COVID-19: 19 F0 ăn cơm cùng nhau tại một gia đình, địa phương ra công văn hỏa tốc trong đêm

H.A - Ngày 10/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Các ca bệnh có lịch sử dịch tễ ăn cơm cùng nhau tại một gia đình và có liên quan đến 2 ca F0 đã được công bố.

10 diễn biến

19 F0 ăn cơm cùng nhau, Lào Cai phong tỏa khẩn cấp một xã 4.000 nhân khẩu

Đêm 9/12, Sở Y tế tỉnh Lào Cai phát đi thông báo, đơn vị này vừa phát hiện 19 ca F0 tại xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn). Các trường hợp này đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân, gồm 6 nam và 13 nữ.

Qua điều tra sơ bộ lịch trình di chuyển, 19 trường hợp này có lịch sử cùng ăn cơm tại một hộ gia đình trong thôn vào ngày 29/11. Cả 19 người đều liên quan đến 2 ca F0 của huyện Văn Bàn (mã bệnh nhân BN1360455, BN1360456, công bố ngày 9/12).

Theo nhận định của ngành y tế, ổ dịch tại huyện Văn Bàn là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chưa xác định rõ nguồn lây. Hiện các F0 đã được chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 1 Lào Cai để cách ly, điều trị.

Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa tạm thời xã Khánh Yên Thượng. Ảnh: Báo Lào Cai.

Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa tạm thời xã Khánh Yên Thượng. Ảnh: Báo Lào Cai.

Để sớm khoanh vùng, truy vết và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Văn Bàn đã khẩn trương triển khai các biện pháp truy vết F1, F2; xét nghiệm, cách ly y tế với các trường hợp có liên quan.

Ngay trong đêm 9/12, Sở Y tế đã họp với UBND huyện Văn Bàn và các đơn vị liên quan. Huyện đã ra quyết định phong tỏa tạm thời xã Khánh Yên Thượng từ 20 giờ ngày 9/12.

Đồng thời huy động toàn bộ các lực lượng cùng xã Khánh Yên Thượng lập 12 chốt tại các tuyến đường giao thông nông thôn, trục chính trên địa bàn xã Khánh Yên Thượng (7/7 thôn). Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm test nhanh toàn bộ người dân trên địa bàn xã với 4.000 nhân khẩu. Tăng cường tuyên truyền người dân tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không hoang mang, lo sợ.

UBND huyện Văn Bàn cũng ra công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, giải đấu thể thao, tiệc cưới hỏi, các hoạt động liên hoan gặp mặt, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu… trên địa bàn huyện.

Các trường học trên địa bàn thị trấn Khánh Yên, các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Hạ tạm dừng việc dạy học trực tiếp, thực hiện dạy học trực tuyến từ ngày 10/12/2021 cho đến khi có thông báo mới. Các trường học còn lại căn cứ tình hình dịch bệnh để quyết định tổ chức dạy học phù hợp với từng khối lớp phù hợp.

Nguồn: http://danviet.vn/19-f0-an-com-cung-nhau-lao-cai-phong-toa-khan-cap-mot-xa-4000-nhan-kh...

Hải Phòng ghi nhận số ca dương tính SARS-CoV-2 cao kỷ lục

Trong đó, 55 trường hợp là F1 của các ca bệnh trước đó tại phường Sở Dầu. 61 trường hợp tại quận Ngô Quyền và quận Lê Chân đều liên quan chợ Sắt, khu công nghiệp Vsip và F1 của các ca bệnh trước.

Ổ dịch tại huyện Thủy Nguyên ghi nhận thêm 27 trường hợp liên quan Công ty Regina, khu công nghiệp Vsip. Tại quận Đồ Sơn ghi nhận 13 trường hợp, đa số là nữ là F1 của những ca bệnh trước đó.

Ngoài ra, các huyện Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Cát Hải và các quận Hải An, Kiến An, Dương Kinh đều ghi nhận thêm nhiều ca dương tính.

