Hiện tại clip lan truyền trên mạng xã hội chưa biết thật giả ra sao, Bộ GD&ĐT đang đề nghị các cơ quan chức năng xác minh thực hư của clip này.
Mới đây MXH chia sẻ đoạn clip dài khoảng 15 giây ghi lại cảnh một nam sinh chửi tục, sau đó tiến thẳng lên bục giảng tát vào mặt một người được cho là cô giáo. Ngay sau khi xuất hiện, đoạn clip trên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, nhiều người bày tỏ thái độ phản đối hành động của nam sinh trên.
Ngoài ra, nhiều người cũng bất bình trước phản ứng của các học sinh trong lớp khi không can ngăn mà thậm chí còn hùa theo trêu chọc.
Một số thông tin cho rằng sự việc trên đã xảy ra từ tháng 4/2020 tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, tuy nhiên phía nhà trường đã phủ nhận thông tin này. “Tôi đã xem clip và khẩn trương xác minh, kết quả khẳng định rằng học sinh trên không phải của nhà trường, cô giáo cũng không phải, đồng phục và lớp học cũng không đúng”, lãnh đạo trường này khẳng định.
Trong ngày 18/2 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ xác minh tính xác thực của clip nói trên.
Bộ GD&ĐT đang đề nghị các cơ quan chức năng xác minh thông tin clip học sinh tát cô giáo.
“Bộ giáo dục và Đào tạo đang đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ xác minh tính xác thực của clip. Sau khi clip được xác minh, nếu sự việc là có thật, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm khắc và thông tin đến các cơ quan báo chí”, công văn Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng gỡ bỏ các thông tin chưa được kiểm chứng và có giải pháp hạn chế clip xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội.
Về góc độ giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết nếu clip là thật thì bản thân ông cũng rất đau lòng như chính mình nhận những lời xúc phạm và cái tát đó.
Theo phân tích của PGS Nam, nếu clip là thật thì cần phải phân tích theo hai góc độ. Thứ nhất, đối với trách nhiệm của phụ huynh có thể đặt câu hỏi liệu bố mẹ học sinh đã từng có hành vi chửi bậy và tát người khác trước sự chứng kiến của học sinh đó không. Phải chăng những hành vi tiêu cực này đã từng xuất hiện khiến nam sinh thấy không có gì phải cấm kỵ, kể cả chịu sự lên án của các thành viên khác trên lớp hoặc bị ghi hình, vẫn thực hiện nó.
Thứ hai, về phía giáo viên, khi thu điện thoại liệu cô giáo có kèm theo lời nói hoặc hành động xúc phạm với học sinh không? Tuy nhiên, dù như thế nào việc học sinh có hành động chửi tục trong lớp học, rồi tát cô giáo là không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu trong trường học đã dạy cho học sinh kỹ năng sống, giá trị sống như thế nào; đã huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho học sinh ra sao. Chúng ta đã dạy cho có hay dạy để thực sự hình thành kỹ năng, năng lực.
Trước mắt, hãy bình tĩnh để người có nguy cơ bạo lực có cơ hội rời đi. Nếu không, chính bạn sẽ rời đi khi đảm bảo rằng các học sinh khác an toàn hoặc gọi người có thể đến ngay để giúp đỡ”, PGS Thành Nam chia sẻ.