Sau khi lo ma chay cho vợ xong xuôi, anh Quang phải nén nỗi đau, tự vực bản thân dậy để lo cho đàn con thơ, nhất là đứa bé vừa mới chào đời.
Ghé Phước Tân (Bác Ái, Ninh Thuận) hỏi thăm gia đình anh Quang (SN 1977) ai cũng hay biết bởi hoàn cảnh cực kỳ éo le, đến độ nghe loáng thoáng đã thấy xót xa. Chị Vy – một người quen của gia đình cho biết: “Vợ chồng anh Quang có 7 người con: đứa đầu tiên đã lập gia đình, đứa thứ 2 và 3 đi mướn cho người ta với thu nhập vài chục nghìn đồng/ngày, còn lại vẫn bé tí tẹo.
Gia đình vốn đã nghèo đói vì đông con nhưng nay càng khốn cùng hơn khi chị vợ qua đời vì băng huyết sau sinh. Mọi gánh nặng cuộc sống hiện đổ dồn nên đôi vai của anh ấy”.
Vừa dứt lời, người phụ nữ cho biết thêm cách đây 5 tháng, con thứ 3 của anh Quang đi chăn dê thuê cho người hàng xóm của chị. Chị tình cờ đi qua nghe thấy họ nói rằng mẹ bé mất, đứa em sơ sinh chưa được đặt tên và gia đình rất khổ. Vì thế chị quyết định kết nối với mạnh thường quân để giúp đỡ họ.
“Mình nghe mà thấy thương quá trời vì có biết chị Quang – từng có u máu ở cánh tay. Bẵng thời gian mình không hay tin gì cả, chỉ biết chị có con đang đi làm mướn ở xã mình. Đến khi mình biết chị mất vì sinh bé thứ 6, bị băng huyết sau sinh mà điếng người”, chị Vy tâm sự.
Sau đó theo sự chỉ dẫn của chị Vy, chúng tôi tìm đến nơi ở của cha con anh Quang. Chiếc chòi lá mới được dựng, mùi liếp vẫn còn thoang thoảng thơm. Anh nói: “Hồi vợ chết, nhà tôi làm gì có gì đâu, đến tấm vách liếp cũng bị gió thổi bay mất. Sau này người ta giúp đỡ mới dựng lại được cái chòi tử tế như thế này. Tôi mừng lắm nhưng vẫn đau đáu về tương lai của mấy đứa nhỏ”.
Anh Quang và 3 đứa con thơ.
Khi hỏi được hỏi: “Bé út nhà anh đâu? Con lớn hay không?”, anh Quang thành thật cho biết hiện tại con đang bệnh, phải nằm ở bệnh viện điều trị dài ngày. Hiện tại bé được người dì ruột chăm sóc, còn anh ở nhà trông mấy đứa nhỏ.
“Một mình nuôi con vất vả lắm. Dì nó ôm thằng út đi viện. Tôi phải ở nhà trông nom 3 đứa áp út này. Chúng nó còn nhỏ, lại chưa hiểu chuyện nên quấy khóc lắm. Kể cả tôi đi làm cũng chỉ được chốc lát là phải về ngay vì tiếng khóc vang trời luôn. Tôi vẫn phải phục vụ cơm nước, tắm giặt cho chúng nó.
Tôi rất muốn xuống viện cùng con nhưng không đi được. Em vợ cũng nói rằng cứ an tâm ở nhà đi làm và chăm đám nhỏ. Khi nào thằng út về, tôi sẽ đón lên đây để chăm sóc”, người đàn ông dân tộc tâm sự.
Nhắc đến 3 đứa con đầu, người đàn ông thở dài cho biết các con sinh ra trong gia đình nghèo khó nên không được đi học cái chữ như bạn bè trang lứa. Từ lâu, chúng đã phải “rời nhà” ra ngoài xã hội đi làm mướn cho người ta, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em lớn khôn.
Bé trai vừa chào đời mẹ đã ra đi mãi mãi.
“Thằng lớn đã lập gia đình và xin ở riêng. Đứa thứ 2 đi hái cà phê thuê, đứa thứ 3 chăn bò cho người họ hàng. Chúng nó được nuôi ăn ở nên thi thoảng mới về thăm bố, thăm các em thôi.
Tôi vì vướng bận con cái, cộng thêm gánh nặng kinh tế nên cũng không thể quan tâm đến chúng nó nhiều. Tôi chỉ hi vọng con khoẻ mạnh, có sức tự chăm sóc chính bản thân”, anh Quang nói.
Về chuyện chị Quang qua đời do băng huyết sau sinh, anh Quang cho biết hai vợ chồng vì thiếu hiểu biết, lại không có biện pháp phòng tránh thai nên liên tiếp sinh đến 6 đứa con. Đến bé thứ 7, anh rất trăn trở cho việc có sinh tiếp hay dừng lại. Cuối cùng anh lựa chọn để vợ sinh tiếp bởi đứa trẻ không có tội, không được quyền cướp đoạt tính mạng của con.
“Vợ tôi toàn đẻ tại nhà nên lần thứ 7 cũng thế - dù đã có tuổi. Đêm đó tôi và một người nữa trực tiếp đỡ đẻ cho cô ấy. Tầm 1-2h sáng, thằng bé chào đời khiến tôi xúc động vô cùng. Tôi còn nói với cô ấy mấy nữa phải đi đặt vòng tránh thai.
Vậy mà 3h sáng, cô ấy ra đi vì bị băng huyết sau sinh. Tôi chết điếng người, vừa thương vợ vừa xót con sơ sinh mới chào đời đã phải rời xa mẹ”, người đàn ông Ninh Thuận rưng rưng.
Sau khi lo ma chay cho vợ xong xuôi, anh Quang phải nén nỗi đau, tự vực bản thân dậy để lo cho đàn con thơ, nhất là đứa bé vừa mới chào đời. Anh làm đủ việc để có thể lo cái ăn cái mặc cho 4 đứa nhỏ.
Anh Quang vừa làm cha vừa học cách trở thành mẹ để chăm sóc các con.
Thời điểm đó, em gái của chị Quang đang cho con bú nên có thể giúp đỡ anh chăm sóc con trai út. Song khi con lớn hơn, anh đã đón về vì không muốn làm phiền nhiều. “Chỉ khi nào thằng bé ốm sốt, tôi mới nhờ đến dì ấy. Người ta cũng nói với tôi hãy lấy vợ mới bởi theo đồng bào Rắc-lây khi vợ chết có thể đi cưới vợ khác, để con cho bên ngoại nuôi. Song tôi gạt đi, quyết định ở vậy nuôi đám nhỏ lớn khôn. Tôi làm sao dám bỏ máu mủ của chính mình”, anh Quang bộc bạch.