Cho con ở nhà với ông bà, với người giúp việc hay cho con đi 'bộ đội' là băn khoăn của không ít phụ huynh có con nhỏ về độ tuổi hợp lý để con bắt đầu đến trường, tiếp xúc với bạn, với cô.
Năm học mới gần kề và câu hỏi "Con đi học lúc nào?" luôn làm khó cho các bậc cha mẹ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, đại học Sư Phạm Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.
- Theo bà, trẻ em được bao nhiêu tháng tuổi có thế đến trường học?
Ở CHLB Đức, người ta cho con đến trường mầm non khi vừa 1 tháng tuổi. Tại đó các cô giáo mầm non vừa chăm vừa dạy đúng khoa học và đầy đủ. Tuy nhiên, với điều kiện thiếu thốn của Việt Nam, các cha mẹ cần lựa chọn thời gian đi trẻ cho con không phụ thuộc vào tháng tuổi mà phụ thuộc vào các kĩ năng con đã có. Nếu con có quá ít kĩ năng tự chăm sóc bản thân, độ an toàn của con sẽ vô cùng kém. Vì thế, các cha mẹ cần cẩn trọng khi đưa con đi trẻ.
- Thực tế ở Việt Nam, nhiều gia đình đã phải gửi con đi học từ lúc 15 - 20 tháng tuổi do không có người trông coi. Theo chị, ở tuổi này trẻ có cần điều kiện gì để bố mẹ có thể tự tin đưa con đi học?
Như tôi đã nói ở trên, độ tuổi đi trẻ không quan trọng mà quan trọng là đứa trẻ có kĩ năng gì rồi. Con gái tôi cũng đi trẻ từ lúc 18 tháng. Thời điểm đó, cháu đã biết tự xúc ăn, đi tiểu, rửa mặt, tự cầm túi xách và đi dép đúng chiều. Cháu nói được các câu cơ bản, có nếp ăn ngủ đúng giờ quy định, dễ ăn dễ ngủ. Vì thế, cháu hòa nhập rất nhanh và vững vàng khi vào trường mầm non.
Độ tuổi đi trẻ không quan trọng mà quan trọng là đứa trẻ có kĩ năng gì.
- Nhiều phụ huynh có con chậm nói hoặc lười ăn. Có nên cho trẻ đi học trong tình trạng này không thưa bà?
- Những kĩ năng nói và ăn là cha mẹ cần dạy dỗ con cẩn thận trước khi con đi học. Bởi vì lớp học mầm non của Việt Nam nhiều nơi không đạt chuẩn. Các giáo viên còn lúng túng với việc giáo dục trẻ những kĩ năng cơ bản. Đồng thời, nhiều giáo viên còn kém trong việc chăm sóc trẻ. Cho con đi học khi con chưa thành thục kĩ năng sẽ khiến con vô cùng sợ hãi và ghét lớp học.
- Ngược lại ở nhiều gia đình có ông bà trông coi nên muốn giữ con ở nhà cho "cứng cáp" đến 3 tuổi, hoặc hơn 3 tuổi mới đến trường. Theo bà, điều này có hợp lý không?
- Dĩ nhiên, khi cho con đi học muộn, vô khối kĩ năng cần thiết cho cuộc sống trẻ sẽ bị thiếu hụt. Ngoài ra, ông bà vốn thích ôm ấp, bao bọc cháu. Hơn nữa, suy nghĩ cháu còn nhỏ, yếu ớt sẽ làm hạn chế khả năng dạy kĩ năng cho cháu của ông bà.
Do đó, chắc chắn các cháu không đi học mầm non sẽ ngơ ngác và kém linh hoạt, chủ động hơn các cháu đi học. Con trẻ cần được tham gia cộng đồng càng sớm càng tốt. Cha mẹ cần dạy con kĩ năng cơ bản và cho con tham gia lớp học để con nhanh chóng trưởng thành.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (bên trái).
