Với bài luận kể về các viên đá quý, Thy Na đỗ đại học top 2 ngành Tài chính ở Mỹ, dù không có điểm SAT, giải thưởng nổi bật, cũng không học trường chuyên.
Trần Thy Na, lớp 12, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, nhận tin trúng tuyển Đại học New York hơn một tuần trước. Nhận định hồ sơ của mình khiêm tốn về thành tích học thuật, Na nói đây là kết quả bất ngờ.
Đại học New York hiện thuộc top 30 tốt nhất nước Mỹ, hạng 2 về đào tạo Tài chính, theo xếp hạng của US News. Đây cũng là lĩnh vực mà Na dự định học trong bốn năm tới.
Thy Na trong bộ ảnh kỷ yếu lớp 12. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Niềm hứng thú với tài chính của Thy Na bắt đầu khi em bước vào THCS, do được truyền cảm hứng từ bà nội - người làm việc trong một công ty xây dựng. Khi tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực này, Na biết Mỹ là cường quốc kinh tế, trong đó phố Wall ở New York là biểu tượng cho sức mạnh tài chính, tiền tệ của đất nước này.
"Vì vậy mà em xác định sẽ du học Mỹ, và phải là trường ở New York để thực hiện ước mơ đến phố Wall", Na kể.
Dù xác định mục tiêu từ sớm, nhưng em từng hoài nghi về năng lực của bản thân. Na bị hen từ nhỏ. Thời tiết mưa, ẩm hay khi vận động mạnh sẽ khiến Na khó thở nên luôn phải mang theo bình xịt khẩn cấp. Đây là lý do mà gia đình động viên em học ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để gần nhà và có học bổng dù đỗ lớp chuyên Sử của hai trường. Na nghe lời khuyên của bố mẹ, nhưng tiếc mãi.
"Em biết nếu không học trường chuyên, cơ hội du học của mình sẽ hẹp đi rất nhiều", Na nói. "Mất nửa năm đầu, em mới vượt qua được suy nghĩ mình không có thành tích nổi bật. Em quyết định sẽ chinh phục hội đồng tuyển sinh bằng những yếu tố khác của hồ sơ".
Na tự học chương trình dự bị đại học AP. Nữ sinh chọn Toán, Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô vì cho rằng đây là những môn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình muốn học sau này. Na cho biết không giỏi Toán, thậm chí rất sợ môn này, nhưng nhìn nhận rằng vì thế thì mới phải học. Ngoài học AP, em cũng đăng ký vào lớp chọn Toán ở trường.
Song song đó, Na vẫn duy trì sở thích tìm hiểu Lịch sử. Trong hai năm lớp 10 và 11, nữ sinh thi học sinh giỏi môn Lịch sử liên quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, lần lượt đạt giải nhì và nhất.
Theo Na, điểm sáng trong hồ sơ của em là sự tiến bộ của bản thân. Điểm trung bình học tập của Na tăng từ 9,1 năm lớp 10 lên 9,3 và 9,5 trong hai năm sau. Tương tự với IELTS, nữ sinh đạt 7.0 trong lần thi đầu tiên, sau đó thi lại và được 7.5. Na thấy phẩm chất này của mình phù hợp với những tiêu chí mà Đại học New York hướng đến là sự kiên trì, cầu tiến.
Thy Na (áo đỏ) chơi bass trong ban nhạc của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong bài luận chính, Na kể về bộ sưu tập đá quý tự nhiên của mình. Sở thích này của Na bắt đầu khoảng 6-7 năm trước, khi em thấy bà mang về nhà một số mẫu đá vôi trắng. Hứng thú và tò mò về hình dạng của các loại đá trong tự nhiên nên mỗi mùa hè hoặc những dịp đi dã ngoại, nữ sinh dành nhiều giờ bên những dòng suối để tìm đá. Hiện, bộ sưu tập của Na có khoảng 100 viên.
Nữ sinh chọn ba viên đá mình thích nhất để nhắc đến trong bài luận, gồm thạch anh hồng, cytrine và aquamarine. Qua hành trình tìm những viên đá này, Na liên hệ với một trải nghiệm của bản thân rồi rút ra bài học. Chẳng hạn với aquamarine - viên đá có màu xanh dương, nhưng thường có bụi trắng ở bên ngoài nên khó phát hiện, Na kể về lần chuyển từ guitar sang chơi bass ở câu lạc bộ âm nhạc. Ban đầu, nữ sinh không tự tin vì chưa biết gì về bass. Nhưng sau khi được các anh, chị trong câu lạc bộ thuyết phục, Na quyết định thử sức.
"Em muốn nhắn nhủ rằng những cái giá trị đôi khi bị ẩn giấu phía bên trong, cần vượt qua được vẻ xù xì bên ngoài thì mới khám phá được. Cũng như việc em thử chơi bass, ban đầu em cũng không nghĩ mình có khả năng này", Na nói.
Khi viết luận, Na lo ngại bài viết của mình đơn giản vì không có cao trào, lại lần lượt kể ba câu chuyện nhỏ, tương ứng với ba viên đá, nên cố gắng đưa nhiều từ ngữ, hình ảnh nhân hóa và ẩn dụ. Tuy nhiên, nữ sinh thấy làm vậy khiến bài viết trở nên khó hiểu và mất đi nét chân thật.
"Cuối cùng, em nghĩ thôi không phải phức tạp hóa và giữ lại bản lúc đầu", Na nhớ lại.
Trong các hoạt động ngoại khóa, nữ sinh tâm đắc nhất với dự án dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học ở quận, do em và các bạn thực hiện trong ba năm qua. Được giao soạn giáo án và trực tiếp giảng, em học được cách làm việc nhóm, tự tin hơn khi giải quyết tình huống bất ngờ.
Nữ sinh cũng lọt vào top 10 Citizen Entrepreneurship Competition, một cuộc thi kinh doanh, yêu cầu ứng viên phát triển sáng kiến xây dựng doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; và top 14 tại cuộc thi startup trẻ Vietnam Youth Start-up.
Bộ sưu tập đá quý thiên nhiên của Thy Na. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Lê Diệu Linh, Tổ chức Giáo dục Summit, là cố vấn của Thy Na trong quá trình em làm hồ sơ du học. Khi biết Na không phải học sinh trường chuyên hay quốc tế, nền tảng tiếng Anh chưa dày dặn, chị Linh cũng lo lắng.
Song, thấy nữ sinh quyết tâm, tiến bộ về tư duy lãnh đạo khi làm trưởng nhóm truyền thông và tài chính của câu lạc bộ tổ chức sự kiện, chủ nhiệm câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường, chị yên tâm hơn.
"Na rất nỗ lực, kiên trì và tinh thần cầu tiến rất lớn", chị Linh nói. "Em sẽ phù hợp với những công việc đòi hỏi sự năng động như kinh doanh hay truyền thông".Sau thời gian dài thức đến 1-2 giờ sáng để vừa làm hồ sơ du học, vừa duy trì thành tích học trên trường, Na sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nữ sinh dự định học thêm một số môn AP, đặt mục tiêu đạt tối đa để được đổi tín chỉ khi vào đại học. Khi sang Mỹ, Na muốn tìm hiểu về Toán lượng tử, lập trình để học cách phân tích dữ liệu tài chính.