Gần 4 năm chạy khắp các viện, chị Ánh (25 tuổi – TP.HCM) không thể tìm ra căn bệnh khiến chị “mót tiểu” 50-70 lần/ngày.
Chấp nhận sống chung với bệnh lạ
Cách đây 4 năm, chị Ánh (25 tuổi – TP.HCM) rơi vào tình trạng không thể đi tiểu như người bình thường, kèm theo triệu chứng đau buốt. Khi không chịu nổi cơn đau vì không thể đi tiểu được, gia đình đưa chị vào Bệnh viện (BV) Hóc Môn cấp cứu. Tại đây, bác sĩ khám bệnh và chẩn đoán chị bị nhiễm trùng đường nước tiểu.
Chị Ánh nhớ lại: “Ngay sau khi uống thuốc bác sĩ kê, mình đã đi tiểu được ngay. Thấy vậy, họ khuyên nhập viện để theo dõi tiến triển bệnh nhưng mình từ chối vì điệu kiện gia đình. Về nhà, mình tiểu nhiều hơn trước đó. Dần dần, mình “mót” đến độ mỗi ngày đi khoảng 40-50 lần. Hoảng sợ, mình đã lên mạng tìm hiểu dấu hiệu của bệnh, sau đó đến BV Bình Dân để khám cho đúng căn bệnh”.
Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị Ánh bị viêm bàng quang cấp tính, cần phải điều trị khẩn cấp. Chị buộc phải bảo lưu kết quả học, dành toàn bộ thời gian trị bệnh. Chị bảo, uống thuốc một thời gian, tần suất đi tiểu giảm còn khoảng 30 lần/ngày.
Đến đơn thuốc thứ 5, chị Ánh bị dị ứng với 1 loại thuốc và phải quay trở lại BV Bình Dân. Lần này, một nam bác sĩ đã khám bệnh và khẳng định do tâm lý nên đi tiểu nhiều, chứ không phải bệnh lý. Nản trí, chị quyết định buông xuôi, mặc kệ tình trạng đi tiểu nhiều lần.
Gần 4 năm chạy các viện, chị Ánh (25 tuổi – TP.HCM) không thể tìm ra căn bệnh khiến chị “mót tiểu” 50-70 lần/ngày
“Thực sự rất mệt mỏi, mình đã đi viện, gặp nhiều bác sĩ và uống đủ các loại thuốc nhưng bệnh ngày càng nặng hơn. Thậm chí có những đêm, mình thức trắng vì liên tục buồn đi tiểu.
Mỗi lần đi khám, mình hi vọng bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và trị dứt điểm. Tuy vậy, chẳng có một hi vọng nào giúp mình vững tin. Cuối cùng, mình quyết định dừng lại, chấp nhận sống chung với việc đi tiểu 30 lần/ngày”, chị tâm sự.
Tần suất đi tiểu 50-70 lần/ngày
Năm 2015, số lần chị Ánh đi tiểu trong ngày bắt đầu nhiều hơn, thậm chí lên đến 50-70 lần/ngày. Biết tình trạng bệnh không ổn, chị 1 lần nữa vào BV Bình Dân khám. Bác sĩ yêu cầu lấy nước tiểu đi cấy làm xét nghiệm vì nghi ngờ bị nhiễm trùng và yêu cầu nhập viện để tiêm thuốc.
Sau 10 ngày điều trị, bác sĩ cho chị đi cấy lại nước tiểu và chuẩn đoán trong nước tiểu có nấm nhưng không rõ là loại nấm gì. Họ đã chuyển chị qua BV Nhiệt đới. Chị kể: “Mình nằm tiếp ở BV Nhiệt đới 10 ngày nhưng bác sĩ không phát hiện ra vi khuẩn nấm trong nước tiểu. Đồng thời, tần suất đi tiểu nhiều lần vẫn như vậy. Họ giới thiệu qua bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đây, mình gặp một nam bác sĩ. Sau khi mô tả biểu hiện của bệnh suốt 2 năm qua, vị bác sĩ này kết luận mình bị bàng quang tăng hoạt (to hoặc nhỏ - PV) và cho đơn thuốc về uống.”
