Khi bệnh nhân đang mong manh giữa sự sống và cái chết thì các thầy thuốc phải có quyết định nhanh, chính xác, kịp thời mới có thể cứu sống người bệnh. Điều đó đã làm nên câu chuyện như mơ giữa đời thường.
Cả làng sẵn sàng tiếp máu
Chúng tôi tìm về Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình khi mọi người ở đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện hi hữu về ca mổ, cứu sống sản phụ tại nhà và bày tỏ sự cảm phục đối với ê-kíp các bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu này. Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện của sản phụ Lương Thị Vân (28 tuổi, thôn Hồng Tiến, xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương) được các bác sĩ cứu sống trong đêm 14/3, BS Đỗ Xuân Hạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Có gì đâu anh, đó là trách nhiệm của những người làm thầy thuốc chúng tôi và của bệnh viện”.
BS Hạnh kể: “Nói thật, bây giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn còn thấy... lo lo. Mình sợ khi trong quá trình phẫu thuật có vấn đề gì xảy ra với bệnh nhân thì khổ, nhưng nỗi lo lớn nhất chính là áp lực từ gia đình người thân. Nếu như trường hợp này mổ tại bệnh viện thì bình thường. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật tại nhà, thiếu thốn đủ thứ và quan trọng nhất là điều kiện không được vô trùng. Nhưng giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân, chúng tôi phải nhanh chóng ra quyết định. Nếu hôm đó chỉ cần chuyển bệnh nhân Vân ra khỏi nhà là có thể tử vong”.
BS Đỗ Chí Nghĩa, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình nhớ lại: “Khoảng 8h tối 14/3, nhận được điện thoại của Trưởng trạm Y tế xã Quyết Tiến báo cáo về ca bệnh tại trạm, chúng tôi lập tức lên đường, Sau khi thăm khám, chúng tôi xác định: Bệnh nhân chửa ngoài tử cung và đã bị truỵ mạch. Lúc đó, bệnh nhân đã bị tụt huyết áp rất mạnh, mạch nhanh, gần như xỉu, da nhợt nhạt, đau chướng bụng. Nếu không được mổ kịp thời, bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng tôi lại không thể đưa bệnh nhân lên tuyến trên vì sợ bị trụy mạch dẫn đến tử vong. Sau khi thông báo tình trạng bệnh nhân với gia đình và trao đổi riêng với anh Nguyễn Công Quyền (chồng chị Vân), chúng tôi quyết định mổ ngay nhà. Trung tâm điện thoại về Bệnh viện Phụ sản, Khoa huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh xin hỗ trợ kíp mổ và lượng máu. Trong quá trình phẫu thuật tại nhà, bệnh nhân mất máu quá nhiều nên đã phải truyền đến 2.000ml máu nhóm A”.
Sản phụ Vân được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình. Ảnh: PV
BS Hạnh tâm sự: “Vì mổ tại gia đình nên điều kiện vô trùng không đảm bảo, nguồn ánh sáng lại hạn chế. Một phòng mổ bất đắc dĩ nhanh chóng được chuẩn bị sẵn sàng. Bàn mổ là băng ca cấp cứu, cọc truyền lấy của Trạm Y tế xã Quyết Tiến. Anh em, họ hàng bệnh nhân được huy động tối đa để sẵn sàng tiếp máu khi cần. Bà con hàng xóm cho mượn thau, chậu, người cho mượn bóng điện, dây điện, máy phát điện. Bên ngoài phòng mổ như một công trường xây dựng với hàng trăm người lo lắng theo dõi”.
Người trực tiếp mổ cho bệnh nhân Vân, BS Phí Ngọc Chung cho hay: “Tôi không nghĩ ca mổ để lại nhiều cảm xúc đến vậy. Bên trong, các bác sĩ và kỹ thuật viên đang mổ cấp cứu, ngoài sân thì hàng trăm người vây kín, xung quanh bàn mổ là các loại đèn, thau, chậu, thùng, xô… như một công trường thi công. Ca mổ bắt đầu từ lúc 21h30 đến gần 24h đêm mới xong. May mắn, mọi việc suôn sẻ. Đợi bệnh nhân ổn định, chúng tôi chuyển về theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh”.
“Đây là ca mổ thứ ba của Trung tâm Cấp cứu 115, Khoa Huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình. Ca đầu tiên vào năm 2011, tại huyện Đông Hưng, bệnh nhân lúc đó đang mang thai 32 tuần bị phong huyết tử cung. Ca thứ hai vào năm 2013 tại huyện Vũ Thư, bệnh nhân cũng bị chửa ngoài tử cung và vỡ truỵ mạch”, BS Hạnh cho biết.
“Các bác sĩ đã đưa tôi từ cõi chết trở về”
Có mặt tại Phòng 207, Khoa Điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình, chúng tôi đã thấy nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt của chị Vân. Chị cho biết, sau khi mổ đến nay, chị đã ăn được nhiều hơn, có thể đi lại nhẹ nhàng.
Năm 2012, chị Vân lập gia đình. Tháng 7/2013, chị sinh cháu Nguyễn Nhật Nam là con trai đầu lòng. Lúc mang thai cháu Nam, chị ăn uống sinh hoạt bình thường, người tăng cân và không ốm vặt, nhưng lúc sinh thì lại thiếu 15 ngày và phải mổ. Lúc ra đời, cháu Nam nặng 3,1kg. Đến nay, cháu đã được 33 tháng và cai sữa khỏe mạnh. Vợ chồng tính đến kế hoạch sinh em bé thứ hai và đã xảy ra ca mổ hy hữu này.
Nghĩ lại giây phút mổ tại nhà, chị Vân cười: “Trưa hôm đó, vợ chồng tôi về nhà mẹ ăn cỗ. Đến chiều cứ thấy đau bụng, nghĩ là ngộ độc thức ăn. Nhưng hôm đó mẹ tôi lại bị tụt huyết áp nên gọi cô trạm trưởng y tế vào đo, tiện thể khám cho tôi luôn. Chị trạm trưởng bảo sức khỏe của tôi không ổn, phải đi viện ngay. Gia đình đã gọi taxi, nhưng chị trạm trưởng bảo gọi Trung tâm Cấp cứu 115 là tốt nhất. May mà tôi không đi taxi. Nếu đi, hôm đó tôi có thể tử vong trên xe rồi”.
Vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng về ca mổ cho con gái tại gia đình, bà Nguyễn Thị Sang - mẹ chị Vân cho biết: “Lúc thấy bác sĩ bảo mổ ở nhà tôi, bà nội, em gái và các cô khóc như mưa. Tôi sợ cháu nó bị làm sao. Lúc đó, tôi không biết gì nữa, bác sĩ bảo gì thì làm thế. May mà có các bác sĩ đến kịp thời nên đã cứu cháu nó từ cõi chết trở về”.
“Hôm đó, sân nhà đông kín người. Ai cũng lo lắng, hồi hộp đoán già, đoán non không biết thế nào. Bản thân tôi chỉ sợ cháu nó có vấn đề gì không may. Ai bảo đi mượn thứ gì thì đi mượn thứ đó. Lúc đó có biết gì đâu, chỉ biết khóc thôi”, chị Lương Thị Nhiên, cô ruột bệnh nhân Vân nhớ lại.
BS Trần Thị Thanh – Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình) bộc bạch: “Đây thực sự là ca mổ mà không ai dám nghĩ đến. Bệnh nhân Vân là người được cứu sống từ cõi chết trở về. Nếu như hôm đó chỉ cần di chuyển, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân Vân hồi phục sau mổ rất nhanh, sức khỏe tốt và chỉ vài hôm nữa là có thể xuất viện”.
Chiều 16/3, tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức Lễ khen thưởng đột xuất cho 3 tập thể (gồm: Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Trung tâm Cấp cứu 115, Khoa Huyết học - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và 13 cá nhân có thành tích cứu sống người bệnh. Trong đó, Bệnh viện Phụ sản tỉnh có 3 bác sĩ, 6 kỹ thuật viên.
BS Đỗ Xuân Hạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Chúng tôi không khuyến khích mổ bệnh nhân tại nhà vì nhiều lý do như: Thiếu thốn trang thiết bị, ánh sáng, thuốc men, điều kiện vô trùng không đảm bảo và phải chịu áp lực rất lớn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, khi sự sống và cái chết của người bệnh trong gang tấc thì người thầy thuốc phải có quyết định nhanh, chính xác và kịp thời thì mới có thể cứu sống bệnh nhân”. |