Hai điểm mới mà GS Nguyễn Minh Thuyết tâm đắc là chương trình giáo dục phổ thông mới đã thể hiện tư tưởng thực học và dân chủ.
“Tôi thấy rất mừng, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, Bộ GD&ĐT đã đưa ra được dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT) để lấy ý kiến người dân. Chương trình này theo tôi có rất nhiều điểm mới đáng ghi nhận, tôi cho rằng đây là thành công bước đầu của việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông” - GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mở đầu cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Còn băn khoăn điều kiện thực hiện
- Phóng viên: Thưa GS, ông đánh giá ra sao về những điểm mới trong chương trình này?
+ GS Nguyễn Minh Thuyết: Hai điểm mới tôi thấy tâm đắc ở chương trình này là đã thể hiện được quan điểm Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDPT. Cụ thể trong nghị quyết có nêu lên hai tư tưởng rất quan trọng đó là thực học và dân chủ.
Với chương trình này, học sinh (HS) được thực hành nhiều hơn vì quan điểm người xây dựng chương trình là hướng tới phát triển năng lực và hoàn thiện nhân cách cho mỗi một HS. Đặc biệt, chương trình có thời lượng thỏa đáng dành cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
HS học qua những hoạt động trải nghiệm sáng tạo và thực tế sẽ gắn với thực hành hơn, các em cũng mau chóng trưởng thành hơn…
Điểm thứ hai, tôi thấy chương trình thể hiện được quan điểm dân chủ, để cho mỗi người học được lựa chọn môn học, được tự quyết định phương hướng, nghề nghiệp của mình. Tính dân chủ được thực hiện ở khá nhiều môn tự chọn. Càng lên lớp trên HS được tự chọn môn học ngày càng nhiều.
- Còn điều gì ông thấy băn khoăn?
+ Điều tôi băn khoăn là điều kiện để thực hiện. Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp vật lý, hóa học thành khoa học tự nhiên... Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học.
Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó. Dĩ nhiên để thực hiện điều này ngay từ lúc này các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo. Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có, vì vậy cũng chưa thể có giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm.
Điều kiện khó thực hiện nữa là cơ sở vật chất của các trường như thế nào? Cho đến nay chúng ta biết ở các TP, nhất là TP lớn đất chật người đông, các lớp học rất đông HS, giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực rất khó. Ngược lại, ở miền núi lớp học vắng nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện học tập như thế là thách thức đối với giáo viên khi thực hiện chương trình mới.
Sợ triển khai không kịp năm 2018
- Thưa GS, chương trình năm 2000 đã đưa vào vấn đề phát triển năng lực người học, trong đề án lần này cũng nhấn mạnh hơn phát triển năng lực người học. Chúng ta đã đề ra nhưng dường như thất bại, theo GS liệu chương trình mới có đi vào vết xe đổ?
+ Đúng là năm 2000 chương trình đã đặt vấn đề phát triển năng lực người học, không dạy theo lý thuyết kinh nghiệm mà dạy thực hành, dạy đạo đức thực tế. Đặt ra rồi nhưng người thực hiện không thực hiện nổi ý tưởng của chương trình, mà cụ thể người viết sách. Rồi người dạy không phải ai cũng thực hiện được ý tưởng đấy. Đây là một điều rất đáng lo trong thực hiện. Chương trình tổng thể (CTTT) là tốt rồi, vấn đề làm sao để chương trình các môn học thể hiện được mục tiêu hình thành năng lực người học. Từ khâu viết SGK rồi đến người dạy, đó là câu chuyện rất khó.
- Theo đề án của Bộ GD&ĐT, năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng SGK mới. Tuy nhiên, bây giờ Bộ mới công bố dự thảo CTTT. Thời gian gấp gáp như vậy liệu có đảm bảo chất lượng SGK không?
+ Đây không chỉ là lo lắng của các nhà giáo dục, của xã hội; đây cũng chính là lo lắng của những người đang cầm trịch CTGDPT. Tôi sợ năm 2018 khó lòng có thể bắt đầu triển khai SGK và chương trình mới. Để hoàn thiện CTTT phải mất vài tháng lấy ý kiến dư luận, sau đó mất vài tháng tiếp thu, hoàn chỉnh và thẩm định. Rồi còn khởi động biên soạn chương trình môn học, biên soạn sách, rồi dạy thử nghiệm. Khối lượng công việc rất nhiều mà thời gian thì ngắn.
- CTTT có rút lại số môn, tuy nhiên khối lượng kiến thức liệu có bớt đi, có thực sự giảm tải như mong muốn?
+ Chuyện này phải chờ. Theo tôi nghĩ những gì là lý thuyết, kinh nghiệm thì có thể bớt đi. Với tinh thần của CTTT thì chắc chắn phải có chương trình môn học giảm tải. Nhưng chuyện này không tất yếu vì CTTT quy định như thế nhưng chương trình môn học lại quy định nặng hơn thì rất khó giảm tải. Do đó cần phải chờ chương trình môn học như thế nào.
-Xin cám ơn GS đã trả lời phỏng vấn.
Tôi thích ba phẩm chất chủ yếu của học sinh - Theo GS, chương trình lần này có khắc phục được việc chú trọng dạy chữ mà ít chú trọng dạy người? + CTTT lần này thể hiện rõ tinh thần gắn nội dung dạy học với thực hành, với giáo dục phẩm chất. Tôi cũng hy vọng chương trình này nếu được thực hiện tốt sẽ đạt được kết quả trong việc giáo dục phẩm chất tốt cho HS. Tôi thích tuyên bố rõ ràng của chương trình là hình thành ba phẩm chất chủ yếu của HS, đó là sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm. Tôi nghĩ thế là đủ. Trước đây chương trình đưa ra rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn của con người mới, như vậy loãng mà không thực hiện được. Trong chương trình có một chi tiết mà theo tôi Bộ GD&ĐT nên cân nhắc. Đó là ngay từ tiểu học Bộ muốn xây dựng môn ngoại ngữ hai, tôi sợ rất khó đạt được hiệu quả. |