Liên tiếp trong vài ngày qua, số ca mắc mới của Cà Mau đứng đầu cả nước, buộc tỉnh này quyết định điều chỉnh cấp độ dịch, có 29 đơn vị ấp/khóm thuộc cấp độ 4.
11 diễn biến
Dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp
Ngày 17-12, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết trong 24 giờ qua, tỉnh này ghi nhận 1.339 ca mắc mới, trong đó có 1.029 ca cộng đồng, cao nhất từ trước đến nay, nâng số ca mắc lên 20.640 ca.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Cà Mau đã quyết định điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, có 74 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3, trong đó có 29 đơn vị ấp, khóm thuộc cấp độ 4 và 27 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 2. Không có đơn vị cấp độ 1. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 18-12.
Cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bằng test nhanh
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, mỗi ngày phát hiện gần 1.000 ca F0 và có chiều hướng tăng cao hàng ngày.
Cụ thể, đến ngày 14/12/2021, toàn tỉnh đã có 18.273 ca F0, có 76 ca tử vong; số trường hợp F0 đang điều trị là 9.165 ca; số trường hợp bệnh nặng cũng tăng cao gây quá tải cho cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 và chăm sóc, điều trị tại nhà.
Để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong; UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh thuốc kháng virus (Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị).
Cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên, do hiện nay, nhiều trường hợp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính, chỉ định xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR hầu hết đều dương tính.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng phân tầng, cách ly điều trị F0 kịp thời và giảm tốn kém sinh phẩm, hoá chất cho việc sử dụng xét nghiệm PCR.
Cho phép khẳng định khỏi bệnh Covid-19 bằng test nhanh đối với F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh (kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên và test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Đối với người bệnh Covid-19 điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người bệnh Covid-19 có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc CT từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Hỗ trợ khẩn cấp nguồn nhân lực và vaccine ngừa Covid-19
Hỗ trợ khẩn cấp nguồn nhân lực phòng, chống Covid-19 chi viện cho tỉnh Cà Mau; hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm SARS-Cov-2 (F0) tầng 2 và 3 (cần 1 Đội 10 người, bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trung bình, nặng và nguy kịch).
Hỗ trợ cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị F0 tầng 2 và 3 (thời gian là 3 tuần, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 15/1/2022).
Hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm SARS- Cov-2 tầng 1 tại nhà và tại khu cách ly tập trung (cần 5 đội, mỗi đội 8 người, bao gồm: 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng có kinh nghiệm quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Thời gian: 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 22/1/2022).
Ngoài ra, nhằm giảm nguy cơ mắc Covid-19 và giảm số ca chyển biến nặng, tử vong, để phòng chống dịch chủ động; tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế hổ trợ cấp 65.000 liều vaccine Pfizer trong tháng 12/2021, để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại cho các đối tượng tuyến đấu chống dịch, đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư, HIV, các bệnh nên nặng,... nhất là đối tượng trên 50 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dich-benh-dien-bien-rat-phuc-tap-ca-mau-de-nghi-bo-y-te-ho-... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dich-benh-dien-bien-rat-phuc-tap-ca-mau-de-nghi-bo-y-te-ho-tro-khan-cap-d536013.html
F0 tăng chóng mặt, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, Hà Nội gấp rút lập thêm khu điều trị
Sở Y tế Hà Nội sáng 17/12 cho hay, tính đến hết ngày 16/12, có 10.828 trường hợp F0 ở Thủ đô đang điều trị, trong đó có 5.327 người đang điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (tương đương gần 50%).
Trong số 5.327 F0 đang điều trị có 3.462 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 1.865 người điều trị tại nhà.
Ngoài ra, có 82 F0 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 175 F0 điều trị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai.
