Quy định hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu, thay đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tác động tới hàng chục triệu người từ 1/7/2025.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 29/6, có hiệu lực từ 1/7/2025 với nhiều thay đổi lớn trong giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, rút ngắn năm đóng để hưởng lương hưu, điều chỉnh tỷ lệ lương hưu của nam giới đóng dưới 20 năm...
Hạn chế rút một lần với người bắt đầu đóng từ 1/7/2025
Sau gần một năm cân nhắc hai phương án từ bản dự thảo tháng 7/2023, luật sửa đổi được Quốc hội thông qua với quy định ngừng giải quyết BHXH một lần cho người gia nhập hệ thống từ ngày 1/7/2025, trừ một số trường hợp quy định. Đó là người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; suy giảm khả năng lao động 81% trở lên, khuyết tật đặc biệt nặng.
Lao động tham gia trước 1/7/2025, đóng BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc vẫn được rút nếu có yêu cầu.
Gần 20 năm với ba lần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo đều tính toán sửa chính sách hưởng một lần. Năm 2015, Luật sửa đổi từng quy định không cho rút bảo hiểm song bị công nhân phản ứng. Quốc hội sau đó phải ra Nghị quyết 93 tiếp tục cho lao động được hưởng BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Luật mới được kỳ vọng giữ chân hơn 18 triệu lao động ở lại lưới an sinh, chấm dứt làn sóng rút một lần. Những năm qua, bình quân mỗi năm 800.000 người rời hệ thống. Lưới an sinh mỏng khi một người bước vào thì một người rời đi.
Số lao động gia nhập hệ thống và rút BHXH một lần giai đoạn 2016-2022. Đồ họa: Gia Linh
Giảm từ 20 xuống 15 năm đóng BHXH
Luật sửa đổi quy định lao động tham gia đủ 15 năm BHXH trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí. Thời điểm luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng. Tuổi hưu sau đó tăng dần theo lộ trình cho đến khi đạt 62 với nam năm 2028 và 60 với nữ năm 2035.
Rút ngắn 5 năm đóng trên thực tế không hướng tới số đông mà chủ yếu xử lý lương hưu cho nhóm 40-45 tuổi tham gia hệ thống muộn hoặc đóng ngắt quãng. Dự kiến mỗi năm khoảng 7.000 người thụ hưởng, theo tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Song chính sách cũng có thể dẫn tới tình trạng lao động đóng BHXH theo kiểu quay vòng, tức là tham gia thời gian ngắn rồi rút, sau đó đóng tiếp với nền lương cao hơn.
Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu của nam
Giảm năm đóng BHXH, giữ nguyên công thức tính lương hưu vẫn tạo ra sự chênh lệch trong mức hưởng giữa lao động nam và nữ. Luật sửa đổi điều chỉnh bằng quy định lao động nam tham gia từ đủ 15 đến dưới 20 năm thì mức hưởng bằng 40% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mỗi năm đóng thêm hưởng 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ mỗi năm tính thêm 2% cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Lao động nữ đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia BHXH 15 năm mức hưởng được tính bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng đóng 15 năm BHXH nhưng lao động nam hưởng 40% trong khi nữ là 45%. Tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam giới từ năm 15 đến dưới 20 năm đóng là 1% trong khi nữ là 2%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu của hai giới mới đồng đều 2%. Muốn hưởng lương hưu tối đa 75% thì nữ vẫn đóng 30 năm và nam 35 năm. Người về hưu trước tuổi vẫn bị trừ mỗi năm 2%.
Mức lương làm căn cứ đóng BHXH lao động doanh nghiệp
Luật sửa đổi điều chỉnh mức lương làm căn cứ đóng BHXH của lao động trong doanh nghiệp là tiền lương tháng, gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Quy định trên kế thừa luật hiện hành, song cụ thể hơn mức lương theo công việc hoặc chức danh, các khoản trả thường xuyên, ổn định. Thực tế nhiều doanh nghiệp "chia năm xẻ bảy" thu nhập lao động thành nhiều khoản để giảm chi phí đóng góp vào quỹ. Lao động thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng song tiền đóng BHXH bình quân chỉ khoảng 5,7 triệu đồng, nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng.
