COVID-19 29/4: Quốc gia đầu tiên tạm dừng tiêm ngừa COVID-19

H.A - Ngày 29/04/2022 12:14 PM (GMT+7)

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo tạm dừng chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 toàn quốc vì dịch bệnh ở nước này đã được kiểm soát.

7 diễn biến

Quốc gia đầu tiên tạm dừng tiêm ngừa COVID-19

Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên tạm ngừng chương trình tiêm ngừa COVID-19 cho người dân của mình với lý do là hiện tại dịch đã được kiểm soát, đài CNBC hôm 28-4 cho hay.

Trong một thông báo ngày 27-4, cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết: “Mùa xuân đã đến, tỉ lệ bao phủ vaccine trong dân số Đan Mạch cao và dịch bệnh đã được kiểm soát. Do đó, Ủy ban Y tế Quốc gia đang tiến hành kết thúc các chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 toàn quốc vào thời điểm này”. Thông báo cũng cho biết người dân sẽ không được mời đi tiêm vaccine kể từ ngày 15-5.

Cơ quan y tế Đan Mạch cho biết chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của Đan Mạch đã bắt đầu ngay sau dịp lễ Giáng sinh năm 2020 và hiện tại có khoảng 4,8 triệu dân đã được chủng ngừa, với hơn 3,6 triệu người được tiêm mũi tăng cường. Ngoài ra, nhiều người đã bị nhiễm COVID-19 kể từ khi biến thể Omicron trở thành chủng virus hoành hành, như vậy có nghĩa là mức độ miễn dịch trong dân số nước này đã cao.

Một người dân Đan Mạch được chủng ngừa COVID-19. Ảnh: EPA-EFE

Một người dân Đan Mạch được chủng ngừa COVID-19. Ảnh: EPA-EFE

Tuy nhiên, theo cơ quan này, chương trình tiêm chủng sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn mà có thể người dân sẽ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào mùa thu khi virus gây dịch bệnh này tiếp tục đột biến. Trong khoảng thời gian đó, các chuyên gia y tế của Đan Mạch sẽ xem xét đối tượng nào nên tiêm vaccine, khi nào nên tiêm và loại vaccine nào nên được sử dụng.

Cơ quan Y tế và Dược phẩm Đan Mạch nói rằng sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và sẵn sàng khởi động lại các chương trình tiêm chủng nếu có nhu cầu tiêm mũi bổ sung cho các nhóm đối tượng trước mùa thu.

Quản lý đơn vị chuyên về bệnh truyền nhiễm của Uỷ ban Y tế Quốc gia Đan Mạch - bà Bolette Soborg cho biết: “Chúng tôi đang kiểm soát tốt dịch bệnh và dường như dịch bệnh đang lắng xuống. Tỉ lệ nhập viện đang ổn định và chúng tôi cũng dự đoán tỉ lệ này sẽ sớm giảm xuống. Do đó, chúng tôi sẽ tạm ngừng chương trình tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19”.

Tuy nhiên, bà Soborg nhấn mạnh rằng người dân vẫn có thể tiêm vaccine trong suốt mùa xuân và mùa hè nếu muốn và các điểm tiêm chủng sẽ vẫn mở trên toàn quốc. Bà nói thêm rằng vẫn khuyến khích những người có nguy cơ trở nặng cao tiêm vaccine ngừa COVID-19, chẳng hạn như những người trên 40 tuổi và phụ nữ mang thai. Bà cũng khuyến nghị mọi người nên hoàn thành nghĩa vụ tiêm chủng của mình.

Việc tạm dừng chương trình tiêm chủng của Đan Mạch được đưa ra trong bối cảnh tình hình ứng phó với COVID-19 của thế giới vẫn còn khác nhau. Cụ thể, châu Âu và Mỹ đã dỡ bỏ gần hết các hạn chế phòng dịch nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng theo đuổi chiến lược zero-COVID, truy vết hết các ca nhiễm trong cộng đồng.

