“Luộc” đồ xe máy từ lâu đã là “nghề” của nhiều chủ sửa xe và những kẻ “chôm vặt”.
Đây là hình thức trộm hoặc thay thế những thiết bị, bộ phận trên xe bằng những thứ đồ cũ, hàng kém chất lượng. Những mặt hàng bị đánh cắp, thay thế đó được tập hợp về một khu chợ đã nổi tiếng với những chiêu trò “đâm thủng” túi tiền của khách.
“Luộc đồ” nhanh như chớp
Chợ “luộc đồ” nổi tiếng nhất Sài Gòn có lẽ phải kể đến chợ Cầu Sắt, nằm tại đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Với chiều dài ước chừng một cây số là chuỗi những cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy. Hoạt động mua bán, sửa chữa xe máy ở đây vô cùng nhộn nhịp theo kiểu “nhà nhà sửa xe máy, người người sửa xe máy”. Từ trước tới nay khu chợ này vốn nổi tiếng với “nghệ thuật luộc đồ” cực nhanh, tới mức chỉ cần khoảng thời gian 1 tiếng, 1 người thợ có thể thay thế hoàn toàn một chiếc xe Nhật thành hàng Trung Quốc 100%. Những mặt hàng “luộc” ưa thích là còi, đèn, IC, nắp xăng, bình xăng con, bugi, cặp phụt trước, phụt sau… Chỉ cần người đi đường không để ý hay gửi xe ở những nơi không đáng tin là rất dễ bay hơi phụ tùng.
Những người dân buôn bán tại đây cho hay, khu chợ được hình thành khá lâu và hiện tượng “luộc” đồ của khách thường xuyên tái diễn. Vì thế, khi sửa chữa hay thay thế phụ tùng gì ở khu này thì khách phải ngồi ngay bên cạnh xem chừng, toàn bộ đồ thợ sửa xe thay thế cho mình phải kiểm tra xem hàng tốt hay hàng giả, nếu không họ “luộc” ngay. “Ở đây nhiều khi cũng có những đồ tốt lắm nhưng phải là khách quen họ mới thay cho. Họ còn thu mua những thứ linh tinh từ tay bọn bẻ vặt”, một người dân cho biết. Trong khu chợ này không chỉ bán và thay thế những mặt hàng kém chất lượng cho khách mà nó còn là điểm tập kết của những phụ tùng “trộm” như kính chiếu hậu, đèn, thậm chí cả những chiếc xe nguyên vẹn. Từ đó, những “nghệ sĩ luộc đồ” lấy những phụ kiện ra bán lẻ hoặc thay thế, lắp ráp để bán xe.
Dạo qua một vòng quanh chợ, chúng tôi quyết định chọn một quán nhìn khá “hầm hố” có tên gọi H.T. Hỏi thay một vài phụ kiện cho chiếc xe honda đang đi, tôi được ông chủ mang ra cho xem thử. Đó là những đồ đã cũ và cũng không rõ hàng tốt xấu thế nào nhưng được chào bán với một mức giá khá “chát”. “Đây là đồ “zin” nên có giá đó em ạ. Nếu em muốn rẻ anh thay cho em đồ lô được ngay. Nghĩ em là sinh viên nên anh thương cho đồ tốt luôn đó”- người chủ quán này nói. Tôi gạ hỏi thử về việc “luộc” phụ tùng thì anh ta khẳng định rằng quán mình làm ăn chân chính, không thay thế đồ giả mà toàn dùng hàng thật, đồ tốt. Nhưng nhìn những phụ tùng xe máy treo ngổn ngang, không có vỏ bọc hay nhãn mác trong quán, tôi khó có thể tin tưởng về chất lượng của những “đồ thật” đó.