Từ 27/4 đến nay, thành phố Hải Phòng ghi nhận tổng số 1.926 ca mắc COVID-19.

Lực lượng y tế Hải Phòng triển khai các biện pháp phòng chống dịch

Lực lượng y tế Hải Phòng triển khai các biện pháp phòng chống dịch

Cùng ngày, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, địa phương ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong do COVID-19, là nữ bệnh nhân (85 tuổi, trú quận Hồng Bàng).

Theo Sở Y tế Hải Phòng, bệnh nhân này tuổi cao, nằm liệt một chỗ từ năm 2020 và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 do có nhiều bệnh lý nền về tim, huyết áp, tiểu đường… Bệnh nhân có con mắc COVID-19 trước đó.

Ngày 4/12, lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm xác định nữ bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 và được người thân đề nghị điều trị tại nhà. Hằng ngày, lực lượng y tế bố trí nhân viên đến nhà thăm, khám và điều trị cho bệnh nhân. Đến sáng 9/12, bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Trước đó, ngày 8/12, Hải Phòng ghi nhận ông C.X.T (77 tuổi, trú quận Ngô Quyền) tử vong với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Nam bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, lực lượng y tế đã tích cực điều trị tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng kém, khó thở tăng dần, suy hô hấp mức độ nặng.

Các bác sỹ đã đặt ống thở nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, lọc máu, dùng kháng sinh phối hợp… nhưng vẫn diễn biến nặng và tử vong.

Nguồn: https://tienphong.vn/hai-phong-ghi-nhan-so-ca-duong-tinh-sars-cov-2-cao-ky-luc-post1399...

Chủ tịch Hà Nội: Chuyển tư duy Zero Covid-19 sang giảm tử vong

Chiều 9/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có phiên trả lời chất vấn các nội dung xoay quanh công tác phòng chống dịch COVID-19 của các đại biểu tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Ông Chu Ngọc Anh cho rằng, qua diễn biến phức tạp của đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực, thực sự là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp mà thành phố đạt được.

Ngược lại, cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập của nhiều ngành, nhiều cấp đã được nhận diện trước đây nhưng chưa được chuyển biến, cải thiện nhiều, nay còn thể hiện rõ nét hơn trước khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thành phố, trong "nguy" có "cơ", tạo ra áp lực và động lực để các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy nội lực và hành động để thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện và hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời cảm thông sâu sắc với cộng đồng doanh nghiệp và người dân về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

"Thành phố tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thủ đô; sự cống hiến to lớn, hi sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội… trong phòng, chống dịch để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân thủ đô", ông Chu Ngọc Anh bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ở giai đoạn thành phố triển khai thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế, với nguyên tắc "5K + vắc xin, thuốc + Công nghệ thông tin + ý thức của người dân" để phòng, chống dịch, thì một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vắc xin.

Ngoài ra, tốc độ lây nhiễm tăng nhanh cùng các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và hoạt động đi lại của người dân tăng cao những tháng cuối năm khiến số ca nhiễm trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng nhanh.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng số ca giai đoạn 1 là 1 con số, đến giai đoạn 3 lên 3 con số. Theo đánh giá của chuyên gia và thực tiễn trên địa bàn thủ đô thì con số này không đơn thuần phản ánh hết tính chất phức tạp và nguy cơ thực sự của giai đoạn.

Sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128, nếu nhìn góc độ số ca F0, số tử vong với điều kiện không đứt gãy sản xuất, thì TP đã đạt chỉ tiêu khả quan so với trong nước và quốc tế..

Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, chủ tịch Hà Nội cho biết việc chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý Zero Covid-19 sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.

Đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố sẽ kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ô xy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.

Chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới. Đây là cơ hội cũng là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, cụ thể trước mắt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính thực chất theo xu hướng này...

Ông Chu Ngọc Anh cũng kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-ha-noi-chuyen-tu-duy-zero-covid-19-sang-giam-tu-vo...