Nguồn: https://plo.vn/quoc-gia-dau-tien-tam-dung-tiem-ngua-covid-19-post677968.html

Thủ tướng nhắc dịch đợt 4 bùng phát dịp nghỉ lễ 30-4, yêu cầu không chủ quan

Ngày 29-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022. Các thành viên Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam bước sang quý II/2022 trong bối cảnh xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, giá cả nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, giá vận tải thế giới tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chuỗi cung ứng lao động, giao thông vận tải xảy ra đứt gãy ở một số nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng GDP sụt giảm. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp.

Ở trong nước, lãnh đạo Chính phủ cho biết dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ do có thể xuất hiện những biến chủng mới trên thế giới. Các cấp, các ngành quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội...

Ngoài ra, nhiều vấn đề tồn đọng liên quan tới các tổ chức tín dụng yếu kém được tiếp tục giải quyết trong tháng 4, cùng với đó là tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém. Thủ tướng cũng nhắc đến chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua đã ghi nhận tình trạng chậm tiến độ tại dự án nhiệt điện Long Phú 1 đang chậm tiến độ, cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tại ý nghĩa của hội nghị về phát triển thị trường vốn tổ chức ngày 22-4, với tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế nhưng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. 

Về tình tình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Vị thế và uy tín đất nước ta trên thị trường quốc tế được nâng lên.

Nhắc lại đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4-2021 trong dịp nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vắc-xin lớn nhưng độ mở cửa cũng rất lớn.

Về nhiệm vụ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý đến công tác chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, SEA Games 31…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại phiên họp, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.

Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 4 khá sôi động. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỉ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 ngàn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.

Công tác an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-nhac-dich-dot-4-bung-phat-dip-nghi-le-30-4-yeu-cau...

Cả nước có 8.004 F0 mới, ca tử vong do COVID-19 thấp nhất trong gần 10 tháng qua

COVID-19 29/4: Quốc gia đầu tiên tạm dừng tiêm ngừa COVID-19 - 3

Nguồn: https://tienphong.vn/ca-nuoc-co-8-004-f0-moi-ca-tu-vong-do-covid-19-thap-nhat-trong-gan...

Tìm ra nơi trú ẩn chưa từng biết của SARS-CoV-2 trong cơ thể người

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature, dẫn đầu bởi từ Đại học Yale (Mỹ), đã phát hiện ra SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào miễn dịch của con người, chứ không chỉ các tế bào biểu mô lót phổi như các phát hiện trước đây.

Virus SARS-CoV-2 - Ảnh: MEDICAL XPRESS

Virus SARS-CoV-2 - Ảnh: MEDICAL XPRESS

Chính điều này đã khiến các thể viêm của cơ thể, khi nhận thấy các tế bào bị bệnh này, đã sản xuất và giải phóng ồ ạt các cytokine. Cytokine khiến tế bào miễn dịch mang SARS-CoV-2 nhanh chóng "tự sát" trong nỗ lực loại bỏ nhiễm trùng, nhưng đồng thời cũng thu hút nhiều tế bào viêm phổi hơn từ máu, tạo ra một vòng lẩn quẩn khiến bệnh nhân bị viêm phổi nặng.

"Nó như một hệ thống phát sóng, nhưng trong trường hợp này, thông điệp có thể gây chết người" - giáo sư miễn dịch học Richard Flavell từ Viện Y khoa Howard Hughes, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Theo Medical Xpress, bước nghiên cứu trên chuột đã tìm ra một cách giải quyết: chặn một con đường lây nhiễm gọi là NLPR3. Điều này không giúp các tế bào miễn dịch không bị nhiễm bệnh, nhưng khiến chúng không còn gây viêm được nữa, từ đó giảm bớt tác hại của cơn nổi loạn hệ miễn dịch.

