"Tại công ty mình, có những bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học đã thể hiện tài năng, ý chí cầu tiến, ham học hỏi và được mọi người trong công ty yêu mến" - chị Hoàng Lan cho biết.
Hiện nay, một bộ phận Gen Z khi đi làm đã để lại ấn tượng không tốt với sếp và đồng nghiệp hơn tuổi khi thể hiện cách ứng xử kém, thái độ làm việc “không tổ chức”… Nhưng bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều bạn trẻ thuộc lứa Gen Z đã thể hiện tài năng, sự ham học hỏi cùng những phẩm chất tốt, được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao.
“Mình luôn nghĩ việc Gen Z làm việc không nghiêm túc, trả treo với nhà tuyển dụng, cấp trên chỉ là một bộ phận trong thế hệ trẻ. Mình chưa từng gặp trường hợp nào oái oăm như vậy nhưng bạn bè cùng nghề tuyển dụng liên tục vấp phải, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động xáo trộn như bây giờ.
Bạn mình kể rằng, có một công ty muốn tìm nhân sự trẻ trung, có ý tưởng sáng tạo… nên nhờ cô ấy đăng tin tuyển dụng nhân sự sinh từ năm 2000 trở lên. Trong vòng 2 ngày, bạn mình nhận được gần 50 CV ứng viên. Cứ ngỡ việc này nhanh chóng thành công, ngờ đâu khi bạn mình mở từng chiếc CV ra xem đã không biết nói gì ngoài thở dài ngao ngán.
Cô ấy bảo không có một cái nào đạt tiêu chuẩn: cái thì chỉ có dòng chữ giới thiệu tên tuổi, tốt nghiệp trường gì, sở thích của bản thân; cái lại nói thẳng mức lương mong muốn... cao hơn cả lương của nhân sự cứng có nghề với thâm niên làm việc 5-6 năm; lại có hồ sơ ứng viên ghi sẵn chỉ nhận phỏng vấn vào chiều thứ Hai, Tư vì các ngày còn lại bận đi làm thêm; có CV không ghi số điện thoại liên hệ…”, chị Hoàng Lan (32 tuổi) – phụ trách bộ phận tuyển dụng của một công ty truyền thông tại Hà Nội cho hay.
Còn bản thân chị Lan may mắn khi được gặp được toàn nhân sự Gen Z chỉn chu, ham học hỏi và lễ phép. Vì thế chị ít khi phải đối mặt với những tình huống oái oăm hoặc “dở khóc dở cười” khi tuyển dụng nhân sự cho công ty. Chị tâm sự: “Công ty mình có 5 bạn thuộc thế hệ Gen Z, trong đó có 3 em vừa tốt nghiệp đại học. Các em luôn tạo ấn tượng trong mình: có việc gì không hiểu là hỏi ngay các anh chị đồng nghiệp; sếp có to tiếng góp ý cũng chỉ “dạ, vâng”, chứ tuyệt nhiên không có chuyện cãi”.
Chị Lan còn nhận ra, Gen Z có “điểm tốt” mà các Gen trước không có được – đó là khả năng sử dụng công nghệ tốt, nắm bắt xu hướng nhanh. Công ty chị làm về truyền thông rất cần những điều đó để có thể phát triển hơn.
“Hiện tại Tiktok chính là nền tảng mạng xã hội quảng bá sản phẩm nhanh nhất nhưng công ty mình lại yếu ở mảng đó. Các bạn trẻ vào làm đã xây dựng kênh, nắm bắt xu hướng nhanh nhất có thể. Nhờ đó các bạn đã đem lại cho công ty nhiều khách hàng tiềm năng.
Khi các bạn được sếp khen thưởng cũng không hề tự cao tự đại, thay vào đó vẫn khiêm tốn và cho rằng cần phải học hỏi thêm từ đồng nghiệp khác. Đó là cái mình cảm thấy ưng nhất khi làm việc cùng", người phụ nữ cho hay.
Cũng theo chị Lan, công ty chị thi thoảng có các đợt tổ chức sự kiện vào cuối tuần. Khi ấy mỗi nhân sự sẽ đảm trách một việc, từ sáng sớm đến đêm muộn. Chị rất lo sợ Gen Z sẽ không đồng ý tham gia vì đó là làm ngoài giờ, chỉ có phụ cấp ăn uống, không có quyền lợi gì đi kèm thêm.