Tại 29 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đang điều trị 2.014 F0; 4 cơ sở (Cơ sở điều trị Đền Lừ III; cơ sở KTX Phenikaa; Cơ sở điều trị Thượng Thanh; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp) đang điều trị 3.230 F0.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cập nhật tới hết ngày 16/12, tại Hà Nội (bao gồm bệnh viện Trung ương và của Hà Nội) đang có gần 1.300 bệnh nhân mức độ nhẹ, 164 ca nặng và nguy kịch, 145 ca thở oxy mask/gọng kính, 15 ca thở máy. Tất cả các chỉ số về tình trạng điều trị của bệnh nhân COVID-19 đều tăng so với trung bình 7 ngày trước. Cụ thể, số bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng 39%, thở oxy mask/gọng kính tăng 46%. Số bệnh nhân thở máy, HFNC, thở không xâm lấn cũng tăng...
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đơn vị này đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý F0 tại quận Long Biên, đồng thời tập huấn cho toàn bộ trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn của thành phố trong suốt 2 tuần vừa qua.
Đến ngày 16/12, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ông Cương cho biết ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn của thành phố.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-chong-mat-nhieu-benh-nhan-nang-nguy-kich-ha-noi-gap-r... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-chong-mat-nhieu-benh-nhan-nang-nguy-kich-ha-noi-gap-rut-lap-them-khu-dieu-tri-169211217101853984.htm
TP.HCM đề nghị hỗ trợ bổ sung 3.000 nhân viên y tế
Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ UBND TP.HCM cho biết hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng khá cao. TP.HCM vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19. Tuy nhiên, một số bệnh viện, trung tâm hồi sức COVID-19 cần bổ sung nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM kiến nghị bộ Y tế xem xét tiếp tục, hỗ trợ bổ sung 3.000 lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Cụ thể, TP.HCM cần bổ sung 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng, trong đó có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức cấp cứu.
Theo VietNamNet, TP.HCM cũng đề xuất bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
TP.HCM đề nghị chi viện khẩn 3.000 nhân viên y tế trước tình hình số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng tăng cao. Ảnh minh họa: VietNamNet
Liên quan đến việc TP.HCM đề nghị hỗ trợ bổ sung nhân lực y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chính văn phòng sở Y tế TP.HCM cho biết vừa qua, TP đề ra 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron.
Trong đó, giải pháp thứ 8 là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu. Việc kiến nghị bổ sung 3.000 y bác sĩ điều dưỡng nhằm phục vụ hiệu quả giải pháp thứ 8 này.
Bà Mai lý giải khi TP nới lỏng giãn cách, các ngành nghề sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, số ca nhiễm mới tăng lên. Lực lượng lao động tiêm đủ vaccine ít bị ảnh hưởng nhưng nhóm người già, người suy giảm miễn dịch có tỷ lệ tử vong tăng cao, đè nặng áp lực lên hệ thống y tế.
Thêm vào đó, khi cao điểm dịch bệnh, gần như tất cả bệnh viện trong TP đều tập trung điều trị F0. Nhân sự các bệnh viện này được tăng cường cho bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức. Khi các bệnh viện quay trở lại công năng ban đầu, nhân sự cũng cần thu hồi để mở lại các khoa phòng điều trị thông thường. Do đó, bệnh viện dã chiến tương đối thiếu về nhân sự.
Chính văn phòng sở Y tế TP.HCM cho hay, với lực lượng chi viện 3.000 nhân viên y tế, ước tính chỉ khoảng 1-2 tháng sẽ hoàn thành sứ mệnh giúp TP khống chế được F0, giảm tỷ lệ tử vong.
Được biết, trong ngày 16/12, 2 (tính đến 16h), tổng số ca nhiễm phát hiện bằng RT-PCR tại TP.HCM là 1.175 người. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.065 người. Số xuất viện trong ngày là 1.011. Số ca xuất viện có khuynh hướng cao hơn số ca nhập viện trong một tuần qua.
Hiện, tổng số ca COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 11.574 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 2.806 người. Số ca đang cách ly, điều trị tại nhà là 57.452 người. Như vậy, TP đang có 71.832 bệnh nhân được điều trị, cách ly.
Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 3.153 người, trong đó số ca đang thở máy xâm lấn là 505 người. Số ca tử vong trong ngày là 65 người, trong đó có 9 trường hợp chuyển viện từ các tỉnh thành khác.Trong số 65 ca tử vong nói trên, có 91% số ca kèm bệnh nền, 86% số ca có độ tuổi từ 50 trở lên, không có trường hợp tử vong ở người dưới 18 tuổi và ở phụ nữ mang thai.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 14.881.633 mũi vaccine ngừa COVID-19, bao gồm 7.950.886 mũi 1, 6.897.284 mũi 2, 10.025 mũi bổ sung và 23.438 mũi nhắc lại, trong đó có 1.333.813 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tp-hcm-de-nghi-ho-tro-bo-sung-3-000-nhan-vien-y-te-a522... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tp-hcm-de-nghi-ho-tro-bo-sung-3-000-nhan-vien-y-te-a522719.html
Hậu Giang thêm nhiều xã, phường tăng cấp độ dịch thành 'vùng cam'
Ngày 16/12, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang thông báo cập nhật công bố đánh giá cấp độ dịch đối với xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tính đến 12 giờ ngày 16/12/2021.Theo đó, trong tổng 75 xã, phường, thị trấn (xã) trên toàn tỉnh, không có xã cấp độ 1 (bình thường mới, vùng xanh) và cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, vùng đỏ).
Có 4 xã ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, vùng vàng), gồm: xã Long Phú, xã Long Trị, phường Trà Lồng (thị xã Long Mỹ) và xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ). Còn 71 xã còn lại đều ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng cam).
Như vậy, so với lần cập nhật gần đây nhất (ngày 7/12), có 5 xã vùng vàng đã đổi màu lên vùng cam (lần cập nhật trước có 9 xã vùng vàng và 66 xã vùng cam).
Các xã được cập nhật đánh giá cấp độ 2 tiếp tục thực hiện các biện pháp hành chính theo mức độ dịch cấp 2 tại Công văn số 2324/UBND-NCTH ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo mới của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Các xã được cập nhật đánh giá cấp độ 3 (bao gồm các xã không thay đổi cấp độ so với lần đánh giá trước liền kề và các xã mới nâng cấp độ 2 lên cấp độ 3) tổ chức thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo mức độ dịch cấp 3 quy định tại Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 và Công văn số 2324/UBND-NCTH ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang.
Thời gian áp dụng các biện pháp hành chính đối với các xã mới nâng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 kể từ 12 giờ ngày 18/12/2021.
Các khu vực thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế do có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế, “ai ở đâu thì ở yên đó”.
Cùng ngày 16/12, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021-2022, với chỉ tiêu trên 95% đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản được tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021-2022.
Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang cũng ban hành kế hoạch tiêm vét vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ đủ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh, với số lượng cần được tiêm là 21.221 người.
Trong ngày hôm qua (15/12), Hậu Giang ghi nhận thêm 237 ca mắc COVID-19, trong đó có 192 ca cộng đồng. Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 10.849 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 7.333 ca; tử vong 38 ca.
Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 586.553 người (554.993 người đã tiêm đủ 2 mũi; 31.560 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 96,70% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).
Ngoài ra, tỉnh đã tiêm vắc xin mũi 3 được 1.582 liều cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc làm nhiệm vụ ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đã hoàn thành tiêm ngừa mũi thứ 2 đủ thời gian.
