Thay vì phải đóng BHXH 20 năm mới được nhận lương hưu như hiện nay, kể từ 1/7 tới, thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu chỉ còn 15 năm. Đây là tin vui cho nhiều người lao động.
Sau hơn 5 năm nghỉ việc và hưởng BHXH một lần, chị Đàm Ánh T. (45 tuổi, ở Hà Nội) đã ở nhà chăm lo gia đình. Đầu năm nay, chị xin việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ.
Dù kinh tế gia đình không khó khăn nhưng chị T. vẫn muốn đi làm, tham gia BHXH để đến khi về già có thêm đồng lương hưu.
Chị T. chia sẻ, hiện nay người tham gia đóng BHXH chỉ cần 15 năm sẽ có lương hưu, nên dù tuổi cao chị vẫn còn đủ thời gian để đảm bảo điều kiện nhận lương hưu.
“Về già có lương hưu vẫn an tâm hơn. Tôi năm nay 45 tuổi, nếu tham gia BHXH cho đến tuổi nghỉ hưu thì về già vẫn kịp”, chị T. nói.
Từ 1/7, người đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Theo quy định của Luật BHXH 2024, từ 1/7 tới, người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu thay vì phải đóng 20 năm như quy định hiện hành.
Luật BHXH 2024 tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội đóng đủ 15 năm để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Do giảm điều kiện thời gian đóng BHXH còn 15 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu 45% theo Luật BHXH 2014 không còn phù hợp. Vì vậy, Luật BHXH 2024 quy định cách tính mức hưởng lương hưu mới.
Cụ thể, đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá, đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là một sự tiến bộ vì người lao động.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu là giải pháp đem lại “lợi ích kép”, chính sách này không chỉ góp phần ngăn làn sóng rút BHXH một lần mà còn giúp gia tăng số lượng người tham gia hệ thống BHXH.
Đặc biệt, với nhóm người lao động tham gia BHXH muộn (khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Lương hưu thấp vẫn hơn không
Chính sách BHXH được chi trả mức hưởng dựa trên mức đóng. Với những người đóng BHXH đủ thời gian tối thiểu 15 năm hưởng lương hưu thì tỷ lệ hưởng thấp.
Thế nhưng khi được hưởng lương hưu, định kỳ mức hưởng sẽ được Nhà nước điều chỉnh. Trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nói rõ, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm không có nghĩa là ai về hưu lương cũng thấp.
Đây chỉ là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí. Đối với những người tham gia BHXH càng dài, không có gì thay đổi, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao.
Một chuyên gia lao động tiền lương cho biết, trước đây nhiều người đóng BHXH 15 năm hầu hết chỉ được hưởng chế độ BHXH một lần, không có lương hưu nên khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn.
Nhưng kể từ 1/7 tới, chỉ cần đủ 15 năm tham gia BHXH, đủ tuổi nghỉ hưu thì đương nhiên được hưởng lương hưu và các chính sách hưu trí.