêm. Và thế là mình có thể tiếp tục duy trì hoạt động cho đến bây giờ.”
Làm vì vui, nhưng không thể chỉ “vui” thì mới làm
Theo thống kê từ Google, tính đến tháng 11/2023, số lượng người dùng Youtube tại Việt Nam đã đạt đến con số xấp xỉ 63 triệu người dùng, có 350 kênh YouTube vượt mốc 1 triệu người đăng ký, lượng kênh có > 100 ngàn người theo dõi đã tăng thêm 15.000 kênh so với năm 2022. (Nguồn: advertisingvietnam.com)
Với lượng content creator nhiều hơn "lá mùa thu" trên Youtube nói chung và trong mảng Gaming nói riêng, đối với những independent creator (nhà sáng tạo nội dung độc lập) như Kiên, cậu đã phải mất công mò mẫm khá lâu để tìm hiểu về cách hoạt động của platform (nền tảng), cách tuân thủ bản quyền, cách thiết lập kênh, rồi kê khai các thủ tục thanh toán… vào thời gian đầu làm quen với Youtube.
Dù có số lượng người sử dụng nhiều nhưng lại không có nhiều người hay đơn vị có hiểu biết rành mạch, cũng như có rất ít bản hoàn chỉnh hướng dẫn về công việc này. Hầu hết các Network ở Việt Nam cũng sẽ chỉ tiếp cận khi Creator đã đạt được một mốc thành tích nào đó, thế nên với những nhà sáng tạo nội dung độc lập như Kiên thì đều sẽ phải tự bơi, tự thử nghiệm và rút kinh nghiệm ngay từ đầu.
Ngoài các vấn đề về platform (nền tảng) thì việc sắp xếp thời gian, tự đề ra các tiêu chuẩn để đảm bảo content của mình giữ được chất lượng ở mức cao, cũng như tự đặt ra các deadline khoa học để bản thân có thể đáp ứng cũng đòi hỏi phải có sự kiên trì lớn. Kiên chia sẻ: “Nói ngắn gọn thì mình phải coi nó như một công việc nghiêm túc và làm vì đam mê chứ không phải chỉ là một sở thích đơn thuần, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Nhất là với những người làm nội dung độc lập không có ai quản lý, thúc ép thì việc dễ bị "trật đường ray’"là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là trong giai đoạn kênh mới khởi đầu, mình đã thấy nhiều người rất dễ rơi vào tình trạng làm kiểu trớt quớt, lúc hay lúc dở, lúc làm lúc nghỉ".
Thu nhập từ công việc
“Thu nhập trung bình của mình hiện giờ là khoảng 15 triệu/tháng từ chi trả của platform và đối tác quảng cáo, chưa trừ các chi phí cần thiết để vận hành kênh. Nếu trừ đi thì sẽ còn khoảng 10 triệu. Số tiền vận hành mình dùng để chi trả bản quyền âm nhạc, các phần mềm cần thiết và các chi phí như điện, internet… Creator có traffic cỡ ngang mình nếu không sử dụng các loại dịch vụ bản quyền có trả phí hoặc nhận được nhiều offer từ đối tác quảng cáo thì thu nhập sẽ cao hơn. Nhưng nếu họ phải chia sẻ doanh thu với Network, hoặc làm việc theo team vì không tự thiết kế, lên kịch bản, đọc kịch bản hoặc edit video được mà phải đi thuê thì sẽ thấp hơn", Kiên chia sẻ.
Khi được hỏi liệu bạn có cảm thấy chia sẻ thế sẽ làm mình bị tăng thêm đối thủ cạnh tranh, vì không có nhiều Content Creator chia sẻ cởi mở về vấn đề này, Kiên lại có quan điểm khá phóng khoáng: “Mình nghĩ bản thân những người có ý định làm content một cách nghiêm túc thì dù có thế nào họ cũng sẽ làm thôi, còn những người chỉ đơn giản tưởng đây là một nghề hái ra tiền rồi lao vào, có khi họ sẽ chẳng thể trụ được sau 1 năm với đủ kiến thức phải tìm hiểu và phải trải qua một thời gian dài với lượng view và subscribe lẹt đẹt".