- Chọn trường cho con là vấn đề đau đầu của không ít các ông bố bà mẹ. Đối với trẻ còn non nớt như vậy, theo bà nên tìm trường như thế nào để cha mẹ an tâm "chọn mặt gửi vàng"?
Để con được quan tâm, chăm sóc tốt, lớp học nên có ít học sinh, các giáo viên được học hành sư phạm bài bản sẽ là nơi tốt nhất cho con. Để nhận biết các trường học này, cha mẹ nên quan sát nơi ăn ngủ và vui chơi của các con trong vài ngày.
Trường học có sân chơi cát, chỗ rửa tay thấp, vừa tầm với trẻ. Phòng học có nhiều dụng cụ học tập hơn là đồ chơi, chương trình học rõ ràng theo từng tuần, từng tháng, sẽ có nhiều khả năng là nơi học tốt. Ngoài ra, các cô giáo hiểu biết tâm lý trẻ, biết cách điều khiển, quản lý trẻ mà không cần quát mắng cũng sẽ là nơi học tốt của con.
- Năm học mới cũng sắp bắt đầu, bà có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh?
- Các cha mẹ cần cho con học kĩ năng sống và đạo đức sống tốt trước khi đi học mầm non. Khi đi học, cần có sự tiếp xúc nhẹ nhàng để tránh cho con bị ốm vì sốc tâm lý khi thay đổi môi trường.
Kĩ năng sống lứa tuổi này nhất thiết phải là tự chăm sóc được bản thân. 6 tháng học bốc ăn, 12 tháng học xúc cho gọn, 18 tháng học ném rác vào thùng, xếp dọn đồ chơi, đi giày dép đúng cách, phân biệt trái phải. 2 tuổi biết tự tắm, tự rửa mặt và đi toilet một mình.
Dạy con chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn là điều đầu tiên mà cha mẹ cần phải làm. Cách dạy sẽ là tự mình tuân thủ thật nghiêm, chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn con thật rõ ràng mạch lạc.
Nếu cha mẹ dán những hình bàn chân lên cầu thang theo 2 đường thẳng (1 đường để đi lên,1 đường để đi xuống) và dạy con cũng như tuân thủ đúng thì con còn học được cả bài học đi đúng phần đường quy định.
- Xin cảm ơn bà!
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: "Từ 12-15 tháng tuổi là giai đoạn trẻ biết đi, biết nói nên thích khám phá mọi vật xung quanh. Khi bé đi học giai đoạn này được gặp bạn cùng trang lứa bé sẽ vui nhanh nhẹn và sức đề kháng sẽ tăng lên. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huệ. Trước khi chính thức cho con đi học, cha mẹ nên đưa bé tới trường để làm quen, bắt đầu từ các góc nhỏ sân chơi. Khoảng 10-15 ngày, bé sẽ thấy quen với trường, với mọi người xung quanh. Trong khoảng 2 tuần đầu tiên đi học, cha mẹ nên cho bé học nửa buổi để tránh cho bé không bị hụt hẫng. Tuần thứ 3 có thể kéo dài thời gian hơn là đón bé lúc 3-4h chiều. Tuy nhiên, sau một tháng, cha mẹ nên cho bé học theo thời gian biểu nhà trường. Dù vậy, việc đón sớm sẽ dễ dẫn đến việc cứ đến giờ trẻ sẽ ngồi ngóng người thân nên tùy từng trường hợp mỗi bé để áp dụng. Nếu thiện cảm với cô và các bạn, bé sẽ nhanh chóng hòa nhập lớp và quên thời gian. Bên cạnh đó, ngày đầu đến trường, cha mẹ nên trao đổi với cô giáo kỹ càng về nếp ăn, ngủ, sở thích của bé. Không cần thiết phải nhắc cô quan tâm, chăm sóc hơn với con mình vì đó là trách nhiệm của cô giáo và trách nhiệm đó sẽ san đều cho tất cả học sinh trong lớp". |