Lẫn trong nhịp sống sôi động hằng ngày vẫn còn đâu đó những mảnh đời thiếu may mắn đang mải miết mưu sinh quên mất tuổi.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng lý các cụ phải nghỉ ngơi, nhưng đâu đó giữa dòng đời sôi động, ta vẫn bắt gặp những cụ già vẫn còn lao động, không ngại tuổi tác, sức khỏe…
Bà cụ 30 năm sống chết với một gánh bún
Gánh bún ốc của bà Oanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc
Hơn 70 tuổi, với trên 30 năm bán bún ốc nhưng từ trước tới nay bà Oanh đều độc lập tác chiến. Từ chuyện dậy sớm đi mua đồ, rồi nấu nướng chuẩn bị cho đến bán hàng, rửa bát đều một tay bà làm hết.
Hơn 30 năm trời ngồi bán bún ở cổng chợ bưởi đã trở thành một thói quen, một nhu cầu cố hữu của bà Oanh mà đến bây giờ khi không còn phải lo cơm áo gạo tiền bà cũng không thể nào bỏ được cái gánh bún của mình. Dù gia rồi, lại yếu nữa nhưng dù mưa hay nắng, hôm nào bà cũng dọn hàng đều đặn.
Bà chia sẻ: "Mỗi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, mỗi lần con cái làm mình làm mẩy không cho bán nữa, tôi lại nhớ đến mấy đứa nhóc là khách quen vẫn thường bảo: “Sau này bà không bán nữa thì bọn cháu biết ăn ở đâu bây giờ”.
Gần 40 năm, bà Tư "rác" quét dọn phố phường
Bà Nguyễn Thị Điểu, mọi người gọi bà với cái tên trìu mến là bà Tư rác (77 tuổi, ở khu phố 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, Tp. HCM) tóc bạc trắng, chân tay gầy gò run run, gương mặt sạm nắng, móm mém khắc khổ.
Gần 40 năm qua, bất kể ngày mưa hay ngày nắng bà vẫn đẩy chiếc xe ba bánh đi quét dọn rác trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức. Bà đã tình nguyện đến với công việc làm sạch phố phường mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào.
Bà "Tư rác" đã tình nguyện làm công việc này gần 40 năm qua.
Tuy sức khỏe đã yếu nhưng ngày nào bà cũng đi quét dọn từ sáng đến trưa, rồi từ chiều đến tối, bà quét dọn sạch sẽ đường Võ Văn Ngân đoạn từ chợ Thủ Đức đến ngã ba Thủ Đức.
Thấy bà già hết quét dọn lại oằn mình đẩy chiếc xe đầy rác giữa trưa nắng chang chang, mặt nhễ nhại mồ hôi, nhiều người cảm động nên cho bà tiền. Họ ngỡ tưởng bà sẽ vui vẻ nhận tiền nhưng không ngờ lại còn bị "ăn mắng".
Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin hiến xác
Già cả, không người thân thích, nhiều lần bà Thanh bị chủ nhà trọ từ chối cho thuê phòng vì chỉ "sợ bà cụ chết". 25 năm, bà lão 83 tuổi ngày ngày ngồi cân trước cửa khu bách hóa để kiếm đủ 800.000 đồng trả tiền thuê trọ.
Bà gắn bó cuộc đời với chiếc cân và vỉa hè Bách hóa Thanh Xuân đã 25 năm qua.
Hơn 25 năm qua, cụ Đinh Thị Thanh (quê ở Thái Bình) ngồi cân nhờ ở vỉa hè Bách Hóa Thanh Xuân. Bệnh khớp hành hạ thân già khiến cụ thấy mệt mỏi nhưng "đau cũng kệ" vì "tiền đâu mà mua thuốc". Hiện nguyện vọng lớn nhất của bà cụ là "được chết" và "hiến xác cho y học". Cụ chia sẻ, nhiều lần viết đơn xin hiến xác gửi Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa được chấp thuận.
Hiện, nguyện vọng lớn nhất của bà cụ có "thâm niên" 25 năm đi cân là... "được chết" và "hiến xác cho y học". Cụ Cân chia sẻ, nhiều lần viết đơn xin hiến xác gửi Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa được chấp thuận.
"Tôi thích thế. Đọc báo nên tôi biết nhiều người khổ lắm, có người hỏng mắt, hỏng thận. Tôi muốn cho họ để người ta đỡ tiền tí nào hay tí đó. Tôi không sợ chết, chỉ sợ ốm dài ngày", bà lão 83 tuổi tâm sự khi màn đêm đang buông xuống trên con đường tấp nập xe cộ lúc tan tầm.
Bức ảnh khiến lòng người nặng trĩu trước đêm trung thu
Không chỉ hình ảnh trẻ thơ khiến mọi người động lòng trắc ẩn, mà hình ảnh về cụ già mải miết lê từng bước đi bán đồ Trung thu kiếm "miếng cơm manh áo" qua ngày cũng khiến ta phải lặng người. Bằng tuổi của cụ, những người có số phận may mắn hơn được vui vầy cùng con cháu, được ngắm nhìn trẻ thơ vui đùa, được tặng những món quà xinh xắn cho cháu chắt nhân dịp Tết Trung thu. Nhưng cụ bà nhỏ bé chỉ mong chờ bán được đồ chơi giữa phố phường đông vui, để mong bớt cơ cực, vất vả...