Tuy nhiên, khi chị Lan đề cập đến vấn đề, nhân sự Gen Z hào hứng tham gia. Thậm chí có bạn còn bày tỏ rằng thích được tham gia các hoạt động của công ty vào cuối tuần để bản thân được trải nghiệm, năng động hơn.
"Điều đó khiến mình khá ngạc nhiên. Các em ấy sẵn sàng tham gia mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Hơn hết, các em có nhiều năng lượng, làm rất hăng hái, lúc nào cũng tươi cười, không than mệt mỏi nửa lời dù khối lượng công việc nhiều. Các em còn đem việc về nhà làm để hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn. Mình luôn cảm thấy tự hào khi tuyển được nhân sự trẻ mà nhiệt huyết như vậy", chị Lan tâm sự.
Lê (29 tuổi) – chủ một cửa hàng đồ gốm tại Hà Nội cho biết: "Mình mở cửa hàng được 3 năm, trải qua 4-5 đời nhân viên. Các bạn ấy nghỉ không phải vì có bất mãn gì với chủ mà do kín lịch học hoặc tìm được công việc có mức lương cao hơn ở đây.
Mình đương nhiên đồng ý vì dù sao đây cũng chỉ là làm thêm, kiếm thu nhập trang trải học tập hoặc "chống đói" trong lúc chờ lấy bằng đại học. Đến giờ các bạn vẫn liên lạc với mình, thi thoảng lại ghé qua cửa hàng chơi".
Suốt quá trình làm việc với các nhân viên Gen Z, Lê chưa bao giờ phải bận tâm hay nặng lời góp ý. Ngược lại, cô luôn là người được nghe các em phàn nàn rằng không chịu kiểm tra lại hàng, không tiếp đón khách chu đáo, đi làm quá muộn...
"Mình vốn là người hay quên nên hàng chỉ cần tồn kho 1-2 ngày là quên béng. Khách hỏi mẫu này còn hay không, mình trả lời chắc nịch rằng đã hết. Họ không ưng các mẫu khác, mình liền khuyên tìm ở các cửa hàng khác coi sao.
Sau đó, nhân viên dọn hàng lại thấy mẫu đó còn nhiều, báo với khách thì họ đã đặt mua chỗ khác mất rồi. Nhiều lần mình như vậy, nhân viên đã trách mình không để tâm cho công việc. Bạn ấy quyết định sẽ đảm trách phần công việc đó thay cho chị chủ đãng trí.
Hoặc có nhân viên trực page không kể ngày đêm, hễ có khách nhắn tin là tư vấn nhiệt tình. Mình khuyên em ấy không nhất thiết phải trả lời ngay, 8h sáng hôm sau nhắn tin cũng chưa muộn. Song em ấy quả quyết nếu vậy, khách sẽ sang tiệm khác hỏi mua vì giờ "người khôn của khó", chỉ cần lơ là một chút là mất ngay "Thượng đế"", cô chủ cửa hàng vui vẻ kể lại.
Hôm khác, Lê ngồi đóng hàng cùng nhân viên đến trưa vẫn chưa xong. Cô nàng rủ nhân viên đóng cửa đi ăn rồi về tính sau. Tuy nhiên, nhân viên lại... từ chối, quyết đóng xong hàng rồi ăn sau.
"Mình ngại quá! Bản thân là chủ nhưng lười làm hơn nhân viên. Cuối cùng, mình cũng không dám đứng dậy, ngồi đóng cho xong chỗ hàng để shipper chiều đến lấy sớm.
Nhiều khi mình thấy bạn bè phàn nàn về cách hành xử, làm việc của Gen Z mà thấy lạ, cứ ngỡ bản thân đang làm việc với người cùng lứa tuổi chứ không phải Gen Z mà họ đang nhắc đến. Suy cho cùng, nếu mình coi nhân viên như đồng nghiệp, đối xử tốt thì dù ở thế hệ nào đi chăng nữa họ vẫn cống hiến hết sức cho mình", Lê tâm sự.