Không dừng lại, chị Ánh vẫn tiếp tục quay trở về khu kỹ thuật cao của bệnh viện Bình Dân. Chị gặp một vị bác sĩ khác. Lần này, họ chuẩn đoán chị bị viêm bàng quang (đái tháo nhạt – PV) và khuyên sang BV chợ Rẫy nhưng chị từ chối.
Sau đó, chị lại tiếp tục được giới thiệu qua BV Hòa Hảo để đo áp lực đồ bóng đái. Cầm kết quả trở về BV Bình Dân, bác sĩ điều trị đã giới thiệu chị qua một nữ bác sĩ chuyên khoa Niệu của BV Bình Dân. Bác sĩ chẩn đoán chị bị Hội chứng bàng quang tăng hoạt, cho uống thuốc gần 4 tháng kết hợp đốt niêm mạc bàng quang, nội soi bàng quang. Tuy vậy, tần suất chị đi tiểu vẫn gấp 7- 8 lần người bình thường.
Họ quyết định xin ý kiến của bệnh viện và đặt thuốc từ nước ngoài về để điều trị và tiến hành mổ bàng quang. Chị cho hay, phẫu thuật xong, chị chỉ còn đi tiều khoảng 40 lần/ngày. Bên cạnh đó, chị có tham gia tập săn chắc vùng chậu.
Phẫu thuật xong, chị chỉ còn đi tiều khoảng 40 lần/ngày. Bên cạnh đó, chị có tham gia tập săn chắc vùng chậu
2 tháng sau, thuốc ngấm dần vào người chị Ánh, tần suất “mót tiểu” chỉ còn 12-13 lần/ ngày. “So với người bình thường, số lần đi tiểu của mình vẫn là nhiều. Nhưng với tình trạng bệnh trước kia, mình đã chữa trị thành công đến 90%. Sau bao khổ cực, mình đã có thể cân bằng lại việc đi tiểu”, chị Ánh tâm sự.
Hiện tại, chị Ánh vẫn đang duy trì uống thuốc để không còn cảm giác mót tiểu, khó chịu. “Căn bệnh này chiếm 16% trên thế giới. Nó sẽ theo mình suốt cả cuộc đời. Dù sao, mình vẫn vui vì có thể duy trì được lượng đi tiểu của mình để có thể làm việc và sinh hoạt cuộc sống ổn định”, chị cho hay.
Theo các nghiên cứu y khoa, Hội chứng bàng quang tăng hoạt có bốn biểu hiện chính: tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu dữ dội, không nhịn tiểu được, phải đi liền), tiểu nhiều lần (người bình thường đi 8 lần/ngày, nhưng người bệnh đi 20-40 lần/ngày), tiểu đêm (phải thức dậy để đi tiểu nhiều lần trong đêm khiến người bệnh mất ngủ) và người bệnh có thể kèm theo tiểu gấp không kiểm soát (tiểu són vì không kịp vào nhà vệ sinh). Ngoài ra, nó có thể có biểu hiện của bệnh lý khác như nhiễm trùng tiểu, viêm đường tiết niệu, tăng sinh tuyến tiền liệt (nam giới), bàng quang thần kinh (do nguyên nhân thần kinh khiến cơ bàng quang hoạt động bất thường), sa bàng quang (ở phụ nữ), bế tắc đường tiểu, có sỏi hoặc u bàng quang, tiểu nhiều sau chấn thương cột sống hoặc sau tai biến mạch máu não... Hiện tại, có rất nhiều người bệnh bị hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn (không tìm ra nguyên nhân). Để tìm nguyên nhân gây bệnh đi tiểu nhiều lần, bệnh nhân phải được khám lâm sàng kỹ, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh,… Nếu bàng quang tặng hoạt do các bệnh lý gây ra, người bệnh sẽ phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật sẽ khỏi bệnh. Trường hợp không tìm ra nguyên nhân sẽ được kết luận là hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn. Dù hội chứng không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng có thể khiến bệnh nhẫn dễ bị trầm cảm, gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập, rối loạn giấc ngủ,…thậm chí không dám gần chồng vì tâm lý mặc cảm. |