Ngày 17/2, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã có kết quả giám định lô hàng nghi là ngà voi vận chuyển vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Kết quả xác định, lô hàng là 3 chiếc ngà voi Châu Phi, tổng trọng lượng 4,2kg và là sản phẩm nằm trong Sách đỏ thế giới 2012, ước tính trị giá 2 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/2/2014, Đội Giám sát phối hợp với Tổ Kiểm soát - Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra 1 kiện hàng, trọng lượng 5,800 kg được gửi từ Pháp về Việt Nam cho người nhận tại Hà Nội, khai báo là quần áo.
Tuy nhiên, nhà vận chuyển hàng không đã gửi nhầm kiện hàng đến TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình làm thủ tục chuyển tiếp kiện hàng ra Hà Nội, cán bộ hải quan thấy nghi vấn có mặt hàng cấm nhập khẩu, lãnh đạo Chi cục quyết định kiểm tra thực tế và phát hiện 3 vật màu trắng ngà có hình dáng ngà voi để lẫn trong quần áo.
Ngà voi thường bị buôn lậu bất hợp pháp về nước (ảnh minh họa)
Chi cục đã trưng cầu giám định lô hàng tại Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Theo thông báo của Viện Sinh học nhiệt đới, 3 sản phẩm giám định là ngà voi Châu Phi – Loxodonta africana (Blumenbach, 1797), trong đó 2 chiếc ngà voi dài 45cm, đầu lớn có chu vi 15cm; 1 chiếc có hình dáng ngà voi dài 33,5cm, đầu lớn có chu vi 33cm. 3 chiếc ngà voi Châu Phi nằm trong Sách đỏ thế giới, thuộc diện cấm xuất khẩu, nhập khẩu.
Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh đã tiến hành niêm phong, tạm giữ kiện hàng để xử lý tiếp theo quy định.
Ngày 14/2/2014, đại diện chính phủ Việt Nam và 45 nước khác trên thế giới, bao gồm cả các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ nạn săn bắn và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã, đã cùng nhau cam kết đưa ra hành động khẩn cấp và kiên quyết để giải quyết tình hình buôn bán bất hợp pháp đang xảy ra trên quy mô toàn cầu.
Bản tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra sau hai ngày đàm phán tại Hội nghị London, diễn ra ngày 12 và 13 tháng 2 vừa qua, do chính phủ Anh tổ chức.
Thống kê từ Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên cho thấy, nhu cầu sử dụng hiện tại đối với các sản phẩm từ loài hoang dã nguy cấp như ngà voi, sừng tê giác và cao hổ cốt ở Châu Á tăng là do niềm tin của một bộ phận người dân muốn thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội của mình khi sở hữu sản phẩm từ những loài này, và niềm tin tiềm ẩn vào khả năng chữa bệnh từ sản phẩm của các loài nguy cấp như sừng tê giác và các bộ phận của hổ.
Trong năm 2013, hơn 1.000 con tê giác đã bị giết tại Nam Phi để lấy sừng, và chúng được nhập bất hợp pháp. Ngoài ra, ước tính có khoảng 22.000 cá thể voi đã bị săn trộm. Còn quần thể hổ, hiện tại bao gồm 3.200 cá thể hoang dã đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn do nhu cầu sử dụng các bộ phận từ hổ tăng.