Trong khu liên hợp Formosa, cá vẫn chết nhiều trong các kênh mương nối ra biển và cánh đồng. Nhiều nơi trên công trường, rác sinh hoạt, rác xây dựng, bùn thải được nhét chung trong các bao tải.
Cá phơi bụng trong mương, rác chất đống ở công trường
Nhờ dân bản địa giúp đỡ, phóng viên Tiền Phong vào công trường theo đúng quy trình của Formosa đặt ra. Không hổ danh mỹ từ “thành phố gang thép” được gán cho khu liên hợp này, khắp nơi tòa ngang, dãy dọc đồ sộ; các nhà xưởng sừng sững như núi. Xen giữa là đường bê tông láng mịn, sạch sẽ dài hàng chục cây số dành cho ô tô, xe máy và phần lớn là xe đạp lưu thông. Thỉnh thoảng, trên đường còn có các đầu tàu đỏ chói mang dòng chữ “FHS” (Formosa Hatinh Steel Corporation – Liên hiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh) ngang qua.
Dọc theo những mương lớn, thỉnh thoảng, phóng viên nhìn thấy có những con cá to gần bằng bàn tay chết nổi, trắng bợt trên mặt nước. Các tốp công nhân với chiếc vợt cán dài hoặc lội hẳn xuống mương để vớt cá chết và nhặt rác. Những mương nước có cá chết này nối thẳng ra biển, một số điểm thải ra cánh đồng ngoài hàng rào Formosa.
Không khó để tìm ra những khu chứa rác thải trong Formosa những ngày này (khi tỉnh Hà Tĩnh quyết phong tỏa rác của khu liên hiệp). Ngay tại cổng ra vào, các túi đen đựng rác được xếp đống để giữa sân hay mép đường. Rác nhiều, dễ thấy nhất tại các khu vực đang xây dựng. Tại công trường thi công lò luyện cốc (luyện than dạng cát thành than rắn), rác được gom trong những túi trắng lớn có quai (túi cẩu) để rải rác khắp công trường. Quy trình cơ bản nhất là phân loại rác ngay từ đầu nguồn chưa được thực hiện khi nhiều túi cẩu chứa gỗ, giấy vụn, vỏ chai nước lẫn với thùng sơn, vôi vữa và các vật liệu xây dựng khác.
Từ dưới các hầm ngầm sâu hoắm trong công trường lò luyện cốc, công nhân bốc túi bùn, đất vào bao tải màu xanh chất thành đống, nước chảy lênh láng. Bùn chứa chất gì, độc hại hay không, hỏi công nhân, họ chỉ lắc đầu: “Biết răng được”.
Sắp cho Formosa xả rác, làm gì để yên dân?
“Không độc thì không việc chi Formosa cho phép công nhân được nghỉ một vài ngày khi súc đường ống, vận hành lò đốt. Họ nói, nếu ai đi làm những ngày này, nếu thấy tức ngực, chóng mặt, buồn nôn phải báo ngay. Anh em kháo nhau, độc nhất là khói và bùn lắng từ khói nhưng không ai biết chắc độc ra răng nên cứ đi làm, miễn không chậm trả lương là được”, anh H. một công nhân của Formosa, nói với PV Tiền Phong.
Các quán cơm bình dân ngoài cổng Formosa những ngày này luôn râm ran câu chuyện về môi trường. Kỳ Anh là vùng biển, cá mực là thức ăn hằng ngày, nhưng thực đơn của quán xá dành cho cả công nhân Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc Đại lục... đã chuyển dần sang các món ăn không xuất phát từ biển. Chủ quán ăn TH ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, cạnh cổng Formosa nói: “Thỉnh thoảng có vài công nhân Việt Nam ăn cá và mực. Riêng khách Đài Loan và Trung Quốc họ rất sợ. Thấy người Việt ăn, họ hỏi không sợ chết à?”.
Trong những bữa cơm cùng công nhân, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi sát sườn mà hóc búa như sau: Ăn cá ở vùng biển nhiễm độc từ Formosa có an toàn không? Làm sao để có cá an toàn mà ăn? Ăn muối làm từ nước biển nhiễm độc có sao không? Tắm biển có mắc bệnh không?...
Theo nguồn tin của Tiền Phong, ngày 22/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp khẩn để tìm phương án tháo gỡ, để Fomorsa đưa rác ra ngoài. Cuộc họp đặt mục tiêu tìm một các biện pháp bài bản, đúng quy trình; kiểm soát rác đúng địa chỉ nhằm hạn chế tình trạng phải huy động hệ thống chính quyền kiểm tra từng bãi rác như vừa qua.