Giám đốc Công ty Việt-Czech và nhiều người biết tàu gặp nạn nhưng đã quyết định tự xoay sở. Sau khi tàu bị chìm, vị giám đốc này đã đổ lỗi cho thuyền trưởng Phạm Duy Phúc (đã tử nạn).
Liên quan đến vụ chìm canô làm 9 người tử nạn tại khu vực biển Cần Giờ, TP HCM, ngày 6-8, Cảng vụ Hàng hải thành phố đã triệu tập 2 tài công là Lục Văn Bảo (SN 1989) và Lê Văn Hiếu (SN 1988) để lấy lời khai trong suốt 4 giờ.
Chọn nhầm canô hỏng?
Tại buổi làm việc, 2 tài công đã làm tường trình liên quan đến hành trình từ Tiền Giang về Vũng Tàu và những khúc mắc xung quanh việc nghe các nạn nhân kêu cứu mà không quay lại. Buổi làm việc diễn ra trong phòng kín, phóng viên không được tiếp xúc thông tin. Hai tài công cũng né tránh các câu hỏi của giới báo chí.
Theo ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt-Czech, canô H29 BP do công ty sản xuất theo công nghệ mới của châu Âu, là quà tặng của Liên doanh Vietsovpetro và Công ty Việt-Czech cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau một thời gian sử dụng, lực lượng biên phòng chuyển canô này qua nhà máy của công ty trong KCN Đông Xuyên (TP Vũng Tàu) để bảo trì, sửa chữa.
Cuối tháng 7-2013, ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty Du lịch Vũng Tàu Marina, liên hệ với Công ty CP Việt-Czech mượn canô đi đón bạn bè từ Tiền Giang về Vũng Tàu ăn cưới. Công ty Việt-Czech đã đồng ý cho ông Phạm Duy Phúc (SN 1958, đã tử nạn, thuyền trưởng của Công ty Du lịch Vũng Tàu Marina) mượn 2 canô KH 0606 và H790 BP đi đón công nhân.
Cảng vụ Hàng hải TP HCM làm việc tại Vũng Tàu chiều 6-8
“Không hiểu sao đến khi đi, ông Phúc lại lấy canô H29 BP và H790 BP đón người, bỏ lại canô KH 0606. Ông Phúc đã nhờ 2 nhân viên của Công ty Việt-Czech là Lục Văn Bảo lái canô H790 BP và Nguyễn Văn Dương (thợ máy) đi cùng” - ông Đảo giải thích.
Chiều 2-8, ông Đảo đi trên canô H790 HQ do công ty sản xuất cho Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chạy kiểm tra để chuẩn bị bàn giao. Khi đang chạy ở khu vực cảng Đông Xuyên, thấy ông Hà Ngọc Phước (Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam) đang đứng chơi nên ông Đảo rủ cùng đi. Trên đường, ông Phước và ông Đảo chuyển hướng, chạy xuống Tiền Giang chơi. Khi đến Tiền Giang, ông Đảo thấy công nhân ở nhà máy đang chờ về Vũng Tàu nên cho số công nhân này đi cùng.
Lúc này, canô H29 BP đi trước và rời bến lúc 17 giờ 30 phút, canô của ông Đảo đi sau cùng. Ông Đảo cho biết: “Trên đường đi, thấy tình hình thời tiết rất xấu nên tôi đã liên lạc vào bờ báo thông tin cho công ty chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố”. Ông Đảo gọi cho thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu, để xin điều tàu ra tiếp cứu. Khoảng 19 giờ 30 phút, tàu biên phòng rời bến đi cứu hộ canô H29 BP.
“Đến khoảng 22 giờ 20 phút, tôi nhận được thông tin chính thức canô H29 BP bị nạn nên đã liên lạc ngay với anh Quỳnh xin cứu hộ khẩn cấp và báo cho anh em quen biết trong các công ty ở KCN, yêu cầu liên lạc ngay với cảng vụ cùng cơ quan tìm kiếm cứu nạn để cứu” - ông Đảo khẳng định.
“Trên đường đi, tôi tiếp tục chỉ đạo quan sát tìm kiếm người bị nạn nhưng do thời tiết quá xấu, tầm quan sát hạn chế nên anh em không thấy người bị nạn. Lúc này, tôi cũng được biết các cơ quan cứu hộ, cứu nạn đã triển khai phương tiện ra cứu canô. Công ty Việt-Czech cũng đã điều 2 tàu tìm kiếm. Tàu chúng tôi về đến bến khoảng 22 giờ 30 phút. Chúng tôi còn thuê 2 tàu cá ngư dân đi tìm kiếm các nạn nhân” - ông Đảo kể.
Giấu thông tin tàu chìm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cho biết: “Sự việc xảy ra lúc 19 giờ hoặc sớm hơn nhưng đến 21 giờ, chúng tôi mới nhận được tin báo. Người báo vẫn còn che giấu thông tin, rằng canô bị chết máy chứ không nói bị chìm. Khi nhận được tin báo, chúng tôi đã triển khai lực lượng, đồng thời cùng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 điều tàu đi cứu người”.
Tài công làm tường trình xung quanh vụ chìm tàu
Theo ông Chiến, khi nhận được tin báo, cảng vụ phải thẩm định thông tin vì có rất nhiều tin gọi đến không chính xác. Đến 21 giờ 30 phút ngày 2-8, người báo tin mới xác định canô bị chìm hẳn. Đến 22 giờ, tàu cứu nạn khởi hành ra vùng biển Cần Giờ để cứu hộ, mất khoảng 2 giờ thì đến hiện trường. “Lúc này, sóng to gió lớn, biển động, trời tối nên anh em cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, tàu cứu hộ không vào được vùng biển canô H29 BP gặp nạn nên phải hạ xuồng nhỏ vào đưa nạn nhân đi cấp cứu” - ông Chiến cho biết.
Trước 20-8, công bố kết luận điều tra Ngày 6-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đã ký văn bản khẩn gửi Bộ Công an, Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ. Theo đó, UBND TP đề nghị Bộ Công an xem xét tiến hành khởi tố vụ án chìm canô để xử lý nghiêm. Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng Đoàn Điều tra đặc biệt của Bộ GTVT, cho biết: “Dự tính trước ngày 20-8 sẽ có kết quả điều tra”. V.Lê - T.Kha |