Nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cho rằng việc áp dụng qui định thời tiết cứ dưới 10 độ là cho học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học là không thực sự cần thiết, gây xáo trộn gia đình vì phải bố trí người trông trẻ.
Nghỉ học là không cần thiết?
Liên tiếp từ ngày 25 đến 27/1, các tỉnh miền Bắc đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh, kéo dài. Nhiều nơi ở vùng núi nhiệt độ xuống -4 độ C. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ xuống thấp nhất 5,4 độ C. Nhằm đối phó với rét, nhiều địa phương đã cho phép học sinh nghỉ học, cấp mầm non, tiểu học, nhà trường cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Tuy nhiên, việc cho phép học sinh nghỉ học cũng gây ra nhiều lúng túng, vì các gia đình không thể bố trí người trông con, bố mẹ vẫn phải đi làm.
Cho rằng quy định học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học thời tiết dưới 10 độ C là cứng nhắc, PGS.TS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, ông chưa thấy quy định cụ thể nào của ngành Giáo dục cho phép dưới 10 độ C là học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ. Theo ông, ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhiệt độ thời tiết dưới 4 độ C nhưng học sinh kể cả trẻ nhỏ vẫn đi học bình thường. Ở nước ta, khi nhà trường cho nghỉ học, các em ở thành phố được phụ huynh cho ở nhà, trong phòng ấm. Trong khi đó, trẻ ở nông thôn, vùng cao vẫn phụ giúp việc gia đình cho bố mẹ trong thời tiết giá lạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời tiết dưới 10 độ C cho học sinh nghỉ học là không thực sự cần thiết. Ảnh: Q.Anh
Cũng theo PGS Văn Như Cương, chúng ta cần cho trẻ em rèn luyện sức chịu đựng với môi trường, không phải cứ thấy rét là lại cho các em ngồi ở nhà sưởi ấm, không ra ngoài, không tiếp xúc với thiên nhiên... Với thời tiết lạnh, học sinh đi học cũng không bị tác động nhiều, trừ khi thời tiết băng giá, chứ lạnh khoảng 7-10 độ C chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy và học hay đi đưa đón của phụ huynh. Học sinh ở gần thì đi xe đạp, vận động cũng nóng người lên. Học sinh ở xa, bố mẹ đưa đi học, xe của nhà trường đưa đón nên không đáng ngại khi thời tiết lạnh.
“Các bộ, ngành liên quan cần có một nghiên cứu khoa học cụ thể đối với trẻ em, học sinh mầm non, tiểu học,… để từ đó quyết định thời tiết lạnh/nóng đến bao nhiêu độ thì cho học sinh nghỉ? Nếu đi học mà nhiều trẻ em bị ốm, vượt quá sức chịu đựng của các em thì nên nghỉ. Nhưng nếu đi học trong thời tiết khoảng 10 độ C mà học sinh vẫn không sao, có ảnh hưởng chút ít đến cuộc sống nhưng tăng cường được thể lực của các em chống chọi với môi trường thì đó là điều tốt. Để trẻ phát triển toàn diện nên để trẻ được vận động, vui chơi và tiếp xúc với thiên nhiên”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.
7 hay 10 độ C chỉ là con số ước chừng
ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian vừa qua, thời tiết rét đậm, rét hại kèm mưa kéo dài rất dễ phát sinh các loại bệnh truyền nhiễm nhất là đối với trẻ nhỏ. Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, việc Sở GD&ĐT Hà Nội ra quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C và dưới 7 độ C đối với học sinh THCS là có căn cứ.
“7 hay 10 độ C chỉ là một con số ước chừng mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra vì nếu thời tiết quá lạnh, học sinh dễ bị ảnh hưởng đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Còn thực tế, không có ngưỡng nhiệt độ cụ thể nào để đo “giới hạn” quy định học sinh có thể nhiễm bệnh do thời tiết, vì điều này còn phụ thuộc vào cơ địa và khả năng thích ứng của từng người”, ThS.BS Đỗ Thiện Hải cho hay.
Về việc nhiều phụ huynh không đồng ý với quyết định trên của Sở hoặc so sánh với nước ngoài, nhiệt độ thậm chí xuống độ âm nhưng học sinh vẫn đến lớp như thường, ThS.BS Hải lý giải: “Điều này cũng dễ hiểu vì trẻ em ở các nước đó đã được thích nghi với môi trường lạnh giá quanh năm từ nhỏ nên đối với việc nhiệt độ âm cũng là chuyện thường. Lấy ví dụ, ngay cả những trẻ em ở các vùng núi phía Bắc của Việt Nam, khả năng chịu lạnh cũng tốt hơn trẻ ở thành phố, dưới xuôi rất nhiều. Do vậy, phải căn cứ vào hoàn cảnh của mỗi vùng để đưa ra phán xét mới khách quan và hợp lý. Tốt nhất, thời tiết xuống thấp kèm mưa lạnh thì nên cho trẻ ở nhà để đảm bảo sức khỏe”.
Bên cạnh đó, theo ThS.BS Hải, cơ sở vật chất tại các trường học của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, các thiết bị hỗ trợ giữ ấm lớp học chưa được đầu tư thích hợp. Hơn nữa, nếu trẻ không được giữ ấm trên đường từ nhà đến trường và ngược lại cũng rất dễ khiến trẻ bị mắc bệnh.
Đối với một số trường có hệ thống điều hòa hai chiều, đảm bảo đủ ấm thì học sinh vẫn có thể đến lớp. Tuy nhiên, giáo viên nên đặc biệt lưu ý đến học sinh đặc biệt là các em nhỏ, tránh để các em chạy ra ngoài chơi khi thời tiết vẫn đang mưa lạnh. “Nếu đang ở trong phòng điều hòa ấm với nền nhiệt từ 25-28 độ C đột ngột di chuyển ra bên ngoài trời với nhiệt độ dưới 10 độ C sẽ rất nguy hiểm cho trẻ bởi khi ấy trẻ có thể bị “sốc nhiệt”. Với những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ có thể bị nhiễm lạnh ngay lập tức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ”, ThS.BS Hải nhấn mạnh.
Trong các ngày từ 25 đến 27/1, nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi ở dưới mức 10 độ C. Ngành giáo dục một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An… cũng ban hành quy định cho phép trong trường hợp nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C sẽ cho học sinh mầm non và học sinh tiểu học nghỉ học. Nếu nhiệt độ xuống dưới 7 độ C học sinh THPT và THCS sẽ nghỉ học. |