Quá trình chặn NLPR3 có thể khiến giải phóng nhiều virus hơn bởi "trói" phần nào hệ miễn dịch, tuy nhiên điều này có thể được giải quyết bằng cách phối hợp với các thuốc kháng virus sẵn có. Theo giáo sư Flavell, dù chưa có thuốc được chấp thuận nào dùng để chặn NLPR3 trên thị trường, nhưng một số công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đang phát triển chúng.

Những nghiên cứu giúp chỉ ra hướng giải quyết cho những ca bệnh nặng như thế này hiện đang được chú trọng ở nhiều quốc gia, bởi trận chiến chống Covid-19 của thế giới đang có xu hướng chuyển dịch từ phòng bệnh cho cộng đồng sang tập trung ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở một số đối tượng nhất định, trong bối cảnh chủng Omicron và các dòng phụ ngày một xuất hiện: thoát miễn dịch, lây nhanh nhưng độc lực thấp, chủ yếu nguy hiểm ở đối tượng nguy cơ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tim-ra-noi-tru-an-chua-tung-biet-cua-sars-cov-2-trong-co-th...

Covid-19: Bắc Kinh hành động khẩn cấp, số ca Thượng Hải đang giảm

Reuters cho biết hầu hết trong số 22 triệu cư dân Bắc Kinh đã sẵn sàng cho đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt. Ngày 28-4, chính quyền thủ đô của Trung Quốc đóng cửa một số không gian công cộng và tăng cường kiểm tra tại các địa điểm khác.

Tuần này, Bắc Kinh triển khai 3 đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt tại một số quận, đồng thời phong tỏa những khu dân cư, văn phòng và một trường đại học sau khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới. 

Siêu công viên giải trí Universal Studios ở Bắc Kinh tối 27-4 thông báo sẽ yêu cầu du khách trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 nếu muốn vào đây. Trên khắp thủ đô, các trường hợp dương tính với Covid-19 được tìm thấy trong số gần 20 triệu mẫu xét nghiệm hàng loạt đầu tiên. Riêng ngày 28-4, Bắc Kinh báo cáo 50 ca mắc mới Covid-19, tăng từ 34 ca một ngày trước đó. Kể từ hôm 22-4, Bắc Kinh ghi nhận hơn 160 ca mắc Covid-19, bao gồm hơn một nửa đến từ quận Triều Dương đông dân nhất của thủ đô.

Hành khách đeo khẩu trang tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh ngày 28-4. Ảnh: Reuters

Hành khách đeo khẩu trang tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh ngày 28-4. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, Bắc Kinh cố gắng tránh làm gián đoạn nền kinh tế, cho phép cư dân đi làm trừ khi phát hiện ca mắc Covid-19 và cần phải phong tỏa cục bộ. Tuy nhiên, trung tâm chính trị của Trung Quốc này đang tìm cách tránh lệnh phong tỏa như TP Thượng Hải.

Khi đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tấn công Thượng Hải, nơi đây chỉ ghi nhận dưới 100 ca mắc/ngày từ hôm 1-3 đến 10-3. Nhưng sau đó, số ca mắc tăng gấp đôi và tăng mạnh lên hơn 700 ca hôm 20-3. Đến cuối tháng 3, Thượng Hải chứng kiến hàng ngàn ca mắc Covid-19 dẫn đến lệnh phong tỏa trên toàn thành phố có 25 triệu cư dân sinh sống.

Tuy nhiên, hôm 27-4, số ca mắc Covid-19 không triệu chứng ở Thượng Hải giảm còn 9.330 ca, tương đương 22% so với một ngày trước đó và cũng là mức thấp nhất trong 24 ngày qua. Thành phố này đang tập trung tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các nhóm tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi, và có thể nới lỏng các hạn chế trong thời gian tới.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-bac-kinh-hanh-dong-khan-cap-so-ca-thuong-ha...

