"Nếu công an và quản lý thị trường bảo kê thì chống mũ bảo hiểm rởm sẽ không thành công, cần kiên quyết, cần làm rõ ranh giới và trách nhiệm của cơ quan thực thi như thế nào”.
Phát biểu trên do ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu công bố trong hội thảo “Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông” do Cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) tổ chức.
Vấn đề là xử lý hay không
Theo thống kê của Cục QLTT, tính đến ngày 30/4/2013, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 3.672 vụ sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.
Tổng số mũ bị tạm giữ là 53.836 chiếc và xử phạt hơn 870 triệu đồng. Các loại mũ bị tịch thu chủ yếu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả trên, nhiều đại biểu tham gia tọa đàm nêu ý kiến, việc ra quân xử lý thời gian qua mới giải quyết được phần ngọn, vấn đề cốt lõi là quản lý từ nơi sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh vẫn chưa xử lý được.
Đại diện cho luồng ý kiến này, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu chỉ ra rằng, bên cạnh việc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán các loại mũ bảo hiểm dởm thì cần làm "sạch" ngay từ nội bộ các lực lượng ra quân xử lý.
“Nếu chỉ cần có bóng dáng lực lượng chức năng thì tình hình vi phạm "êm" nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy coi như nhờn thuốc. Lực lượng QLTT không ngóc ngách nào vi phạm mà không biết, chỉ có xử lý hay không xử lý mà thôi. Để người dân mua hàng không đảm bảo chất lượng trước hết là trách nhiệm của QLTT”- ông Lê Thế Bảo thẳng thắn nói.
Cụ thể, ông Bảo thẳng thắn: "Nếu công an và quản lý thị trường bảo kê thì làm sẽ không thành công do vậy thái độ xử lý cần kiên quyết, cần làm rõ ranh giới và trách nhiệm của cơ quan thực thi như thế nào".
Chị em "sắm" mũ bảo hiểm mới đạt chất lượng (Ảnh Trần Minh)
Phường, xã phải quản chất lượng mũ bảo hiểm
Theo kết quả nghiên cứu chất lượng mũ bảo hiểm tại Việt Nam do Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố, từ năm 2007, tỷ lệ đội mũ ở nước ta duy trì hơn 90%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm dởm, không phải mũ bảo hiểm lại cao. Cụ thể, 81% mũ được kiểm tra đạt yêu cầu về trọng lượng và các bộ phận cần thiết; 89% mũ đạt yêu cầu về kích cỡ, nhưng đáng chú ý, chỉ có 18,9% mũ đạt yêu cầu hấp thụ xung động.
Bên cạnh đó, hiện nhiều loại mũ bảo hiểm có dán tem CR nhưng là mũ giả hoặc mũ không dành cho người đi mô tô, xe gắn máy vẫn tồn tại.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng: “Tem CR không phải để chứng minh mũ giả hay mũ thật, mà bản chất vấn đề là mũ nào đã dán tem CR thì phải tuân thủ theo pháp luật, phải có trách nhiệm khi dán tem đó”.
Theo ông Trần Văn Vinh: “Thông tư 06 sắp tới quy định phường xã phải có trách nhiệm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất tại địa phương. Người bán mũ có kiểu dáng công nghiệp phải đăng ký và phường xã có quyền xử lý vi phạm. Khi đó thì mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng sẽ ít xuất hiện trên thị trường hơn”.