Nguồn: https://tienphong.vn/hau-giang-them-nhieu-xa-phuong-tang-cap-do-dich-thanh-vung-cam-pos... Nguồn: https://tienphong.vn/hau-giang-them-nhieu-xa-phuong-tang-cap-do-dich-thanh-vung-cam-post1401897.tpo
TT-Huế cán mốc 8.000 ca F0, đề ra nhiều giải pháp phòng dịch
Đến nay, tất cả các huyện, thị xã và thành phố tại TT-Huế đều đã ghi nhận có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; trong đó, TP Huế vẫn có số ca mắc nhiều nhất. Riêng trong ngày 16/12, cả tỉnh có 260 ca F0 mới; trong đó, phát hiện tại khu cách ly tập trung 7 ca, khu phong tỏa 2 ca, ca bệnh chuyển từ F1 cách ly tại nhà là 119 ca, tại cộng đồng 132 ca. Tất cả được đưa vào khu cách ly y tế ngay sau khi phát hiện. Với 260 ca mới, toàn tỉnh TT-Huế đã cán mốc 8.000 ca bệnh COVID-19 (gồm bệnh nhân tỉnh khác chuyển đến Huế điều trị).
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế nhận định, diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn vẫn rất phức tạp; các địa phương không được chủ quan và phải lưu ý công tác tầm soát ngay từ đầu để phát hiện sớm F0, phải có giải pháp cụ thể để hạn chế các đối tượng bị lây nhiễm và phát sinh các ổ dịch mới.
Đối với việc thu dung điều trị F0, lãnh đạo tỉnh TT-Huế lưu ý, khi điều kiện còn cho phép, việc thu dung điều trị F0 tập trung vẫn tốt hơn nhiều so với để F0 tự cách ly, điều trị tại nhà. Các địa phương nên nghiên cứu giải pháp cách ly theo từng cụm, từng khu vực và tính toán kỹ đến năng lực ứng phó của mạng lưới y tế cơ sở trong chăm sóc F0. Đồng thời, cần thiết phải có diễn tập theo từng địa phương cụ thể, để khi có tình huống thì không lúng túng.
Mặt khác, ngành y tế cần chủ động tính toán và tổ chức điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các cơ sở y tế trực thuộc, để không bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào Bệnh viện Trung ương Huế khi diễn biến dịch bệnh càng phức tạp, số ca F0 tăng cao hơn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương, ban ngành phải phát huy tối đa hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho người dân.
Các địa phương tại TT-Huế cần đánh giá cụ thể điều kiện cơ sở vật chất và năng lực y tế cơ sở một cách cụ thể trước khi áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà và kích hoạt tổ y tế lưu động; phối hợp ngành y tế tập trung mọi nguồn lực, thực hiện bằng được việc phủ vắc xin mũi 1 cho toàn dân, tiêm vét bằng mọi cách và tiến đến là phủ mũi 2 cho người dân.
Trước mắt, Sở Y tế đảm bảo hoàn thành tiêm phủ mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho dân toàn tỉnh trước ngày 31/12/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục duy trì việc xét nghiệm, tầm soát trên địa bàn; với chỉ tiêu đặt ra tối thiểu khoảng 10.000 mẫu test nhanh/ngày.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế tái khẳng định, không có địa phương nào trên địa bàn là an toàn ở thời điểm hiện nay, từ đó khuyến cáo và đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Tỉnh hiện đã có hướng dẫn việc cách ly F0 tại nhà, nhưng các địa phương cần chuẩn bị cẩn trọng, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học thì mới được triển khai khi công tác thu dung tập trung của tỉnh không còn đáp ứng. Hiện tỉnh vẫn tiếp tục duy trì thu dung, điều trị F0 tập trung.
Nguồn: https://tienphong.vn/tt-hue-can-moc-8-000-ca-f0-de-ra-nhieu-giai-phap-phong-dich-post14... Nguồn: https://tienphong.vn/tt-hue-can-moc-8-000-ca-f0-de-ra-nhieu-giai-phap-phong-dich-post1402039.tpo
F0 chậm được đưa đi cách ly điều trị, Sở Y tế Hà Nội nói gì?