Nhiều bạn nữ cũng đã và đang thành công với nghề streamer
Đáng ngạc nhiên là trong lĩnh vực mới mẻ và tuy có những yêu cầu về kỹ thuật cao này, lại cũng có lượng streamer nữ đông đảo và khá phổ biến với các người xem nữ. Không những thế, các streamer nữ còn có nhiều lợi thế khác mà ít streamer nam có được nếu biết tận dụng, như ngoại hình xinh xắn dễ thương là một lợi thế lớn, khả năng ăn nói khéo léo, cũng như việc sở hữu biểu cảm phong phú để làm các dạng video “Reaction”...
Bản thân Kiên cũng đã xem khá nhiều streamer cả nam lẫn nữ trước khi bắt tay vào làm: "Một phần mình xem để học tập phong cách nói chuyện của họ, một phần nữa là mình muốn tìm hiểu thị hiếu người xem, học theo tips họ chia sẻ hoặc xem có gì hay để làm theo được không. Mình thấy tuy các bạn nữ có thể không rành về kỹ thuật nên lúc bắt đầu có hơi lóng ngóng, nhưng mà lượng kiến thức cơ bản cần thiết lúc đầu thì cũng chỉ có vậy mà thôi, chung quy lại cũng chỉ là làm quen giữa các thiết bị - nền tảng - phần mềm. Ai chịu khó thì sẽ đi qua được giai đoạn này nhanh hơn để tiến đến việc sáng tạo, phát triển rồi mở rộng kênh. Mà cái này thì mỗi người lại có một điểm mạnh và góc nhìn khác nhau để khai thác, thế nên viewer cứ xem hết người này đến người kia vì thế đó".
Lập được kênh, duy trì được kênh và phát triển kênh đã khó, các content creator còn phải đối mặt với sự toxic (độc hại) trên mạng xã hội
Cũng như bao ngành nghề khác có liên quan đến mạng xã hội, các streamer nói riêng và người làm content creator nói chung cũng phải đối mặt với sự nhiễu loạn của thị hiếu người xem và sự toxic (độc hại) của cộng đồng mạng nói chung. Với game thủ, sự độc hại này có thể đến từ việc họ quá yêu thích nhân vật nào đó, tựa game nào đó mà gây nên xung đột giữa các fandom với nhau.
Điều này làm các nhà sáng tạo nội dung cho game nhiều khi phải khéo léo để không làm mất lòng viewer và đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm dễ gây tranh cãi.
“Tuy thế, vẫn có rất nhiều thành phần toxic có thể nhảy dựng lên vì bất kì vấn đề gì chỉ để thể hiện sự "thượng đẳng", trên cơ người khác. Tốt nhất với những thành phần đó mình chỉ lơ đẹp hoặc sớm chặn trên mọi mặt trận, ít tiếp xúc được bao nhiêu thì đỡ phiền lòng bấy nhiêu. Người xem có dăm bảy loại thì những kẻ ‘Chí Phèo’ này cũng là một loại mà ai cũng phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để khi đối mặt với họ không bị dao động hay bị lây nhiễm sự tiêu cực từ đó”, Kiên chia sẻ.
Streamer là nghề nghiệp đang hái ra tiền nhờ vào sự phát triển của thời đại công nghệ số, các bạn trẻ làm tiktoker, content creator về đủ mọi đề tài cũng đang rất đông đảo, phục vụ mọi thị hiếu người xem. Nhưng làm sao để phát triển nội dung số có chất lượng, mang lại sự tích cực và lành mạnh thì còn cần sự đầu tư học hỏi và làm nghề nghiêm túc như bao công việc khác cho xã hội.
Tin liên quan
Không chỉ là “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học Việt Nam, ông còn là một Danh nhân văn hoá được cả thế giới biết đến và mến mộ. Cuộc đời...
Nhiều nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động cho biết họ đau đầu trước khả năng giao tiếp – ứng xử và thái độ làm việc “không có tổ chức”...
“Mình kể, nhiều bạn bè nghĩ công việc này cũng nhàn. Nhưng mọi người phải làm mới biết vất vả ra sao. Có hôm khách sạn đông khách, mình và...
Tin bài cùng chủ đề Chuyện nghề Gen Z
Cô gái tạo ra những âm thanh đặc biệt để giải stress, ru ngủ những người thường xuyên căng thẳng, khó chợp mắt mỗi đêm.