Hình ảnh cụ bà già nua, yếu ớt mải miết lê từng bước đi bán đồ Trung thu kiếm "miếng cơm manh áo" qua ngày cũng khiến nhiều người động lòng trắc ẩn.
Hình ảnh thấm thía nỗi cô đơn của bà cụ khiến nhiều thế hệ trẻ, những cư dân mạng cảm thấy nặng trĩu. Bức ảnh được đăng lên trên facebook chưa đầy 5 tiếng đã nhận được 1.635 lượt like và 430 lượt chia sẻ. Hình ảnh của cụ đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng như một lời nhắc nhở đến những người con, người cháu, hãy biết thương yêu ông bà của mình, hãy biết trân trọng những người mà mình yêu thương khi còn có thể.
Người mẹ mù 90 tuổi nuôi con bại não
Bà cụ mù Nguyễn Thị Đắp (95 tuổi), thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày ngày phải lặn lội ngược xuôi nuôi đứa con tật nguyền đã 50 tuổi.
Rơi nước mắt cảnh người mẹ mù 94 tuổi nuôi con bại não
Năm nay bà cụ mù Nguyễn Thị Đắp, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã 94 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu đùm bọc, chăm sóc, nâng niu, vỗ về, nhưng chuỗi ngày chìm dài trong nỗi tủi cực của cụ vẫn chưa dứt bởi trên đôi vai chưa một lần được hưởng niềm vui của cụ còn có một người con tật nguyền đã hơn 50 tuổi mà vẫn cần mẹ chăm sóc.
Ngày nắng cũng như mưa, người mẹ mù lặn lội ngược xuôi kiếm bát gạo, đồng tiền lo thuốc thang cho Hậu. Cụ Đắp bảo "ngày trước ai thuê cái gì thì làm nấy từ phụ hồ, chăn trâu cắt cỏ, đi cày thuê…
Nhưng hơn 30 năm nay, kể từ khi đôi mắt bị mù lại thêm căn bệnh phong, bệnh thấp khớp lúc trái gió trở trời hành hạ nên chẳng làm được gì nữa". Thấy hoàn cảnh cụ, bà con chòm xóm kẻ cho bát gạo, người cọng rau nhưng chỉ được một vài bữa. Nhà không còn gì đáng giá, có lần cụ Đắp nghe tin ở xóm vạn chài Phù Vân hay bán máu để lấy tiền nuôi thân nên cụ cũng lần mò tìm đến. Thấy cụ đã già, lại không đủ sức khỏe nên người ta khuyên cụ về… người con gái thứ hai lấy chồng xa nên cũng chẳng giúp đỡ được nhiều cho mẹ và em trai.
Cụ bà 100 tuổi bán vé số mưu sinh bên lề xã hội
Ở thành phố Tân An, người ta bảo rằng bà cụ này là người bán vé số thâm niên nhất và cũng là người bán vé số lớn tuổi nhất của tỉnh.
Tên cụ bà là Trần Thị Hy, quê ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Theo lời cụ, năm 2011 này cụ được 100 tuổi. Cụ sinh được 8 hay 9 người con, cũng không còn nhớ rõ, hiện tại thì có 2 người con còn sống, cũng đã trên 60 tuổi và không ở cùng cụ. Thời còn trẻ, cụ bà buôn bán ngoài chợ, còn chồng thì làm nghề mộc, họ sinh gần chục mặt con.
Người bán vé số lớn tuổi nhất Long An
Vài chục năm nay, sáng nào cụ cũng đến đại lý vé số nhận vé đem bán, cuộc sống lây lất bữa đói bữa no. Hơn 10 năm nay, tuổi đã quá cao, đau bệnh liên miên nên mỗi ngày cụ Hy chỉ có thể bán được vài chục tờ, tiền lãi hôm nào nhiều thì mua gói mì làm canh, còn không thì cụ mua ổ bánh mì gặm cho qua bữa.
87 tuổi mù loà mò mẫm đầu đường xó chợ xin ăn
Chiều tà cụ bà khiếm thị Trịnh Thị Nhượng, 87 tuổi ở thôn 3 - xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa hằng ngày vẫn mò mẫm xin ăn ở các chợ.
Bà còng khiếm thị một đời sống đơn thân trong bóng tối....
Mù bẩm sinh khi vừa lọt lòng mẹ, đến năm 17 tuổi bố mẹ lần lượt ra đi để lại một mình cụ vò võ một mình. Hằng ngày, bà cụ cứ tha thẩn, lọ mọ đi kiếm ăn. Bà cụ mù lòa không ít lần bị đâm, bị trượt chân ngã, bị ngã xuống ao... Bà chết đi sống lại bao nhiêu lần trên đường đi xin ăn.
Bà cụ chia sẻ: "Nếu được ước... tôi sẽ ước một lần thôi tôi được nhìn thấy ánh sáng. Được nhìn thấy những người bà con đã cưu mang cả đời tôi. Để tôi cảm ơn họ. Và nhất là tôi muốn nhìn thấy con đường hàng ngày tôi vẫn mò mẫm đi xin ăn..."