Tối 16/12, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, theo quy định của Thành phố, hiện nay việc vận chuyển F0 từ nhà đến các cơ sở thu dung điều trị tầng 1 (với các F0 thể nhẹ), vận chuyển bệnh nhân từ các cơ sở thu dung tầng 1 lên các tầng 2 và tầng 3 là do chính quyền địa phương phụ trách.
"Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 và các đơn vị khác trong ngành y tế của Thành phố sẽ đáp ứng vận chuyển những bệnh nhân nặng trong trường hợp quận, huyện, thị xã quá tải" - ông Cương nói.
Như nhiều tỉnh/thành khác, Hà Nội phân tầng điều trị COVID-19 thành 3 tầng. Trong đó:
Tầng 1 là F0 tại trạm y tế lưu động và điều trị tại nhà;
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao điều trị tại cơ sở thu dung điều trị và hơn 20 bệnh viện;
Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, được điều trị tại 6 viện của Hà Nội gồm: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây, Phụ sản Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Hà Nội liên tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc COVID-19 trong 2 tuần gần đây. Cao điểm, hai ngày 15-16/12, mỗi ngày Hà Nội phát hiện hơn 1.300 ca mắc mới, xấp xỉ 50% trong đó là ca cộng đồng.
Dù vậy, những ngày gần đây, liên tục có những phản ánh của người dân về việc một số người dân có kết quả dương tính SARS-CoV-2 nhiều ngày nhưng không được đưa đi tới cơ sở thu dung, điều trị.
Hơn 1.000 F0 đang điều trị tại nhàCũng theo ông Cương, hiện có hơn 1.000 F0 đang triển khai điều trị tại nhà, tính đến ngày 16/12.
Hiện Hà Nội có 3 túi thuốc để cấp, phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà:
- Túi thuốc A (gồm có thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin), các túi thuốc này, kèm theo hướng dẫn sử dụng được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do Trạm Y tế cấp phát.
- Túi thuốc B: gồm có thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sỹ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng)
- Túi thuốc C gồm các thuốc kháng Virus: Molnupiravir, Favipiravir, đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát, do đó để được sử dụng, F0 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng vi rút phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
"Việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi quản lý tại nhà là do Trạm Y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (do Chính quyền địa phương thành lập) cấp phát" - ông Cương khẳng định, đồng thời cho biết hiện nay các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định. Các F0 có thể liên hệ với Trạm Y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: https://giadinh.net.vn/f0-cham-duoc-dua-di-cach-ly-dieu-tri-so-y-te-ha-noi-noi-gi-17221... Nguồn: https://giadinh.net.vn/f0-cham-duoc-dua-di-cach-ly-dieu-tri-so-y-te-ha-noi-noi-gi-172211217110857827.htm
Indonesia và Philippines ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên
Ngày 16/12, Bộ trưởng Y tế Indonesia - Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ca bệnh là một nhân viên làm việc tại Bệnh viện Wisma Atlet ở Jakarta và không ra nước ngoài trước đó.
Theo Bộ trưởng Sadikin, ca bệnh trên được phát hiện vào tối ngày 15/12 và hiện chưa có ca nhiễm biến thể Omicron ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay có 5 trường hợp nghi nhiễm biến thể này. Trong đó, có 2 công dân Indonesia mới trở về từ Mỹ và Anh và 3 công dân Trung Quốc đang cách ly tại Manado thuộc tỉnh North Sulawesi. Nhà chức trách Indonesia đang tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp này.
Biến thể Omicron đã có mặt tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: AFP)
Ngày 15/12, Philippines cũng xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Bộ Y tế Philippines cho biết, 2 ca nhiễm biến thể Omicron là người nhập cảnh, được phát hiện trong 48 mẫu bệnh giải trình tự gen hôm 14/12.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 48 tuổi, người Philippines. Ca bệnh trở về từ Nhật Bản ngày 1/12, trên chuyến bay của Hãng Philippines Airlines. Người này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được đưa vào cơ sở cách ly từ ngày 7/12. Hiện tại, bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng lúc nhập cảnh, bệnh nhân có biểu hiện cảm lạnh và ho.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 37 tuổi, người Nigeria. Ca bệnh đến Philippines vào ngày 30/11, trên chuyến bay của Hãng Oman Air. Người này xét nghiệm dương tính vào ngày 7/12 và cũng lập tức được đưa tới cơ sở cách ly. Bệnh nhân không có triệu chứng.
