Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có 166 trường hợp là giáo viên, học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
10 diễn biến
Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt giáo viên và học sinh dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 7/2, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có 166 trường hợp là giáo viên, học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đang được cách ly điều trị tại nhà và các cơ sở y tế.
Ngoài ra, toàn thành phố có 853 học sinh, 52 giáo viên là F1 đang được cách ly y tế tại nhà. Tuy nhiên, nhiều trường, đặc biệt là khu vực miền núi, việc test nhanh tầm soát trong ngày đầu đến trường không thực hiện được.
Trước khi đón học sinh đi học trở lại, nhiều trường đã tổ chức test nhanh tầm soát COVID-19 cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyên truyền, vận động để phụ huynh chủ động xét nghiệm cho con em mình trước khi học sinh trở lại trường học tập.
Qua test nhanh tầm soát đã phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 và kịp thời áp dụng các biện pháp để tránh lây lan trong trường học.
Ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện miền núi Quan Hóa cho biết, việc test cho tất cả học sinh chỉ áp dụng đối với khu vực phức tạp về tình hình dịch. Cả huyện hơn 11.000 giáo viên và học sinh thì không đủ test để làm. Tuy nhiên, đối với tất cả giáo viên ở miền xuôi lên sau kỳ nghỉ tết thì đều phải thực hiện test nhanh.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh khử khuẩn trường lớp học, bổ sung các dung dịch rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, đồng thời xây dựng kế hoạch học tập thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-72-sau-tet-nguyen-dan-166-giao-vien-va-ho...
Nghệ An thêm 845 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 146 ca cộng đồng
Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 6/2/2022 đến 6h00 ngày 7/2/2022), Nghệ An ghi nhận 845 ca dương tính mới với Covid-9 tại 15 địa phương (Yên Thành 211 ca, Nghi Lộc 169 ca, Tp.Vinh 116 ca, Nam Đàn 105 ca, Cửa Lò 58 ca, Hưng Nguyên 43 ca, Thanh Chương 41 ca, Diễn Châu 33 ca, Quỳnh Lưu 33 ca, Hoàng Mai 15 ca, Nghĩa Đàn 8 ca, Quỳ Hợp 8 ca, Tân Kỳ 2 ca, Kỳ Sơn 2 ca, Tương Dương 1 ca).
Trong đó có 146 ca cộng đồng tại 13 địa phương (Tp.Vinh 43 ca, Hưng Nguyên 26 ca, Yên Thành 15 ca, Thanh Chương 15 ca, Cửa Lò 12 ca, Diễn Châu 10 ca, Nam Đàn 9 ca, Quỳnh Lưu 8 ca, Quỳ Hợp 3 ca, Kỳ Sơn 2 ca, Nghi Lộc 1 ca, Nghĩa Đàn 1 ca, Tân Kỳ 1ca); 699 ca đã được cách ly từ trước (669 ca là F1, 25 ca từ ngoại tỉnh có dịch về, 2 ca trong khu cách ly, 3 ca từ nước ngoài về). Ghi nhận 428 ca có triệu chứng, 417 ca không có triệu chứng.
Chiều 6/2, TS.BS Chu Trọng Trang – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tât tỉnh Nghệ An và các đồng chí đi trong đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Hà Huy Tập, phường Trường Thi, Tp.Vinh và các Trạm Y tế xã Xuân Hòa, Trạm Y tế xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn.
Với mục tiêu đảm bảo công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-9 trong thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-9 mùa Xuân trên phạm vi toàn tỉnh, chiến dịch sẽ triển khai đến toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định và đến thời gian tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-9 theo hướng dẫn. Chiến dịch được tổ chức xuyên suốt trong cả 10 ngày nghỉ Tết. Nhân viên y tế có mặt 24/24 giờ tại các điểm tiêm để thực hiện nhiệm vụ. Tất cả những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-9, kể cả những người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh trước đây hoặc có chỉ định hoãn tiêm trong các đợt tiêm trước đều được tiêm vắc-xin và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đi làm xa về địa phương đón Tết và khách du lịch/khách vãng lai...
Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm.