Một tiệm với tràn lan đồ thay thế xe máy không rõ nguồn gốc và chất lượng. Ảnh: CT
Tôi tiếp tục tới một quán sửa xe khác nằm ở cuối đường gần cầu Sắt. Đây là một tiệm nhỏ hơn nhưng xem chừng cũng không kém nhộn nhịp. Người chủ quán xem xét kỹ lưỡng chiếc xe của tôi và phán ngay phải thay cái này, cái kia “cho nó tốt em ạ”. Vừa nói chuyện với chủ quán, tôi vừa để ý sang quán sửa xe đối diện khi thấy 2 thanh niên đang tập trung “chăm sóc” một chiếc xe. Không mấy khó khăn để nhận ra là 2 người đó đang “luộc” xe. Việc tháo dỡ diễn ra khá nhanh, vỏn vẹn khoảng mười phút, chiếc xe đã được tháo rời ra thành từng bộ phận riêng biệt và treo lên các móc ở trần nhà.
Tràn ngập hàng kém chất lượng
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, tại Sài thành có rất nhiều khu chợ như chợ Cầu Sắt, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Tạ Uyên (quận 5), Chợ Lớn… cung cấp đầy đủ mọi loại phụ kiện nhái cho tất cả các loại xe. Những nơi này cũng là nguồn cung cấp hàng nhái cho xe máy trong toàn thành phố và các tỉnh lân cận. |
Toàn bộ khu chợ Cầu Sắt là những quán sửa chữa xe máy với hàng nghìn thứ phụ tùng, vật dụng hầu hết không có nhãn mác. Những phụ tùng này phần lớn là hàng kém chất lượng tới từ Trung Quốc, một phần nữa có xuất xứ từ khu Chợ Lớn. Đó đều là nguồn cung hàng “rởm” mà chủ những tiệm sửa xe nơi đây rất ưa thích. Những phụ kiện ấy so với hàng chính hãng giống hệt nhau, khó phân biệt bằng mắt thường nên những người tiêu dùng không am hiểu vẫn phải ngậm quả đắng khi dính phải. Những phụ tùng này nhập vào rất rẻ nhưng lại được các chủ quán bán ra với giá chính hãng. Do lãi khủng nên những người sửa chữa đua nhau “luộc” đồ bằng mọi hình thức. Lâu dần, tên chợ Cầu Sắt cũng dần bị thay thế bằng tên mới “chợ luộc đồ” khiến chợ trở thành nỗi kinh sợ của những người mang xe đi sửa.
Chị Tuyết, một tiểu thương tại khu chợ đầu đường Bùi Hữu Nghĩa, cho hay: “Đừng dại mà mang xe tới đó em ạ. Có lần xe tôi bị thủng lốp, mang vào đó gửi vá rồi về lấy sau vì còn bận đi bán hàng. Khi lấy xe chạy về nhà, tôi thấy bất thường nên mang ra hiệu kiểm tra thì phát hiện bị “luộc” gần hết phụ kiện. Từ đó, tôi khiếp luôn, không bao giờ mang xe vào đó nữa”. Cũng giống như chị Tuyết, phần lớn những người không may bị dính “độc chiêu” của những tay “phù thủy luộc đồ”, sau khi phát hiện phụ tùng xe bị thay thế thì chỉ còn cách im lặng rút kinh nghiệm về sau mà không thể làm gì hơn. Vì nếu có tới đòi thì những người sửa xe cũng sẽ không nhận và cũng không có bằng chứng gì để chứng minh.
Vài năm trở lại đây, việc “luộc đồ” ở chợ Cầu Sắt đã giảm hơn đôi chút do khách hàng thường xuyên cảnh giác. Nếu ngày xưa, “luộc đồ” diễn ra công khai, nhiều như cơm bữa thì nay cũng có nhiều tiệm làm ăn uy tín, cũng thay nhiều đồ tốt chứ không phải toàn hàng nhái nữa. Trước đây, nguồn hàng chủ yếu lấy từ chợ Tạ Uyên, khu sản xuất “nhái” từ Chợ Lớn thì nay những quán này cũng có hàng chính hãng, hàng tốt, nếu có nhu cầu họ vẫn thay thế. Tuy nhiên, khách lạ vẫn phải đề phòng nếu không muốn lãnh quả đắng với những “nghệ sĩ” thành danh nơi Cầu Sắt.