Theo Bộ Y tế Philippines, 1 trong 2 người nhiễm biến thể Omicron trước đó đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Bộ Y tế Philippines đang khẩn trương xác định các kết quả xét nghiệm và tình trạng sức khỏe của phi hành đoàn, cũng như mọi hành khách khác đi trên các chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Omicron.
Bộ Y tế Philippines cũng đã kêu gọi người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch nơi công cộng. "Chúng tôi kêu gọi những người chưa tiêm chủng nên đi tiêm vaccine trong Ngày tiêm chủng quốc gia để họ có thể nhận được sự bảo vệ từ các loại vaccine phòng COVID-19", thông cáo của Bộ Y tế Philippines viết.
Như vậy, Indonesia và Philippines đã góp mặt vào danh sách các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Trước đó, biến thể này đã được phát hiện ở nhiều nước như: Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/indonesia-va-philippines-ghi-nhan-ca-nhiem-bien-the-omicron-d... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/indonesia-va-philippines-ghi-nhan-ca-nhiem-bien-the-omicron-dau-tien-169211216163022859.htm
Hà Nội đang theo dõi, điều trị 1.000 ca COVID-19 tại nhà
Trao đổi về vấn đề cách ly, quản lý F0 tại Hà Nội, tối 16/12, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã xây dựng phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện.
"Đến ngày 16/12/2021 đã có hơn 1.000 trường hợp F0 quản lý, theo dõi tại nhà", ông Cương nói.
Hà Nội hiện đang điều trị 1.000 F0 Covid-19 ở nhà (Ảnh minh họa)
Trả lời về các đối tượng F0 đang áp dụng cách ly tại nhà hiện nay, ông Vũ Cao Cương cho biết, đây là người mắc COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: Thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Các đối tượng là trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn ≤ 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường; không đang mang thai.
Theo ông Cương, gia đình những người bệnh này phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà như phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân…
Những F0 điều trị tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Về thẩm quyền quyết định cách ly tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã, phường, thị trấn ra Quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người nhiễm COVID-19 sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-dang-theo-doi-dieu-tri-1000-ca-covid-19-tai-nha-d536... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-dang-theo-doi-dieu-tri-1000-ca-covid-19-tai-nha-d536068.html
Dịch COVID-19 phức tạp, bộ Y tế đề xuất dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết
Chiều 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Mở đầu cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tình hình dịch trong nước còn diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19, nhất là trong cộng đồng và số ca tử vong vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến…
Vì vậy, cần phải tiếp tục bàn, đánh giá trên phạm vi cả nước để đưa ra các giải pháp cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong.
Thủ tướng cũng đề nghị, bàn các giải pháp thực hiện thần tốc chiến dịch tiêm vaccine cho cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên và 12 đến 18 tuổi; về thuốc điều trị COVID-19; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, bộ Y tế đề xuất hàng loạt các biện pháp để chặn sự lây lan. Cụ thể, bộ đề xuất dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn COVID-19.
Cùng với đó, bộ Y tế đề xuất tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú.
Với người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú.
Tổ chức chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ trên toàn quốc bằng các biện pháp tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm tầm soát, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19. Chiến dịch bắt đầu thực hiện từ ngày 17-31/12/2021.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát người bệnh ngay từ khi nhập viện, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo tiếp cận các thuốc điều trị từ sớm cho người bệnh.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/dich-covid-19-phuc-tap-bo-y-te-de-xuat-dung-cac-hoat-do... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/dich-covid-19-phuc-tap-bo-y-te-de-xuat-dung-cac-hoat-dong-tap-trung-dong-nguoi-khong-can-thiet-a522687.html
TP.HCM: Học sinh đi học trở lại, ghi nhận 8 học sinh và giáo viên F0
Chiều 16/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19. Nội dung cuộc họp xung quanh các vấn đề như, nhà thuốc tham gia chăm sóc F0, triển khai vaccine mũi 3, học sinh đi học trở lại.
Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến các ca F0 xuất hiện khi học sinh đi học trở lại, thành phố xử lý như thế nào? Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính từ ngày 13/12 đến nay, các trường học trên địa bàn thành phố đã phát hiện 8 trường hợp F0. Trong đó có 6 học sinh và 2 giáo viên. Tuy nhiên, các F0 trong trường học đều nằm trong kịch bản và xử lý đúng quy trình.
TP.HCM đang tiển khai 6.500 nhà thuốc tham gia vào chương trình chăm sóc F0 tại các quận huyện. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó chủ tịch thường trực Hội Dược học TP.HCM cho biết, hiện hệ thống được đã huy động gần 600 nhà thuốc tham gia vào chương trình chăm sóc F0.
Liên quan đến biến chủng mới Omicron thành phố đang triển khai đối phó, liệu có đáng lo ngại hay không và khi thành phố phải xin hỗ trợ khẩn 3.000 bác sĩ điều dưỡng? Vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TP.HCM cho biết, theo tính toán về số F0 đang nhập viện, thành phố ước tính cần bổ sung 3.000 bác sĩ, điều dưỡng. Tuy nhiên, dự kiến 1-2 tháng tới, khi địa bàn khống chế được số ca tử vong, lực lượng chi viện được xem đã hoàn thành.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TP.HCM trả lời báo chí
Bà Mai cho biết thêm, hiện, ngành y tế ghi nhận hơn 1.700 người ở TP.HCM thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ. Trong đó, 140.000 người có bệnh lý nền, còn lại là người trên 65 tuổi.
Thành phố vẫn tăng cường, giám sát hoạt động cửa khẩu hàng không, hàng hải, người nhập cảnh, cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm. “Qua giải trình tự gene, ngành y tế ghi nhận 45 mẫu dương tính, trong đó có 28 mẫu chủng Delta, số còn lại chưa có kết quả. Hiện thành phố vẫn chưa ghi nhận người nhiễm chủng Omicron”, bà Mai cho hay.
Về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18h ngày 15/12, TP.HCM có hơn 490.000 ca mắc Covid-19, gần 12.000 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, hơn 500 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân được can thiệp ECMO.
Cùng ngày, ngành y tế ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân nhập viện và hơn 1.000 bệnh nhân xuất viện, 65 trường hợp tử vong.
Đến nay, tổng số mũi vaccine đã triển khai gần 8 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2. Số mũi tiêm bổ sung tính đến 15/12 là hơn 10.000, mũi nhắc lại là hơn 23.000.
Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TP.HCM duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp. Tuy nhiên, địa bàn vẫn là nơi có số lượng F0 mới và tử vong cao nhất cả nước.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Hiện, việc hạn chế F0 tử vong vẫn là vấn đề cấp thiết.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-ghi-nhan-8-hoc-sinh-va-giao-v... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-ghi-nhan-8-hoc-sinh-va-giao-vien-f0-d536047.html
Quy định mới nhất: F1 đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cách ly ra sao?
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn quy định mới về cách ly y tế F1 đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19.
Theo văn bản của Bộ Y tế, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (gọi là F1) đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19.
Quy định mới nhất về cách ly với F1 đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19
Để kịp thời điều chỉnh các biện pháp đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế quy định, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo.
Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-nhat-f1-da-tiem-du-lieu-vaccine-covid-19-cach-... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-nhat-f1-da-tiem-du-lieu-vaccine-covid-19-cach-ly-ra-sao-d536046.html