Tại các điểm tiêm, đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-9 như công tác khai báo y tế, phân luồng cho người dân đến làm xét nghiệm Covid-9 và tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-9, kiểm tra hệ thống bảo quản dây chuyền lạnh, kiểm tra vắc-xin, các quy trình liên quan tới an toàn tiêm chủng…
Qua đợt kiểm tra được biết tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn xuất hiện chùm ca bệnh Covid-9, đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát Bệnh tât tỉnh Nghệ An cùng Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn đã xuống thực địa, trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-9 tại cơ sở. Ngày 4/2 sau khi trung tâm Y tế Nam Đàn phát hiện một trường hợp F0 là cô giáo mần non có triệu chứng xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm đã chỉ đạo BCĐ phòng chống dịch xã tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm cộng đồng liên quan và phát hiện ổ dịch tập trung tại 3 xóm Phú Lộc, Đại Lộc và Lộc Tiến với 67 ca đã được phát hiện.
Tại đây, đoàn đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của huyện, xã đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch kịp thời, thành lập trạm thu dung và điều trị F0 tại cơ sở Trạm Y tế Nam Lộc cũ. Để sớm khống chế tiến tới dập dịch một cách nhanh nhất, Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Nam Đàn đã khẩn trương điều tra, bóc tách nhanh chóng F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời rà soát F1 để xét nghiệm, cách ly kịp thời, thiết lập các cơ sở thu dung điều trị F0 và hướng dẫn theo dõi, điều trị các F0 tại nhà. Trong đó, cần chủ động về thuốc, vật tư y tế và các điều kiện thiết yếu khác để chăm sóc, điều trị các ca bệnh. Kích hoạt và phát huy hết khả năng, vai trò của Tổ Covid cộng đồng, cùng tham gia hỗ trợ các gia đình có F0.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu, nâng cao ý thức và trách nhiệm tham gia chống dịch hiệu quả. Chủ động lên các phương án kịch bản để ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát mạnh. Hạn chế các hoạt động tụ tập đông người tại địa phương. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để khống chế dịch trên địa bàn hiệu quả, kịp thời.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 17.540 ca mắc Covid-9 ở 21 địa phương. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 13.319 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 46 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 4175 bệnh nhân.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-845-ca-nhiem-covid-19-trong-do-co-146-ca-cong-d...
Bắc Giang tiêm vắc xin xuyên Tết, tỷ lệ mũi 3 đạt gần 77%
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, chiến dịch tiêm vắc xin mũi 3 trong thời gian nghỉ Tết diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh, đối tượng hướng tới là trẻ em, người lớn có chỉ định. Đến nay, tỷ lệ bao phủ mũi 3 của tỉnh Bắc Giang hiện ở nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất toàn quốc. Toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu đạt 90% trở lên dân số từ 18 tuổi được tiêm 3 mũi vắc xin và tiếp tục tiêm vét, tiêm bổ sung cho người đủ điều kiện.
Các địa phương đã tổ chức linh hoạt hình thức như tiêm tại trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn hoặc lưu động ở các khu, cụm công nghiệp, trường học, nhà văn hóa hay trực tiếp đến nhà.
Ngày mùng 4 và 5 Tết, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã đi kiểm tra công tác tiêm vắc xin xuyên Tết và động viên cán bộ, nhân viên y tế và người dân đến tiêm phòng tại huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tiêm vắc xin cho người dân.
Ông Mai Sơn yêu cầu ngành y tế, các địa phương bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch.
Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đánh giá cao các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức tiêm cố định tại một điểm tập trung và tiêm lưu động tại nhà cho người cao tuổi, có bệnh lý nền, đi lại khó khăn.
Những địa phương tích cực tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID - 19 xuyên Tết như: huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế, thành phố Bắc Giang. Các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều bố trí nhân viên trực sẵn sàng phục vụ người dân đủ điều kiện tiêm vắc xin, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế xử trí kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm.
Sau 8 ngày triển khai chiến dịch, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêm được hơn 13,8 nghìn liều vắc xin, nâng tỷ lệ mũi 3 đạt gần 77%. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang tiêm vét mũi đầu tiên cho 232 người, chủ yếu là người già, có bệnh lý nền.