Tiền lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần khoản này. Theo quy định tham chiếu không thấp hơn lương cơ sở, từ 1/7/2024 là 2,34 triệu đồng. Nếu quy định giữ nguyên cho tới khi luật có hiệu lực thì tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất là 2,34 triệu đồng và cao nhất là 46,8 triệu đồng mỗi tháng.
Một số nhóm mới được bổ sung vào diện đóng bắt buộc, như chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương... được chọn mức đóng thấp nhất bằng tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần khoản trên. Sau 12 tháng tham gia được chọn lại mức đóng. Lao động tham gia BHXH tự nguyện chọn mức đóng thấp nhất bằng chuẩn nghèo nông thôn và cao nhất bằng 20 lần tham chiếu.
Tiền đóng của lao động khu vực công là tiền lương tháng theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề (nếu có). Bình quân tiền lương đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng, sắp tới tăng mạnh khi lương cơ sở điều chỉnh 30%.
Bổ sung tầng hưu trí
Luật sửa đổi bổ sung tầng an sinh mới dành cho người đủ 75 tuổi trở lên mà không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH người già từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các chế độ gồm trợ cấp hưu trí xã hội, hỗ trợ chi phí mai táng và hưởng BHYT từ ngân sách nhà nước.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội do Chính phủ quy định tùy điều kiện kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và định kỳ 3 năm một lần rà soát để điều chỉnh. Dự kiến thêm 700.000 người thụ hưởng chính sách có hiệu lực.
Người Hà Nội thể dục bên hồ Gươm, tháng 8/2023. Ảnh: Ngọc Thành
Lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, dưới 75 tuổi có hai lựa chọn là rút một lần hoặc đóng tự nguyện cho đủ thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Luật sửa đổi bổ sung chính sách người đóng dưới 15 năm mà không rút BHXH một lần thì được nhận trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng góp vào Quỹ Hưu trí tử tuất.
Mức hưởng trợ cấp hàng tháng được tính toán trên tổng thời gian tham gia và tiền lương tính đóng BHXH. Tiền hưởng thấp nhất bằng khoản trợ cấp hưu trí xã hội (mức sàn). Tại thời điểm nhận trợ cấp, nếu tổng tiền tính đóng để hưởng mà cao hơn trợ cấp hưu trí xã hội thì người đó được nhận mức cao hơn, nhưng nếu thấp hơn sàn thì có thể đóng bù để nhận. Trong thời gian này, người cao tuổi được hưởng BHYT từ ngân sách nhà nước chi trả.
So với luật hiện hành, luật sửa đổi giữ lại quy định về lương hưu thấp nhất hàng tháng cho người đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, nhưng thu hẹp diện hưởng chỉ áp dụng với nhóm gia nhập hệ thống trước ngày 1/7/2025. Mức hưởng của nhóm này bằng tham chiếu, dự kiến 2,34 triệu đồng tại thời điểm luật có hiệu lực mà lương cơ sở chưa điều chỉnh.
Như vậy, luật sửa đổi tạo nên hệ thống BHXH đa tầng từ khi lao động đi làm đến hết tuổi lao động. Có thêm các chính sách an sinh cho người sau tuổi hưu trí nhưng xuất phát điểm thấp - dự kiến bằng chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng.
Cụ thể, tầng lương hưu cơ bản dành cho lao động tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đủ năm đóng BHXH, nghỉ hưu đúng tuổi, chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tầng trợ cấp hàng tháng dành cho người không đủ điều kiện hưởng lương hưu, dưới 75 tuổi, từ chính khoản đã đóng góp vào Quỹ. Tầng trợ cấp hưu trí xã hội dành cho người trên 75 tuổi hưởng từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, luật sửa đổi mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc với người làm việc không trọn thời gian mà có tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (bằng mức tham chiếu); chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, đại diện phần vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị, quản lý hợp tác xã không hưởng lương.
Từ tháng 7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện có thêm trợ cấp thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung.