Đôi trẻ bên Mỹ ly hôn khi chưa làm đám cưới tại Việt Nam, vậy là nhà gái kiện ông sui hụt đòi tiền đã đưa để chuẩn bị đám cưới…
TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm một vụ kiện hy hữu về tranh chấp đòi tài sản giữa hai bên là sui gia hụt của nhau. Trước đó, hai bên sui gia chuẩn bị cho đám cưới tại Việt Nam của đôi trẻ đang ở bên Mỹ. Đùng một cái đôi trẻ ly hôn ở Mỹ khi chưa tổ chức đám cưới ở Việt Nam, sau đó nhà sui hụt bên gái kiện bên trai để đòi tiền.
Kiện đòi tiền chuẩn bị cho tiệc cưới
Tại tòa, người đại diện của bà TTQH, nguyên đơn, trình bày: Năm 2014, hai bên gia đình có gặp gỡ trao đổi về chuyện tổ chức đám cưới cho đôi trẻ tại nhà hàng tiệc cưới A ở đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM. Theo đó, bà H. là mẹ của cô dâu T., còn bị đơn là ông HTB, cha của chú rể C.
Theo trình bày của phía nguyên đơn, lúc này ông B. có nói gia đình chưa kịp chuẩn bị tiền đặt cọc tiệc cưới cho đôi trẻ nên bà H. có chuyển cho ông B. 80 triệu đồng. Sau đó, do vợ chồng đôi trẻ này bất đồng quan điểm, T. và C. không còn chung sống với nhau nữa. Ngày 17-11-2014, C. đã nộp đơn ly hôn tại Mỹ, trước ngày tổ chức đám cưới tại Việt Nam. Hôn sự không thành, nay bà H. khởi kiện đòi ông B. hoàn trả 80 triệu đồng.
Ngược lại, ông B. nói năm 2009, anh C. con ông là sinh viên du học tại Mỹ. Trong quá trình làm thêm tại nước ngoài, anh C. có gặp và quen biết với con bà H. là chị T. Chị T. khi đó làm kế toán tại nơi con ông làm việc. Sau đó hai bên tiến tới hôn nhân và dự định tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Nhưng do bất đồng quan điểm, khi chưa tổ chức đám cưới thì đôi trẻ đã chia tay. Trong thời gian con ông ở Mỹ, ông đã chuyển tiền để anh C. ứng mua nhẫn cưới, áo cưới, giày cưới, vé máy bay cho bà H…, tổng cộng khoảng 160 triệu đồng, có kèm hóa đơn chi phí.
Nay bà H. đòi ông 80 triệu đồng, ông không đồng ý. Bởi lẽ ông có nhận số tiền trên nhưng đây là số tiền để phụ chi trả những khoản sinh hoạt phí cho đôi trẻ chứ không như bà H. trình bày. Ông chỉ đồng ý trả số tiền trên sau khi cấn trừ số tiền 160 triệu đồng nói trên. Ông khẳng định với tòa đây là yêu cầu phản tố của mình.
Có thể xuất hiện thêm vụ kiện khác
Từ Mỹ, anh C. cũng có đơn trình bày: Năm 2011, anh gặp chị T. rồi chung sống. Sau đó hai bên định tổ chức đám cưới tại Việt Nam nhưng rồi phải hoãn do cả hai có mâu thuẫn. Và hiện anh đã nộp đơn ly hôn tại Mỹ. Trong suốt thời gian đó, ông B. cha anh có qua Mỹ đưa cho anh khoảng 10.000 USD để mua sắm các thứ cho đám cưới... như cha anh đã khai.
Còn chị T. có lời khai khác là trong quá trình chung sống với anh C. chị chưa bao giờ chứng kiến việc ông B. đưa tiền hay bỏ vào tài khoản chung của vợ chồng số tiền nào. Việc ông B. có đưa tiền cho con trai ông xài riêng hay không thì chị không rõ. Còn các chi phí mua sắm cho đám cưới thì chị tự bỏ tiền ra mua chứ không hề nhận tiền của ai. Năm 2014, vợ chồng chị thấy cuộc sống ổn định nên cả hai định tổ chức lễ cưới tại quê nhà. Nhưng rồi do vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến việc anh C. nộp đơn ly hôn. Hiện tòa án tại Mỹ đang xem xét giải quyết vì có tranh chấp tài sản.
Trong quá trình tranh cãi qua lại, nguyên đơn đồng ý rút một phần yêu cầu, chỉ đòi 50 triệu đồng; trong khi đó phía bị đơn giữ nguyên quan điểm phản tố.
HĐXX nhận thấy có việc bà H. chuyển khoản 80 triệu đồng vào tài khoản cho ông B., nay bà chỉ đòi 50 triệu đồng. Việc chuyển tiền là có căn cứ, gồm biên nhận cũng như lời thừa nhận của các bên. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu, buộc ông B. phải hoàn trả cho bà H. số tiền 50 triệu đồng.
Về yêu cầu phản tố, ông B. khai có đưa số tiền 10.000 USD và con ông là anh C. cũng có lời khai nhận tiền từ cha. Tuy nhiên, các lời khai này không được bà H. cùng con gái là chị T. thừa nhận. Mặt khác, chi phí hóa đơn thể hiện việc mua sắm vào năm 2011, trong khi ông B. khai chuyển tiền mặt năm 2013 và 2014 là chưa hợp lý. Hiện anh C. đang ly hôn tại Mỹ và có tranh chấp tài sản. Vì thế HĐXX đồng tình với VKS về việc không xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn, tách ra thành vụ án dân sự khác.