TP.HCM vẫn có số ca F0 cao nhất cả nước, vì sao?

Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 TP.HCM họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, TP.HCM vẫn là địa phương có số ca F0 cao nhất cả nước. Tính đến 18h ngày 8/12, thành phố có gần 500 ngàn ca mắc Covid-19.

Toàn cảnh họp báo, phòng chống dịch Covid 19 TP.HCM chiều ngày 9/12.

Toàn cảnh họp báo, phòng chống dịch Covid 19 TP.HCM chiều ngày 9/12.

Hiện thành phố đang điều trị hơn 13 ngàn bệnh nhân. Trong đó, có gần 500 trẻ em dưới 16 tuổi, hơn 400 bệnh nhận nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, ngành y tế ghi nhận hơn 1.200 bệnh nhân nhập viện và gần 1.200 bệnh nhân xuất viện, 76 trường hợp tử vong. Sau 2 tháng thành phố mở cửa trở lại, nhiều tuần nay vẫn duy trì dịch ở mức độ 2. Tuy nhiên, số lượng F0 vẫn tăng cao.

Đại diện Sở y tế TP.HCM cho biết, số ca tử vong đa số ở độ tuổi 50 có bệnh nền, chưa tiêm vaccine Covid-19. Về tổng số mũi vaccine được triển khai, đến nay gần 8 triệu mũi 1, gần 7 triệu mũi 2.

Trả lời báo chí liên quan đến địa bàn quận 4 nâng cấp độ dịch từ 2 lên cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng cam). Bà Lê Thị Trúc Mai, Phó chủ tịch UBND quận 4 giải thích nguyên nhân do người dân chủ quan sau khi tiêm vaccine mũi 2 có thể miễn nhiễm Covid-19 nên thoải mái giao lưu gặp gỡ trong cộng đồng.

Ngoài ra, địa bàn quận 4 có nhiều xóm lao động, hẻm nhỏ chằng chịt. Quận đánh giá, phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính.

Bà Mai cho biết thêm, số người mắc Covid-19 trên địa bàn đến nay là 18 ngàn người. Cách ly điều trị tại bệnh viện gần 500 người. Ngoài ra, cách ly tại nhà gần 400 và 50 trường hợp đang được làm hồ sơ đi cách ly do nơi ở không đủ điều kiện.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi: "Trên thị trường hiện tượng mua bán thuốc Molnupiravir đang diễn ra công khai, bất hợp pháp. Vấn đề này được giải quyết thế nào?".

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, đây là thuốc chưa được phép lưu hành. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp.

“Sở đã phối hợp công an thành phố điều tra truy vết các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm”, bà Mai nói.

Bà Mai cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Y tế cấp phát cho TP.HCM hơn 25.000 liều Molnupiravir. Thành phố điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir kháng virus từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn.

Ngoài thuốc kháng virus Molnupiravir, ngành y tế thành phố được Bộ y tế cung ứng 2.300 liều Faipiravir cùng nhóm. Ngoài ra, còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc. Hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.

Qua đó, thành phố có lượng thuốc được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát rộng rãi cho người dương tính cần sử dụng”, bà Mai cho biết.

Cũng theo bà Mai, ngành y tế tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền… Vì vậy, nhóm đối tượng trên khi dương tính, địa phương sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà.

Về tiêm vaccine nhắc mũi 3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, liều tiêm nhắc được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng.

Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-van-co-so-ca-f0-cao-nhat-ca-nuoc-vi-sao-d535258.html

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sóc Trăng nhận thêm chi viện "tiếp sức"

Ngày 9/12, tỉnh Sóc Trăng đón đoàn cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương về hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch Covid-19.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương phụ trách hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế của tỉnh Sóc Trăng.

Một tuyến đường dẫn vào trung tâm TP.Sóc Trăng trở nên vắng vẻ so với những ngày chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Một tuyến đường dẫn vào trung tâm TP.Sóc Trăng trở nên vắng vẻ so với những ngày chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, đoàn có 30 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đến hỗ trợ Sóc Trăng. Trong đó, có 10 bác sĩ và 20 điều dưỡng.

