Cơ cực những phận đời cào hến mưu sinh

Ngày 03/03/2014 08:17 AM (GMT+7)

“Cái nghề “bạc mệnh” này vất vả, cơ cực lắm, chẳng biết chết khi nào, nhưng vẫn phải làm, không làm thì không có tiền lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày”.

Đó là tâm sự nghẹn đắng của hàng trăm người dân làm nghề “cào hến” ở thôn Vân Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội. Dù biết là vất vả và nguy hiểm luôn rình rập nhưng hàng ngày hàng trăm người dân nơi đây vẫn phải bám riết với nghề trên kênh nước Sông Hồng, tất cả chỉ vì miếng cơm mạnh áo.

Chìm nổi với con nước

Ngày nào cũng vậy, công việc của người “phu hến” bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào khoảng 2, 3h chiều.Một ngày theo chân những người phụ nữ cào hến tôi mới thấu hiểu được sự vất vả, cơ cực cũng như sự nguy hiểm của cái nghề “bạc mệnh” này.

Dụng cụ làm nghề của họ rất đơn giản, chỉ một chiếc cào hến bằng sắt (có cán cầm dài khoảng 50 cm) được nối với một sợi dây trạc dài khoảng hơn 10 mét, đầu dây còn lại buộc vào người, một chậu nhựa (hoặc nhôm) để đựng hến cũng được buộc dây vào người.

Cơ cực những phận đời cào hến mưu sinh - 1

Kênh nước Sông Hồng, nơi hàng ngày có hàng trăm người phụ nữ vất vả, quên mình cào hến mưu sinh.

Theo quan sát của phóng viên, để bắt được những con hến nằm sâu dưới lòng đất phải ngâm mình dưới nước cả ngày, đôi tay nắm chắc cán chiếc cào, dùng lực ghì mạnh xuống đáy kênh, cùng nhịp đôi chân lùi về phía sau. Rồi phải gồng mình đứng dậy từ từ kéo chiếc cào từ đáy sâu cùng nhiều bùn, cát và rác thải lên lập lờ mặt nước, không nghỉ tay họ nhanh nhẹn, thuần thục sóc lên sóc xuống, đãi, trà để lọc lấy những con hến.

Cô Nguyễn Thị Hải, 42 tuổi, với hơn 10 năm trong nghề, cho biết: “Cả ngày ngâm mình dưới nước, nước vơi còn đỡ chứ nước đầy thì nguy hiểm lắm. Cào hay quăng đều mệt vì kéo theo nhiều bùn, cát và các loại rác thải nên rất nặng. Trước kia ít người đi bắt thì còn bắt được nhiều, giờ nhiều người bắt ngày nhiều chỉ được 10kg thôi. Lái buôn đến tận nhà mua với giá 6.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày cũng chẳng kiếm được là bao, chỉ đủ tiền rau dưa thôi”. Vừa dứt lời, cô Hải thở dài một tiếng rồi lại nhanh chóng chìm dần xuống nước tiếp tục cộng việc.

Khi quá mệt vì phải dùng sức để cào, những nữ “phu hến” chuyển sang quăng hay ngâm hẳn mình dưới nước một lúc lâu để mò. Không ai bảo ai cứ như thế họ miệt mài chìm nổi với con nước.

Nhịn đói, quên mình mưu sinh

Nông nghiệp thất thu, không nghề nghiệp, cái đói, cái nghèo đeo đẳng đã đẩy nhiều người dân xã Trạch Mỹ Lộc đến với nghề cào hến, cái nghề mà họ gọi là “bạc mệnh” để mưu sinh.

