GS Friedhelm Schoeder cho rằng biển miền Trung tương đối an toàn, nhưng cần phải giám sát thêm mới trả lời được câu hỏi đã ăn cá biển được chưa?
Phát biểu tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, GS Friedhelm Schoeder, Viện Nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển của Đức, chuyên gia tham gia vào đánh giá sự cố cá chết ở Việt Nam, cho biết: Biển miền Trung tương đối an toàn. Tuy nhiên cần phải giám sát thêm mới trả lời được câu hỏi đã ăn cá biển được chưa?
Đánh giá về mức độ an toàn của nước biển, GS Friedhelm Schoeder cho biết, trên thực tế đa số vùng biển khu vực này an toàn. Với các thông số từng gây ra sự cố cá chết, thì hiện tại thông số Xyanua đã sạch, thông số Phenol có chiều hướng giảm nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Việt Nam. Tuy nhiên, tại một số địa điểm phải quan sát thêm để xem diễn biến hồi phục của Phenol.
Theo GS Friedhelm Schoeder, có thể bơi lội, tắm biển thoải mái ở khu vực biển miền Trung. Cá nhân ông trong chiều nay, nếu có cơ hội sẽ cơ hội sẽ tắm biển.
GS Friedhelm Schoeder.
Về vấn đề hải sản, GS Friedhelm Schoeder cho rằng, Bộ Y tế phải quan sát thêm, phải lấy mẫu từ biển cũng như thị trường ngoài chợ để phân tích, đánh giá. GS Friedhelm Schoeder cũng khuyến cáo, hiện nay một số các loại cá nhỏ đã quay trở lại. Phải giữ các loài cá nhỏ để thu hút các loài cá lớn nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh việc phân tích mẫu tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng nên lấy mẫu gửi ra các nước khác như Úc, Nhật để đối chứng.
Về nuôi trồng thủy sản, GS Friedhelm Schoeder cho rằng, phải tiếp tục theo dõi đánh giá, phân tích chất lượng nước: "Hy vọng 1-2 tháng có thể nuôi trồng bình thường khi chúng ta kiểm soát được chất lượng nước".
Ngoài ra, GS Friedhelm Schoeder cũng khuyến cáo cần phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra biển, không chỉ với Formosa mà còn tất cả các công trình xả thải ở 4 tỉnh này. Chương trình quan trắc phải tăng tính kết nối, minh bạch, đảm bảo việc kiểm soát, cảnh báo sớm.