“Đoàn sẽ hỗ trợ tỉnh ở khu điều trị Bệnh viện dã chiến. Dự kiến một nửa sẽ hỗ trợ ở Bệnh viện 30/4, ở tầng 2 và tầng 3). Rồi bệnh viện điều trị Covid-19, cũng ở tầng 2 và tầng 3”, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng thông tin.

Ngày 4/12, tỉnh Sóc Trăng cũng tổ chức tiếp nhận đoàn gồm 39 cán bộ y, bác sĩ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tăng cường hỗ trợ tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo kết luận của Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Trong đó, thống nhất một số vấn đề như xét nghiệm PCR sàng lọc trong cộng đồng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, khuyến khích người dân tự test nhanh.

Vận động người dân từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine (hoặc tiêm chưa đủ liều) khẩn trương đi tiêm. Trường hợp người dân không đi được đến điểm tiêm thì tổ chức tiêm tại nhà, đảm bảo không bỏ sót. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch để tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng theo kế hoạch của tỉnh.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cũng thống nhất đề xuất của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP.Sóc Trăng về việc thành lập khu thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và cách ly F1 không có nhà trên địa bàn TP.Sóc Trăng tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-soc-trang-nhan-them-chi-vi...

Nam Phi ghi nhận ít ca bệnh nặng do biến thể Omicron hơn so với 2 làn sóng dịch trước

Dữ liệu do Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) công bố cho Tshwane, khu vực đô thị bao gồm Pretoria, nơi xảy ra đợt bùng phát Omicron đầu tiên, cho thấy 1.633 trường hợp nhập viện tại các bệnh viện công và tư vì COVID-19, tính từ ngày 14/11 đến ngày 8/12.

Trong số đó, chỉ 31% trường hợp có các triệu chứng nặng, cần thở oxy hoặc thở máy. Tỷ lệ này vẫn ít hơn so với 66% tỷ lệ ca bệnh nặng ở đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai và 67% trong những tuần đầu của đợt dịch đầu tiên.

Các nhân viên y tế hỗ trợ người bệnh tại một bệnh viện ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Các nhân viên y tế hỗ trợ người bệnh tại một bệnh viện ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Cuối ngày 9/12, NICD cho biết trong ngày, Nam Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục - 22.391 trường hợp. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ở mức thấp với 22 trường hợp. 

Các nhà khoa học Nam Phi là những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về biến thể Omicron vào cuối tháng trước khi họ phát hiện một số lượng lớn đột biến bất thường, đặc biệt là trên protein đột biến có tác dụng giúp virus xâm nhập vào cơ thể người. 

Kể từ đó, họ đã nhanh chóng tìm hiểu về các đột biến của biến thể và khả năng dễ lây lan hơn, mức độ ảnh hưởng của Omicron đến con người cũng như khả năng "né" hệ miễn dịch của những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

NICD cảnh báo rằng nghiên cứu có một số hạn chế cố hữu vì vẫn chưa được đánh giá ngang hàng. Ngoài ra, nhà chức trách nói thêm rằng các trường hợp nghiêm trọng có thể tăng lên khi làn sóng thứ 4 bắt đầu.

Báo cáo cũng không nói gì về việc liệu các bệnh nhân được nghiên cứu đã được tiêm chủng hay chưa, vì vậy không rõ liệu có phải do mức độ bao phủ vaccine cao hơn có giúp làm giảm các triệu chứng bệnh hay không. Các nghiên cứu ban đầu cũng đã chỉ ra biến thể Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn nhiều so với bất kỳ biến thể nào trước đó nhưng các triệu chứng đó có thể ít nghiêm trọng hơn, với mức độ nhập viện thấp hơn, đặc biệt là ở những bệnh nhân được tiêm chủng.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/nam-phi-ghi-nhan-it-ca-benh-nang-do-bien-the-omicron-ho...