Bỏ chiếc khăn bịt kín mít trên mặt, lộ rõ khuôn mặt tím tái vì lạnh, bác Thà (55 tuổi), người có 20 năm ngụp lặn cùng con nước, tâm sự: “Cái nghề này bạc lắm, chẳng biết chết khi nào đâu, nghĩ mà nước mắt chảy dài. Ngâm mình dưới nước cả ngày về chân tay nhăn nheo, nhợt nhạt nhìn sợ lắm, tối nằm ngủ khắp người ê âm, tức ngực, nghẹt thở do tức nước. Làm nghề này vất vả lắm, ngày chỉ kiếm được 50, 60 nghìn đồng thôi nhưng chúng tôi không bỏ được, bỏ thì không biết làm gì cả”.

Cơ cực những phận đời cào hến mưu sinh - 2

Khi khá mệt vì cào họ sẽ chuyển sang quăng hoặc ngâm mình dưới nước một lúc lâu để mò.

Theo lời bác Thà, hầu như ai làm cái nghề “thổ tả, tà địa” này cũng đều bị bệnh đau lưng, đau khớp, bệnh da liễu và chuyện đứt chân do giẫm phải mảnh chai, mảnh sành, thủy tinh thì như cơm bữa, thậm chí bỏ cả mạng. “Mấy năm gần đây trên đoạn kênh này có tới 5 người chết đuối do trong lúc cào hến bị trượt chân xuống hố sâu. Năm 2013 cũng có một người chết khi mới 27 tuổi. Giờ chúng tôi đi theo nhóm hai hoặc ba người để có thể giúp đỡ nhau lúc khó khăn nhưng cũng không biết trước thế nào được”, bác Thà buồn bã nói.

Tiếp câu chuyện của bác Thà, cô Nguyễn Thị Hải nói trong nghẹn ngào: “Năm 2013, thằng con học lớp 5 nhà tôi biết chuyện có người chết do đi cào hến, nó bảo tôi 'mẹ đừng đi cào hến nữa nhé nguy hiểm lắm'. Nghe nó nói mà lòng tôi như thắt lại. Biết là nguy hiểm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn trong khi phải chạy ăn từng bữa, hàng ngày biết bao nhiêu khoản chi tiêu lại tiền học của ba đứa con nữa. Thôi thì đời mình đã khổ đành cố gắng lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, mong sao sau này chúng có nghề nghiệp ổn định”.

Không ngần ngại tâm sự về những khó khăn, vất vả của nghề, cô Hải nói trong tủi phận: “Khổ nhất là mùa đông, vừa cào hến vừa run, hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập, môi ai cũng thâm tím vì lạnh. Nhìn người ta đi đường mặc áo đông, áo tây mình thì ngâm mình dưới nước lạnh buốt, nghĩ mà tủi thân muốn khóc”.

Hơn 11h trưa, dưới thời tiết lạnh cắt da, cắt thịt, những người phụ nữ vẫn ngâm mình dưới dòng nước lạnh. Khi nghe tôi hỏi về bữa cơm trưa, cô Bùi Thị Đông, 47 tuổi, chỉ tay lên những chiếc xe đạp cà tàng để trên bờ gần đó, cười nói: “Chú có nhìn thấy những chai nước trên giỏ xe không, bữa trưa của chúng tôi đấy. Chúng tôi nhịn bữa trưa, chỉ mang chai nước lúc nào khát thì lên uống rồi lại xuống làm tiếp. Khổ lắm, xe đạp để trên bờ, mình thì lúi húi ở dưới và phải di chuyển xa, chỉ nháng không để mắt tới một tý là bọn nghiện hút nó lấy mất ngay, ở đây nhiều người bị mất xe rồi”.

Hàng trăm người phụ nữ chân yếu tay mềm lại đa phần là người già và trung tuổi, người cào, người quăng, người thì mò tất cả đều nhịn đói ngâm mình dưới nước. Dẫu biết cái nghề này lắm nguy hiểm nhưng không ai dứt ra được. Vì cuộc sống của gia đình và tương lai của các con thì dù vất vả đến mấy những nữ “phu ngao” vẫn có thể chịu đựng được…

Theo Đỗ Đức - Hải Đăng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan