Cứ sáng Chủ nhật hằng tuần, căn bếp của “cô giáo” hơn 10 năm dạy làm bánh lại đỏ lửa, lớp học đầy ắp tiếng cười và hương thơm của những mẻ bánh vừa ra lò khiến ai đi ngang cũng phải ngó mắt vào xem.
Nhịn đi chơi, mua sắm dùng lương hưu mở lớp học miễn phí
“Học xong mà không đem bánh về là cô Hạnh buồn đó!” - lời dặn dò của “cô giáo” tuổi ngoài 70 lặp đi lặp lại trong căn nhà rộng chừng 30m2 nằm sâu ở con hẻm nhỏ đường Hoàng Hoa Thám (Quận Bình Thạnh). Cứ mỗi sáng từ 8g-11g30 Chủ nhật hằng tuần, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (74 tuổi) lại đứng lớp dạy làm bánh cho mọi người.
Học viên đến với lớp của bà Hạnh không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, từ học sinh, sinh viên, bà nội trợ đến bác sĩ, kỹ sư… những ai yêu thích nghề làm bánh đều có thể tham gia. Điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi đến đây học với bà Hạnh vừa không tốn học phí, vừa được chuẩn bị sẵn mọi nguyên liệu. Học viên khi bước đến lớp, chỉ cần một quyển sổ, một cây bút để ghi chép các công thức, các mẹo để bánh ngon, đẹp mắt.
Ở độ tuổi xế chiều, lớp học làm bánh vào mỗi cuối tuần vừa là niềm vui, vừa để bà Hạnh giữ lửa với nghề đã bén duyên hơn nửa đời người.
Chia sẻ về quyết định mở lớp học 0 đồng, bà Hạnh xúc động tâm sự: “Thời điểm chưa nghỉ hưu, tôi đã quan sát những bậc tiền bối trước mình, cuộc sống về hưu thật sự bình dị, an nhàn nhưng đôi khi cũng trầm buồn hơn trước. Do đó, tôi muốn tạo một hoạt động vừa tạo niềm vui cho mình, vừa mang đến tiếng cười cho mọi người. Đó là mở lớp dạy nấu nướng các món Việt. Nhưng 10 năm trở lại đây thì chuyên về làm bánh để tiết kiệm kinh phí và theo sở thích của nhiều học viên”.
Trước khi bén duyên với căn bếp lúc nào cũng ngào ngạt hương thơm, bà Hạnh làm kế toán cho một công ty du lịch nước ngoài. Thế nhưng, niềm đam mê với bếp núc lúc nào cũng sục sôi trong bà nên cứ đi đến đâu, ở bất kỳ quốc gia nào, nếu có cơ hội bà đều tự học về cách chế biến thức ăn, nguyên liệu từ các đầu bếp. Đầu năm 2000, bà được các công ty du lịch mời về để hướng dẫn khách nước ngoài trải nghiệm nấu món Việt.
Trước khi lớp bắt đầu 1 ngày, bà Hạnh cùng con cháu trong gia đình chuẩn bị các nguyên liệu như lá gói bánh, bột làm bánh, dụng cụ nấu nướng... để cho học viên thực hành.
Hiện nay, kinh phí để chuẩn bị nguyên liệu, duy trì căn bếp đỏ lửa, chào đón học viên mỗi tuần đều là nhờ lương hưu và tiền tiết kiệm của bà Hạnh. “Thay vì tuổi này tôi đi du lịch khắp nơi, tán gẫu cùng bạn bè mỗi sáng thì giờ đây, tôi dùng kinh phí và thời gian đó để mở lớp học làm bánh, tự mua nguyên liệu để tạo niềm vui không chỉ cho riêng mình, mà đến tất cả các học viên. Đã ở tuổi xế chiều, tôi cũng chẳng quan tâm đến thời trang nên gần đây tôi không mua sắm áo quần cho riêng mình, lấy tiền đó để duy trì lớp” - bà Hạnh bộc bạch.
Mỗi buổi học, các học viên được bà Hạnh hướng dẫn làm từ 1-2 món bánh với những loại bánh quen thuộc như bánh giò, bánh mì, bánh ít trần… Ngoài ra, bà còn dạy các món bánh được dành riêng vào những dịp lễ Tết, theo mùa như bánh trung thu, bánh sinh nhật, bánh quy…
Thời gian đầu, lớp chỉ có vài học viên, đa số là người quen, bạn bè thân thiết. Gần đây, lớp nhận sự quan tâm, ủng hộ từ các đơn vị truyền thông nên số lượng học viên tăng vọt. Cứ mỗi chiều thứ 3, bà Hạnh sẽ đăng tải thông tin lớp học trên mạng xã hội đến mọi người gần xa có thể sắp xếp thời gian, đăng ký ghé lớp. “Tôi rất vui khi lớp nhận được sự quan tâm của mọi người, vừa đăng 5-10 phút đã có hàng chục bình luận đăng ký, nhiều khi tôi trả lời bình luận không kịp” - bà Hạnh chia sẻ.