Nguồn: https://tienphong.vn/bac-giang-tiem-vac-xin-xuyen-tet-ty-le-mui-3-dat-gan-77-post141439...
Số ca dương tính ở Hải Phòng tăng, Hải Dương thêm 7 ổ dịch mới
Tối 6/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương cho biết, riêng ngày mùng 6 Tết, địa phương ghi nhận 568 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày cao kỷ lục tại địa phương. Trong đó, 170 trường hợp ho sốt, sàng lọc cộng đồng. Còn lại là các trường hợp F1, người từ tỉnh khác, người nhập cảnh trở về địa phương.
Theo CDC Hải Dương, địa phương phát sinh 7 ổ dịch mới, gồm: xã Thái Dương, xã Thúc Kháng (huyện Bình Giang); xã Hiệp Cát, Nam Trung (huyện Nam Sách); phường Hiệp An (TX Kinh Môn); xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng) và Công ty TNHH GFT Unique Việt Nam (xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện) với 32 ca bệnh.
Trong ngày địa phương ghi nhận có 2 ca bệnh tử vong là cụ N.T.Đ (90 tuổi, trú huyện Tứ Kỳ) và ông Đ.T.L (76 tuổi, trú TP Hải Dương). Cả hai bệnh nhân đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Cùng ngày, CDC Hải Phòng thông tin trong ngày địa phương ghi nhận thêm 550 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 521 trường hợp tự đi xét nghiệm, 11 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính, những trường hợp còn lại là F1, thuyền viên và xét nghiệm sàng lọc cộng đồng.
Ngoài ra, trong ngày thành phố cảng ghi nhận 4 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.
Hiện TP Hải Phòng đang điều trị 9.169 bệnh nhân, 179 ca bệnh nặng. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm gần 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, học sinh và trẻ em.
Cũng trong ngày 6/2, tại tỉnh Hưng Yên ghi nhận 195 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 9 huyện, thị xã, thành phố.
Tỉnh Hưng Yên hiện đang điều trị cho 690 bệnh nhân tại các cơ sở tập trung, hơn 4.000 trường hợp tại nơi lưu trú.
Nguồn: https://tienphong.vn/so-ca-duong-tinh-o-hai-phong-tang-hai-duong-them-7-o-dich-moi-post...
TPHCM: Ca tử vong do COVID-19 giảm sâu, 5 tuần liên tiếp là vùng xanh
Theo thông báo về cấp độ dịch được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM ký ngày 5/2, tất cả 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục duy trì là vùng xanh (nguy cơ thấp) trên bản đồ COVID-19. Cấp độ dịch được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc COVID-19 mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin COVID-19 và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Ngành y tế và nhân dân TPHCM đã được đón năm mới trong sự bình an sau đợt bùng phát dịch COVID-19.
Báo cáo của sở Y tế TPHCM cho thấy trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dịch COVID-19 liên tiếp giảm sâu cả về số ca mắc mới, số ca nhập viện điều trị và số ca tử vong. Tính riêng trong ngày 6/2, toàn thành phố chỉ ghi nhận 43 ca nhiễm mới và 4 trường hợp tử vong vì COVID-19. Ngành y tế thành phố chỉ còn phải chăm sóc và điều trị cho hơn 3.300 ca mắc COVID-19 tại các bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung và cách ly, điều trị tại nhà.
Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, ngành y tế thành phố đã liên tục duy trì lực lượng trực chiến liên tục để thực hiện nhiệm vụ dự phòng và điều trị COVID-19. Trong đó hoạt động chích ngừa vắc xin đã diễn ra xuyên suốt những ngày Tết trên địa bàn của tất cả các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Đến nay, thành phố đã thực hiện được gần 20 triệu mũi vắc xin, trong đó hơn 8,1 triệu mũi 1; hơn 7,28 triệu mũi 2; hơn 660 nghìn mũi bổ sung và 3,9 triệu mũi nhắc lại.
Mặc dù dịch COVID-19 đã giảm sâu nhưng sự xuất hiện của biến chủng Omicron là vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân giao lưu, đi lại, tiếp xúc nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gia tăng trở lại. Trước tình hình trên, ngành y tế TPHCM đang duy trì khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, bước sang năm 2022 Sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai các phương án theo chỉ đạo của UBND TPHCM về việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, ngành y tế sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến từng người dân đang sinh sống tại thành phố, tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế cho phép thực hiện.
Bên cạnh đó, hệ thống các bệnh viện sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19. Ngành y tế sẽ sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch COVID-19. Một trong những chiến lược nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, diễn tiến nặng và tử vong là hoạt động bảo vệ người nhóm nguy cơ và truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngành y tế sẽ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành và tập trung khôi phục các hoạt động khám chữa bệnh trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ngành y tế sẽ tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện hai chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh COVID-19 và không COVID-19.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-ca-tu-vong-do-covid-19-giam-sau-5-tuan-lien-tiep-la-vung-xan...
Hơn nửa triệu lao động không về quê ăn Tết, dịch bệnh ở Bình Dương vẫn kiểm soát tốt
Ngày 7/2, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, kỳ nghỉ Tết kéo dài và việc người lao động không về quê ăn Tết đông khiến ngành y tế phải triển khai các phương án để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Trong kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch bệnh ở Bình Dương cơ bản được kiểm soát tốt, không có biến động. Số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương không tăng so với trước Tết, dưới 100 ca mỗi ngày. Cùng với đó, số bệnh nhân điều trị tại nhà công bố khỏi bệnh cao từ 500 đến 1.000 trường hợp.
Mỗi ngày, Bình Dương có từ 2 đến 5 ca tử vong, chủ yếu các trường hợp mắc bệnh lý nền, người cao tuổi. Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, để kiểm soát dịch bệnh trong dịp Tết, hạn chế ca mắc COVID-19 tử vong, các cơ sở y tế củng cố hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt trong công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị và đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết thêm, để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế triển khai giải pháp nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà của các trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động.
Ngành y tế chủ trương người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở nên y tế cơ sở phải nâng cao năng lực, chủ động trang thiết bị, nhân lực, nhất là thuốc điều trị, oxy... nhằm thực hiện tốt mục tiêu chẩn đoán, điều trị sớm, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Ngoài ra, ngành y tế Bình Dương cũng đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân. Đây là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và lâu dài đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, thông tin thêm hiện ngành đặc biệt quan tâm công tác phát hiện biến chủng Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn. Y tế cơ sở tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, phối hợp Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tạo thành một hệ thống đánh giá, sớm phát hiện các chủng mới; quan tâm phòng, chống dịch bệnh tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp.
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, Tết Nguyên đán 2022, có hơn 500.000 lao động không về quê. Người lao động được tham gia các hoạt động vui chơi, đón Tết khép kín trong doanh nghiệp, khu nhà trọ.
Hiện nay, hầu hết người dân ở Bình Dương đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và đang triển khai tiêm mũi 3.
Nguồn: https://tienphong.vn/hon-nua-trieu-lao-dong-khong-ve-que-an-tet-dich-benh-o-binh-duong-...
45 ca vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy dịp Tết mới phát hiện bị mắc COVID-19
Ngày 7/2, Bệnh viện viện Chợ Rẫy TPHCM đã thông tin chi tiết về tình hình cấp cứu, điều trị người bệnh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Xét tổng thể về tình hình tai nạn, bệnh tật cần cấp cứu trong Tết 2022 đã giảm nhiều so với Tết 2021, trong suốt kỳ nghỉ bệnh viện chỉ tiếp nhận 2.109 bệnh nhân cấp cứu.
Bệnh nhân cấp cứu tập trung chủ yếu ở nhóm tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đả thương, ngộ độc. Bệnh viện đã chủ động các phương án chuyên môn thực hiện hàng trăm cuộc phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, giúp người bệnh vượt qua tình trạng nguy kịch.
Trung bình mỗi ngày nghỉ Tết tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu 234 bệnh nhân.
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, bệnh viện đã thực hiện các phương án tiếp nhận, điều trị các trường hợp nhiễm được chuyển viện hoặc tự đến theo quy định. Bên cạnh đó, các bệnh nhân cấp cứu được tiếp nhận, can thiệp, phân luồng và thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm COVID-19.