Hà Nội: Phát hiện 4 trường hợp F0 trong số 126 khách tụ tập tại quán karaoke ở Trần Duy Hưng

Ngày 9/12, nguồn tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, khoảng 0h20 cùng ngày, Tổ tuần tra của Công an phường Trung Hòa phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng Monaza tại 194 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) có dấu hiệu lén lút hoạt động, vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Lực lượng chức năng tạm thời phong toả cơ sở kinh doanh số 194 Trần Duy Hưng. Ảnh: Người Lao Động

Lực lượng chức năng tạm thời phong toả cơ sở kinh doanh số 194 Trần Duy Hưng. Ảnh: Người Lao Động

Cụ thể, mặc dù cơ sở đã khóa cửa chính, tắt đèn nhưng cửa ngách vẫn có người đi ra đi vào. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong quán có khoảng 126 khách đang ăn uống tại tầng hầm B1, tầng 1 và tầng 11 tại cơ sở này.

Lực lượng chức năng đang tạm phong tỏa cả nhà hàng để phục vụ việc truy vết và xét nghiệm cho hơn 100 người. Bên ngoài khu vực nhà hàng, khoảng 15 cán bộ chiến sĩ công an làm công tác bảo vệ, đặt biển cảnh báo người dân không lại gần khu vực.

Đến 5h ngày 9/12, việc test nhanh COVID-19 mới hoàn thành. Kết quả có 4 khách dương tính SARS-CoV-2. Lực lượng công an phường đã phối hợp với y tế phong tỏa và yêu cầu khách ở lại để phối hợp xác minh làm rõ.

Riêng đối với 4 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2, cơ quan chức năng tổ chức cách ly một phòng riêng. Toàn bộ khách vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm PCR trong nhà hàng.

Theo Công an TP.Hà Nội, cơ sở này đã nhiều lần vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Hiện, Công an phường Trung Hòa đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ha-noi-phat-hien-4-truong-hop-f0-trong-so-126-khach-tu-...

Quảng Nam thêm 118 ca Covid-19, có tới 83 ca cộng đồng

Tối 9-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết từ 16 giờ ngày 8-12 đến 16 giờ ngày 9-12, địa phương này ghi nhận 118 ca mắc mới. 

Trong đó, 83 ca phát hiện ở cộng đồng (Điện Bàn 39 ca, Duy Xuyên 16 ca, Núi Thành 13 ca, Hội An 6 ca, Tam Kỳ 5 ca, Thăng Bình 2 ca, Đại Lộc 1 ca, Quế Sơn 1 ca) và 35 ca đã được giám sát, cách ly từ trước.

Cụ thể, thị xã Điện Bàn ghi nhận 47 ca, trong đó 39 ca cộng đồng (Điện Phương 7 ca, Điện An 4 ca, Điện Dương 3 ca, Điện Hòa 2 ca, Điện Nam Bắc 3 ca, Điện Nam Đông 3 ca, Điện Nam Trung 2 ca, Điện Ngọc 5 ca, Điện Phong 2 ca, Điện Phước 3 ca, Điện Quang 1 ca, Điện Thắng Bắc 2 ca, Điện Thắng Trung 1 ca, Điện Thọ 1 ca) và 8 ca đã giám sát, cách ly.

Số ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở Quảng Nam tăng cao

Số ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở Quảng Nam tăng cao

Huyện Duy Xuyên ghi nhận 16 ca cộng đồng (Duy Vinh 11 ca, Duy Nghĩa 3 ca, Duy Phú 1 ca, Nam Phước 1 ca).

Huyện Núi Thành ghi nhận 29 ca, trong đó có 13 ca cộng đồng (thị trấn Núi Thành 11 ca, Tam Xuân I 2 ca) và 16 ca đã giám sát, cách ly (thị trấn Núi Thành 13 ca, Tam Tiến 3 ca).