Học viên đến lớp lúc nào cũng chăm chú lắng nghe bà Hạnh truyền đạt kinh nghiệm, ghi chép kỹ lưỡng các công thức để về nhà trổ tài cho gia đình.
Trò không ngại đường xa, gắn kết cả gia đình nhờ lớp học 0 đồng
Dù là lớp học 0 đồng nhưng người phụ nữ U80 luôn cố gắng truyền lại hết những kinh nghiệm làm bánh của mình. Mỗi buổi đứng lớp, bà tỉ mỉ quan sát từng học viên ủ bột, đổ khuôn và chỉnh sửa thao tác để bánh khi ra lò luôn đạt chuẩn ngon miệng, đẹp mắt. Suốt chục năm qua, trừ khi sức khỏe không ổn định hay có việc bận cá nhân thì lớp của bà Hạnh mới tạm nghỉ. "Có học viên lặn lội từ miền Tây, Trung, Tây Nguyên vào để học, tôi trân quý tình cảm của mọi người. Từ đó, tôi như tiếp thêm động lực để đứng lớp dạy học trò. Trên hành trình này, tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt, cứ đến sáng Chủ nhật lại hào hứng truyền đạt công thức làm bánh của mình” - bà chia sẻ thêm.
“Tôi nhớ có lần một học viên chia sẻ không hòa thuận với mẹ chồng. Thế nhưng, nhờ những công thức làm bánh được học, cô học viên ấy và mẹ chồng cùng nhau vào bếp làm bánh nên khoảng cách giữa hai thế hệ được xóa bỏ, tình cảm gia đình hạnh phúc hơn” - bà Hạnh tự hào nhớ lại kỷ niệm của học viên khi đến lớp.
Trước buổi học, bà Hạnh cũng chuẩn bị một số phần quà nhỏ để tặng học viên. Bên cạnh đó, các món ăn sau khi hoàn thành tại lớp đều được đóng gói kỹ càng để mọi người mang về thưởng thức hoặc tặng bạn bè, người thân.
Trên hành trình chục năm đứng lớp, truyền kiến thức làm bánh, chưa một lần bà Hạnh muốn dừng lại. Đối với người phụ nữ ở tuổi xế chiều, lớp học 0 đồng này vừa là niềm vui, cũng là cách trả ơn đời, mang lại năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Hơn 1 năm qua, chị Thanh Hương (TP.Thủ Đức) đã không ngại quãng đường hàng chục cây số đến với lớp bà Hạnh để học làm bánh. Chia sẻ về “cô giáo” đặc biệt của mình, chị tâm sự: “Cô Hạnh tận tâm, tận tình lúc nào cũng niềm nở chào đón mọi người. Làm bánh đòi hỏi người học phải tập trung lắng nghe, thực hành. Đôi khi, có một số chỗ chưa hiểu, mình có thể hỏi lại kỹ hơn, cô luôn sẵn sàng trả lời và cầm tay để hướng dẫn. Nhờ vậy, mà suốt thời gian qua mình áp dụng các công thức để làm bánh tặng người thân và phục vụ cho mục đích thiện nguyện”.
Thỉnh thoảng, điện thoại của bà Hạnh lại đổ chuông thông báo, đó là những tin nhắn đầy sự phấn khởi từ rất nhiều thế hệ học viên: “Con làm được rồi cô ơi”, “Nhờ công thức của cô mà bánh flan hôm nay không còn bị hư nữa”, “Bánh còn làm nè cô, ai trong nhà cũng khen nức nở”...
Đọc hết tất cả những dòng tin nhắn ấy, người phụ nữ U80 lại cười khúc khích. Bà cảm thấy hạnh phúc vì công việc của mình mỗi tuần lại giúp được nhiều gia đình có thêm tiếng cười, xóa bỏ khoảng cách giữa các thế hệ bằng sự ngọt ngào của những mẻ bánh thơm ngon. Không chỉ thế, nhiều học viên sau thời gian dài gắn bó với bà Hạnh còn mở được tiệm bánh riêng và sẵn sàng quay lại hỗ trợ “cô giáo” lên lớp, truyền dạy kinh nghiệm cho các thế hệ sau.