Trung Quốc hủy hàng trăm chuyến bay vì 1 ca nghi mắc Covid-19

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đỉnh dịch đầu năm 2020. Thượng Hải đang ghi nhận hàng chục ca tử vong mỗi ngày và Bắc Kinh phong tỏa những khu vực ghi nhận ca mắc Covid-19 mới.

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đỉnh dịch đầu năm 2020. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đỉnh dịch đầu năm 2020. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, trung tâm công nghệ Hàng Châu gần Thượng Hải hôm 27-4 yêu cầu 9,4 triệu cư dân trong tổng số 12,2 triệu dân thành phố phải xét nghiệm mỗi 48 giờ nếu họ muốn tiếp cận không gian công cộng và phương tiện giao thông. Mục đích "quét sạch" virus của chính quyền thành phố làm dấy lên lo ngại về khả năng áp đặt thêm những hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa.

Trung Quốc đã ghi nhận 11.367 trường hợp mắc Covid-19 mới hôm 28-4. Hơn 10.000 ca trong số đó được phát hiện ở Thượng Hải, nơi ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm sau đợt phong tỏa kéo dài vài tuần.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), theo Bloomberg, số ca mắc Covid-19 đã tăng đột biến lên hơn 10.000 ca hôm 28-4, hơn gấp đôi chỉ trong vài ngày trong bối cảnh chính quyền hòn đảo tìm cách tránh áp đặt biện pháp hạn chế rộng rãi gây tổn hại nền kinh tế.

Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho biết số ca nhiễm đã tăng lên 11.353. Con số này tăng từ mức 5.108 ca hôm 25-4 và từ 2.969 ca trong tuần trước.

Đài Loan vốn được xem là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch Covid-19, có số ca tử vong do Covid-19 dưới 850. Gần 80% dân số đã tiêm hai liều vắc-xin trong khi khoảng 57% người dân đã tiêm liều thứ 3 tính đến hôm 27-4.

Trong khi quy định cách ly bắt buộc vẫn còn áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với ca mắc Covid-19, các quan chức Đài Loan đã rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 3 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tại Mỹ, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho rằng Mỹ không còn trong "giai đoạn đại dịch" sau hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành tại nước này.

Trả lời phỏng vấn kênh PBS, ông Fauci nói rằng: "Giờ đây có thể chắc chắn đất nước chúng ta đã qua giai đoạn đại dịch. Mỹ không còn chứng kiến 900.000 ca nhiễm hay hàng chục ngàn ca nhập viện, hàng ngàn ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Những con số này hiện ở mức rất thấp".

Tuy nhiên, cố vấn này cảnh báo chưa thể tiêu diệt được virus SARS-CoV-2 và cho rằng các nỗ lực, chẳng hạn như tiêm chủng, có thể phải tiếp tục hằng năm để giữ mức độ lây nhiễm ở mức thấp.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-huy-hang-tram-chuyen-bay-vi-1-ca-nghi-mac...

Thế giới bước vào "hậu đại dịch" Covid-19?

Theo hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu vừa tuyên bố 60%-80% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã nhiễm Covid-19, trong bối cảnh khối này chính thức bước vào giai đoạn "hậu khẩn cấp" của đại dịch: Các nước thành viên sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới, Covid-19 sẽ được giám sát tương tự dịch cúm.

 Điều này có nghĩa xét nghiệm cộng đồng ngay cả ở người có triệu chứng sẽ bị bãi bỏ ở một số quốc gia EU, chỉ còn xét nghiệm giám sát ở các nhóm ưu tiên.

Cơ quan y tế công cộng của EU cho hay các ca bệnh được báo cáo đã chiếm khoảng 30% dân số nhưng nếu thêm vào các ca chưa được báo cáo, tỉ lệ này sẽ vào khoảng 77%, tương ứng 350 triệu người.

Tuy vậy, số ca tử vong giảm dần khi Omicron có độc lực thấp hơn các biến chủng lan rộng trước đây. 70% dân số EU cũng đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với 50% tiêm mũi tăng cường.

