"Quần áo cũ kĩ, nhiều em đi chân đất. Mặc dù em không có bánh thì được phát sữa nhưng nhìn ánh mắt thèm thuồng của các em, lòng tôi thấy nghèn nghẹn, sống mũi thấy cay cay"...
Tâm sự của cô Trần Thị Thanh, giáo viên trường tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Nam Định khi chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của học sinh tại Nghệ An đã khiến nhiều người xúc động. Cô không giấu được nghẹn ngào khi chia sẻ cảm xúc trong lần trao quà từ thiện cho các em vùng sâu vùng xa.
Tham gia trong nhóm “Hè yêu thương”, cùng một số các giáo viên tiểu học trong toàn quốc, là trưởng nhóm tại Nam Định, tôi nhận nhiệm vụ kêu gọi vận động mọi người ủng hộ và tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà cho các em học sinh trường tiểu học Mậu Đức, Con Cuông, Nghệ An.
Sau gần một tháng chuẩn bị, 6h30 sáng ngày 6/8 đoàn chúng tôi đã có mặt tại trường tiểu học Mậu Đức. Đón chúng tôi có thầy hiệu trưởng Bành Đức Hoài, cô phó hiệu trưởng Vi Thị Vấn, các thầy cô giáo cùng một số em học sinh trong nhà trường.
Học sinh nơi đây bạn nào cũng lem nhem nhưng đều rất ngoan. Gặp chúng tôi, các em đều lễ phép chào: “Con chào cô!” với giọng nói thật dễ thương.
Những món quà ý nghĩa đến tay học sinh trường tiểu học Mậu Đức, Con Cuông, Nghệ An.
Chúng tôi tiến hành buổi lễ trao quà cho các em trong không khí vui tươi, rộn ràng. Khi cô tổng phụ trách Đội nói: “Ai muốn lên hát tặng các thầy, các cô nào”. Tôi thật bất ngờ khi hàng loạt cánh tay giơ lên. Tôi càng phấn khích hơn khi em nào cũng hát rất hay và rất hồn nhiên, đến nỗi tôi không thể kìm được liền cầm mic lên hát cùng các em. Và cứ thế, tôi say sưa hát cùng với hết em này đến em khác. Nhìn nét mặt hồn nhiên, thơ ngây và ánh mắt háo hức của các em tôi thấy yêu vô cùng.
Chúng tôi trao quà cho các em ở điểm trường chính. Mỗi phần quà được trao chúng tôi đều nhận được lời nói vô cùng ngoan ngoãn, dễ thương: “Con xin cô!” và ánh mắt biết ơn khiến tôi thấy nao nao trong lòng.
Tạm biệt các em ở điểm trường chính, chúng tôi sang trao quà cho các em ở điểm trường lẻ. Con đường đi sang điểm trường lẻ thật không dễ dàng vì đường lầy trơn do mưa hôm trước chưa kịp khô.
Hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi bước vào trong sân trường là các em học sinh với những bộ quần áo cũ kĩ và có rất nhiều em đi chân đất. Cả đoàn chúng tôi lặng đi, ai cũng rưng rưng.
Chúng tôi hỏi nhau có mang cái này cái kia sang đây không, và rồi ai cũng tiếc nuối bảo biết thế mình mang sang đây phát cho các con luôn.
Trong sân trường còn có mấy cụ già cũng đến chơi. Qua nói chuyện chúng tôi được biết các em ở đây hoàn cảnh rất khó khăn và có nhiều gia đình không đủ ăn. Có em nhà xa phải đi bộ từ sáng sớm mà đến trường vẫn bị muộn giờ. Những hôm trời mưa đường lầy trơn không thể đi nổi. Tuy vậy các em vẫn cố gắng đến trường.
Mặc dù trong mỗi phần quà tặng các em đều đã có một gói kẹo, nhưng tôi vẫn quyết định cử hai bạn quay lại xe ô tô đang đỗ ở điểm trường chính để lấy toàn bộ đồ ăn, sữa mà chúng tôi chuẩn bị cho đoàn và dép mà chúng tôi gửi lại nhà trường.
Không quản ngại đường xa khó đi, hai bạn nam nhanh nhẹn quay lại xe. Cũng may đoàn chúng tôi mang rất nhiều đồ ăn nên trên xe còn khoảng gần bốn chục chiếc bánh mì cùng gần một thùng sữa đậu nành chia làm đôi, làm ba phát cho các em. Em không có bánh thì uống sữa. Nhìn ánh mắt thèm thuồng của các em, nhìn các em ăn ngon lành, lòng tôi thấy nghèn nghẹn, sống mũi thấy cay cay.
Sau khi phát quà, tôi nói: “Em nào không có dép bước lên đây”. Các em rụt rè đi lên xếp một hàng dài. Chúng tôi ướm chân từng em và tặng dép cho các em. Ánh mắt các em ánh lên niềm vui sướng. Tiếc là chúng tôi chỉ có gần ba chục đôi dép nên không đủ để phát hết cho học sinh. Chỉ thầm bảo nhau, lần sau nhất định phải mua tặng mỗi em một đôi dép.
Rất nhiều học sinh đến trường không có dép đi.
Chia tay các em ở điểm trường lẻ, chúng tôi đến thăm các hộ nghèo trong xã. Nhìn gia cảnh của họ chúng tôi cảm thấy vô cùng ái ngại. Mái lá đơn sơ dột nát, nhà trống huếch trống hoác không một tài sản có giá trị. Có nhà thì nhà sàn đơn sơ, tối và ngột ngạt vì bếp củi đun ngay cách giường ngủ chỉ khoảng hơn một mét.
Tuy phần quà trao tặng cho các hộ nghèo cũng đã khá nhiều rồi nhưng chẳng ai bảo ai, những người trong đoàn, người ít người nhiều rút tiền ra tặng.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết, hàng năm các thầy cô phải bỏ tiền ra mua sách vở giúp các em đến trường. Cuối năm phụ huynh mới có tiền trả và cũng có gia đình không trả được. Phần lớn các gia đình vào rừng làm rẫy, có khi hàng tháng mới về, nên việc học tập của các em rất khó khăn.
Chúng tôi chia tay các thầy cô giáo trường tiểu học Mậu Đức ra về trong lòng bao lưu luyến và bao trăn trở. Yêu những con người ở nơi đây hiền lành, mến khách, các em học sinh ngoan ngoãn, hồn nhiên. Thương những cảnh nhà quá khó khăn thiếu thốn, các em sống nghèo khó mà vẫn cố gắng học hành. Cả đoàn ai cũng trầm ngâm, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ khác nhau. Nhưng tất cả chúng tôi đều có suy nghĩ mong muốn sẽ có dịp quay trở lại đây và sẽ cố gắng làm được nhiều hơn nữa cho các em.
Trường tiểu học Mậu Đức, Con Cuông, Nghệ An, chủ yếu học sinh là dân tộc Thái, một số dân tộc Nùng. Năm học 2014-2015, toàn trường có 456 học sinh thì có khoảng 250 em thuộc hộ nghèo. Trong đó có 145 em quá nghèo được chương trình SEQAP tài trợ 10.000 đồng/bữa cơm trưa. |