Bông so đũa là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây, hiện nay chúng vào trong các nhà hàng, quán ăn thành món ăn nổi tiếng được du khách gần xa tìm đến để thưởng thức. Trên chợ mạng, bông so đũa được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Cùng với bông điên điển, bông so đũa là một trong những loài hoa nổi tiếng ở miền Tây không dùng để ngắm mà để ăn. So đũa còn có tên gọi khác là điền thanh hoa lớn, một cây lớn thuộc chi Sesbania trong họ Đậu. Chúng có nguồn gốc ở Ấn Độ, Malaysia và phân bố ở các nước nhiệt đới.
Bông so đũa có 2 loại là màu trắng và màu đỏ. Nếu cây điên điển mọc ở vùng ngập nước thì so đũa lại sống ở trên cạn. Khi ăn chúng có vị nhân nhẩn đắng sau đó ngọt hậu.
Nổi tiếng nhất ở miền Tây là bông so đũa nấu với cá linh. Món ăn này xuất hiện trong mâm cơm dân dã của người dân miền sông nước từ xưa đến nay. Bây giờ, chúng còn xuất hiện trong nhà hàng, quán ăn, trở thành món đặc sản được du khách gần xa thích thú, tìm để thưởng thức mỗi khi đến mùa nước nổi.
Ngoài nấu canh với cá linh, bông so đũa còn dùng để nhúng lẩu, luộc chấm mắm kho hoặc nấu canh chua với cá lóc, tôm tép, xào...
Khoảng tháng 10 hàng năm, khi con nước ngầu đục phù sa tràn đồng chuẩn bị cho một vụ mùa tươi tốt cũng là lúc so đũa trổ bông. Những người sinh ra và lớn lên ở miền Tây chắc chắn không thể nào quên được hình ảnh những cánh hoa so đũa khoe sắc.
Cây này mọc nhiều ở bờ kênh, bờ mương, và chỉ ra hoa đúng một mùa trong năm. Từ khi trồng so đũa đến khi trổ bông phải mất 4 - 5 năm. Chính vì vậy mà khi cây trổ bông thì đã cao quá ba thân người lớn, muốn hái bông không phải dễ.
"Muốn hái được bông so đũa, má tôi thường dùng một cây tre nhỏ rồi chẽ một đầu làm kẹp. Tôi nhớ bông này hái vào buổi sáng là ngon nhất, vì vẫn còn tươi và bên trong thì nhiều mật nên ngọt, khi chế biến sẽ giòn và ngon hơn.
Bây giờ nhiều người trồng cây so đũa để bán ra thị trường. Trong các món ăn từ bông so đũa, mình thích nhất là nấu canh chua với cá rô đồng. Hương thơm béo của cá, vị ngọt thanh pha chút đăng đắng của bông so đũa làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn, ai ăn thử một lần cũng thích mê mẩn", bạn Ngọc An (ở Tiền Giang) chia sẻ.
Ngọc An nói thêm, hiện nay trong các nhà hàng ở miền Tây, bông so đũa nhúng lẩu, làm rau sống ăn kèm với bún hay làm gỏi là phổ biến hơn cả. Sau khi thu hái xong, bông so đũa sẽ được xếp gọn gàng rồi bán vào trong các nhà hàng hoặc bán trên chợ mạng, gửi đi khắp các tỉnh thành.
Theo khảo sát, khi vào mùa, trên chợ mạng có vài địa chỉ bán bông so đũa với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Vì cây so đũa khá cao nên người ta thường cưa đọt cho cây thấp xuống dễ thu hái bông.
Vì được ưa chuộng nên các gia đình ở miền Tây đã mở rộng việc trồng cây so đũa, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Trung bình mỗi ngày các hộ dân hái được từ 13-15 kg bông so đũa, thu nửa triệu đồng.
Theo nghiên cứu, bông so đũa có thành phần dinh dưỡng rất cao với nhiều protid, lipid, beta carotene, vitamin A, vitamin B, hàm lượng vitamin C, nhiều khoáng tố như canxi, sắt, natri, kali tốt cho sức khỏe.