TP.Hội An ghi nhận 11 ca tại Cẩm Hà, trong đó 6 ca cộng đồng và 5 ca đã giám sát, cách ly. TP.Tam Kỳ ghi nhận 5 ca cộng đồng (An Xuân 4 ca, Phước Hòa 1 ca).

Huyện Thăng Bình ghi nhận 4 ca, trong đó 2 ca cộng đồng tại thị trấn Hà Lam và 2 ca đã giám sát, cách ly. Huyện Đại Lộc ghi nhận 2 ca, trong đó 1 ca cộng đồng tại Đại Hồng và 1 ca đã giám sát, cách ly tại Đại Hưng.

Huyện Quế Sơn ghi nhận 2 ca, trong đó 1 ca cộng đồng tại Quế Xuân và 1 ca đã giám sát, cách ly tại Quế Châu. Huyện Tiên Phước ghi nhận 2 ca đã giám sát, cách ly tại Tiên Cẩm và Tiên Thọ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/quang-nam-them-118-ca-covid-19-co-toi-83-ca-cong-dong-20211...

Số ca mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới

Sáng ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống thời gian qua và phương hướng thời gian tới. Đây là phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 10/12. Ảnh VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 10/12. Ảnh VGP

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia triệu tập cuộc họp trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu cho thời gian tới.

Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất cách làm, mục tiêu, lộ trình thực hiện, triển khai các giải pháp một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề: Tình hình dịch bệnh; kinh nghiệm, bài học trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh;

Việc thực hiện chiến lược vaccine, tiêm vaccine; việc chuẩn bị và cung ứng thuốc điều trị; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch; việc khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; vấn đề mở cửa lại trường học.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần, số mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố).

Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine.

Hiện thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới. Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.

Nguồn: https://danviet.vn/so-ca-mac-cong-dong-tang-tai-40-tinh-thanh-pho-nguy-co-xuat-hien-cac...

Nam sinh lớp 9 mắc Covid-19, một trường ở Hà Nội tạm dừng học trực tiếp

Sáng 10/12, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GDĐT huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, một nam sinh lớp 9 của Trường THCS Minh Cường vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội công bố dương tính SARS-CoV-2. Học sinh tên là Đ.A.T. (SN 2007, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín). 

Trường THCS Minh Cường tạm dừng học tập trực tiếp sau khi ghi nhận nam sinh lớp 9 nhiễm Covid-19. Ảnh: Trần Công Nghĩa

Trường THCS Minh Cường tạm dừng học tập trực tiếp sau khi ghi nhận nam sinh lớp 9 nhiễm Covid-19. Ảnh: Trần Công Nghĩa

"Sau khi học sinh có kết quả dương tính SARS-CoV-2 lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn, tạm dừng việc học toàn bộ lớp 9 với hơn 100 học sinh Trường THCS Minh Cường. Bên cạnh đó lấy mẫu xét nghiệm 43học sinh liên quan, hiện còn 7 trường hợp đang chờ kết quả, còn lại âm tính", ông Ý thông tin.

Lãnh đạo GDĐT huyện Thường Tín cũng cho hay, sau khi có kết quả xét nghiệm học sinh trong trường đơn vị sẽ xem xét về việc cho học sinh tiếp tục đến trường học trực tiếp.

Trước đó, sáng 22/11, sau thời gian dài phải học online để phòng dịch Covid-19, toàn bộ học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã ngoại thành của Hà Nội đã được quay trở lại trường học trực tiếp.

Nguồn: https://danviet.vn/nam-sinh-lop-9-mac-covid-19-mot-truong-o-ha-noi-tam-dung-hoc-truc-ti...

COVID-19 9/12: F0 điều trị tại nhà tăng rất cao mỗi ngày, y tế cơ sở nhiều nơi quá tải
Số lượng F0 tăng rất cao mỗi ngày, tương ứng với tỉ lệ bệnh nhân điều trị tại nhà cũng tăng lên rất cao…

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19