Các vũ công lộng lẫy trong đêm thứ hai của vũ hội Carnival tại Rio de Janeiro - Brazil hôm 24-4 Ảnh: REUTERS

Các vũ công lộng lẫy trong đêm thứ hai của vũ hội Carnival tại Rio de Janeiro - Brazil hôm 24-4 Ảnh: REUTERS

Tại nhiều quốc gia Mỹ Latin, khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề với Brazil và Peru thuộc nhóm có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, các biện pháp hạn chế cũng được nới lỏng.

Sắp tới, Colombia bỏ quy định đeo khẩu trang ở nhiều khu vực công cộng, bao gồm rạp chiếu phim; Chile mở cửa biên giới sau 2 năm "kín cổng cao tường"; Tổng thống Mexico tuyên bố đại dịch đã chấm dứt… Vũ hội đường phố Carnival tưng bừng trên đường phố Rio de Janeiro - Brazil giữa tuần này với hơn 60.000 người tham dự cũng không phải đeo khẩu trang.

Hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latin đã đạt được tỉ lệ tiêm chủng theo khuyến cáo của WHO là trên 70%. Số ca mắc và tử vong trong tháng 4-2022 hầu như giảm xuống mức của 2 tháng đầu khi đại dịch xảy ra. Đơn cử ở Peru, từ 200 ca tử vong mỗi ngày hồi tháng 2 đã giảm xuống khoảng 20 ca/ngày vào cuối tháng 4.

Một số chuyên gia tin rằng nhờ tiêm chủng và nhiều tháng liền vật lộn với nhiều chủng SARS-CoV-2 khác nhau mà khu vực này kháng lại được các làn sóng dịch mới, kể cả do chủng BA.2 đang làm mưa làm gió gây ra.

Trong cuộc họp báo ngày 26-4, Điều phối viên Covid-19 mới của Nhà Trắng - tiến sĩ Ashish K.Jha - tuyên bố Mỹ không tìm cách ngăn chặn mọi con đường lây nhiễm nữa mà tập trung cho chiến lược bảo vệ đối tượng nguy cơ.

Số ca mắc mới ở Mỹ dù đang tăng nhưng số ca tử vong liên tục giảm. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho thấy 58% dân số nước này đã mắc Covid-19, riêng trẻ em nhiễm tới 3/4.

Tờ New York Times dẫn lời tiến sĩ Jha cho rằng điều quan trọng nằm ở chỗ hệ thống y tế có bị quá tải hay không và số ca nhập viện/tử vong nhiều hay ít. Do đó, khả năng tiếp cận vắc-xin và các phương pháp điều trị tiên tiến, bao gồm thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, là tối quan trọng.

Tương tự, chiến lược "hậu đại dịch" của EU - do Ủy viên Y tế Stella Kyriakides soạn thảo - cũng hướng tới 2 mũi nhọn là thuốc kháng virus và vắc-xin thế hệ mới, được cải tiến để phù hợp hơn với các biến chủng thoát miễn dịch.

Tuy nhiên, chính sách riêng của từng quốc gia chỉ có ý nghĩa trong phạm vi hẹp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới là cơ quan có trách nhiệm tuyên bố đại dịch và chấm dứt đại dịch như một động thái có ý nghĩa pháp lý rộng lớn trên nhiều lĩnh vực.

Báo cáo gần đây nhất của WHO vào ngày 26-4 cho thấy số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu trong tuần trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn kêu gọi các quốc gia thận trọng và duy trì hệ thống giám sát Covid-19, bao gồm xét nghiệm và giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2. 

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-buoc-vao-hau-dai-dich-covid-19-202204290854...

Thông tin mới nhất về đợt gió mùa Đông Bắc đang tràn xuống, miền Bắc mưa lạnh dịp lễ 30/4
Từ ngày 1/5, các tỉnh miền Bắc chuyển mưa lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18-21 độ, vùng núi Bắc Bộ chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến...

Dự báo thời tiết

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19