Bằng các giải pháp chủ động kiểm soát, bệnh viện đã phát hiện 45 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR sau khi nhập viện cấp cứu, phân loại bệnh và chuyển lên các khoa chuyên môn.
Trong kỳ nghỉ Tết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho 7 bệnh nhân COVID-19. Số lượng bệnh nhân điều trị COVID-19 nội trú có xu hướng giảm dần từ 116 (ngày 28 ÂL) đến mùng 7 Tết còn 86 bệnh nhân đang điều trị. Trong 9 ngày qua, tại bệnh viện có 16 trường hợp mắc COVID-19 không qua khỏi cơn nguy kịch.
Nguồn: https://tienphong.vn/45-ca-vao-cap-cuu-tai-benh-vien-cho-ray-dip-tet-moi-phat-hien-bi-m...
Đà Nẵng ghi nhận 935 ca Covid-19 trong ngày mùng 7 Tết
Chiều 7-2 (mùng 7 Tết), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 935 ca Covid-19. Trong đó, 732 ca phát hiện ở cộng đồng, 200 ca cách ly tại nhà và 3 ca đã cách ly tập trung.
Cụ thể, 732 ca cộng đồng gồm: 372 ca tự đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm; 270 ca tự test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu; 77 ca có triệu chứng được các trạm y tế lấy mẫu; 10 ca về từ các nơi khác; 3 ca lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quận Thanh Khê là địa phương ghi nhận số ca Covid-19 cao nhất với 219 ca, tiếp đến là quận Cẩm Lệ, 169 ca. Huyện Hòa Vang, 158 ca; quận Liên Chiểu,149 ca; quận Sơn Trà, 129 ca; quận Hải Châu, 86 ca; quận Ngũ Hành Sơn, 15 ca.
Cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay, TP Đà Nẵng đã ghi nhận 27.062 ca Covid-19. Trong 5 ngày, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, số ca Covid-19 tại TP Đà Nẵng giảm xuống, mỗi ngày ghi nhận khoảng gần 800 ca. Đến mùng 6 và mùng 7, số ca Covid-19 có dấu hiệu tăng lên, mỗi ngày có hơn 900 ca.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/da-nang-ghi-nhan-935-ca-covid-19-trong-ngay-mung-7-tet-2022...
Nghệ An chỉ ra nguyên nhân ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến
Trong 12 giờ qua (từ 6h00 đến 18h00 ngày 7/2/2022), Nghệ An ghi nhận 796 ca dương tính mới với Covid-9 tại 15 địa phương (Đô Lương 150 ca, Nghi Lộc 133 ca, Quỳnh Lưu 119 ca, Nam Đàn 94 ca, Diễn Châu 61 ca, Cửa Lò 49 ca, Tp.Vinh 46 ca, Quỳ Hợp 42 ca, Thái Hòa 28 ca, Nghĩa Đàn 25 ca, Quế Phong 17 ca, Con Cuông 16 ca, Tương Dương 11 ca, Quỳ Châu 4 ca, Kỳ Sơn 1 ca).
Trong đó có 184 ca cộng đồng tại 14 địa phương (Quỳ Hợp 34 ca, Tp.Vinh 33 ca, Quỳnh Lưu 27 ca, Nam Đàn 24 ca, Đô Lương 18 ca, Diễn Châu 16 ca, Nghi Lộc 8 ca, Cửa Lò 6 ca, Con Cuông 5 ca, Nghĩa Đàn 5 ca, Thái Hòa 3 ca, Quế Phong 2 ca, Quỳ Châu 2 ca, Kỳ Sơn 1 ca); 612 ca đã được cách ly từ trước (588 ca là F1, 21 ca từ ngoại tỉnh có dịch về, 3 ca trong khu cách ly). Ghi nhận 437 ca có triệu chứng, 359 ca không có triệu chứng.
Theo số liệu từ Sở Y tế Nghệ An cho thấy, từ ngày 29/1/2022 (29 Tết) đến 6/2/2022 (mùng 6 Tết) dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp với tổng số ca ghi nhận là 3.162 ca (riêng từ ngày 29/1-31/1 ghi nhận 934 ca chiếm 29,5%; từ ngày 4/2 - 6/2 ghi nhận 1.683 ca chiếm 53,2%).
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ, số ca mắc Covid-19 thời gian vừa qua chủ yếu là không có triệu chứng; số ca trở nặng, nguy kịch chiếm tỷ lệ rất thấp.
Cụ thể, trong tổng số 3.330 trường hợp đang điều trị, có đến 2.141 ca điều trị tại nhà, 905 ca tại các cơ sở thu dung tuyến huyện; chỉ có 137 ca điều trị tại các bệnh viện dã chiến và 75 ca điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, một trong những nguyên nhân các ca nhiễm có xu hướng gia tăng cuối năm do số lượng người dân trở về địa bàn tỉnh từ các vùng dịch gia tăng và có tỷ lệ nhiễm cao. Qua thống kê trong đợt Tết vừa qua đến ngày 6/2, có khoảng 20% số người nhiễm Covid-19 là người từ các địa phương khác trở về.
Một nguyên nhân khác dẫn đến số liệu tăng là trong 3 ngày cuối kỳ nghỉ lễ, người dân có nhu cầu xét nghiệm để trở lại làm việc gia tăng; một bộ phận ca bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng được ghi nhận do có yếu tố tiếp xúc nguồn lây trong cộng đồng vào dịp trước và trong dịp Tết. Trước diễn biến trên, sáng 7/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành triển khai một số biện pháp chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ họp đánh giá lại tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tiếp theo trên địa bàn; đồng thời đề nghị toàn tỉnh cần tập trung cao độ cho chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân.
Đối với việc tổ chức cho học sinh trở lại trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã yêu cầu ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh trong trường học, mục tiêu là phải đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh khi đi học trực tiếp.
Về quan điểm chỉ đạo chung, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cần phải vào cuộc làm việc ngay, không để tư tưởng đón Tết, vui Xuân kéo dài.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-chi-ra-nguyen-nhan-ca-nhiem-covid-19-tang-dot-bien-a...
Đắk Lắk: Chỉ còn một huyện vùng vàng
Chiều 7/2, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 126 trường hợp mắc Covid-19.
Trong đó, có 93 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Huyện Ea Kar 24 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 15 ca, huyện Ea Súp 13 ca, huyện Krông Năng 9 ca, huyện Cư Kuin 8 ca, thị xã Buôn Hồ 8 ca, huyện Krông Ana 5 ca, huyện Krông Bông 2 ca, huyện Krông Búk 2 ca, huyện Krông Pắk 2 ca, huyện Buôn Đôn 3 ca, huyện Cư Mgar 1 ca, huyện M’Đrắk 1 ca.
Bên cạnh đó, có 25 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện Cư Mgar 12 ca, huyện Ea H’leo 3 ca, huyện Ea Súp 3 ca, huyện Cư Kuin 3 ca, huyện M’Đrắk 2 ca, huyện Krông Ana 1 ca, thị xã Buôn Hồ 1 ca.
Ngoài ra, còn có 8 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Buôn Đôn 3 ca, huyện Cư Kuin 3 ca, huyện Krông Pắk 2 ca.
Như vậy, tính đến chiều 7/2, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 16.703 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 2.106 trường hợp, 14.505 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 92 trường hợp tử vong.
Hiện, trên toàn tỉnh có 21 trường hợp cách ly tập trung và 2.838 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Cũng trong ngày 7/2, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có thông báo cấp độ dịch trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo nội dung thông báo, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 1.
Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố, có 14 địa phương đang ở cấp độ 1 gồm: Tp.Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, huyện Krông Năng, huyện Ea Kar, huyện Krông Búk, huyện Krông Bông, huyện Krông Pắk, huyện Krông Ana, huyện Cư Kuin, huyện M’Đrắk, huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, huyện Cư Mgar. Bên cạnh đó, có một địa phương đang ở cấp độ 2 (vùng vàng) là huyện Ea Súp.
Đối với cấp xã, phường, thị trấn, có 165 xã cấp độ 1, 12 xã cấp độ 2 và 7 xã cấp độ 3.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-chi-con-mot-huyen-vung-vang-a542252.html