COVID-19 8/10: Chuỗi lây nhiễm tại công ty thủy sản đã có đã 260 ca, địa phương chỉ đạo khẩn

H.A - Ngày 08/10/2021 12:14 PM (GMT+7)

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo khẩn trương kiểm tra công tác phòng, chống dịch, quản lý công nhân tại Công ty Út Xi, xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi (Công ty Út Xi, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm tra công tác quản lý công nhân lao động tại Công ty Út Xi.

"Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo rõ.

Công ty Thủy sản Út Xi (Sóc Trăng).

Công ty Thủy sản Út Xi (Sóc Trăng).

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn quản lý, có công nhân đi làm tại Công ty Út Xi phải khẩn trương thực hiện khai báo y tế.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, trong ngày 7/10, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 22 trường hợp dương tính với Covid-19 liên quan đến Công ty Út Xi.

Như vậy, đến nay cơ quan chức năng đã ghi nhận trên 260 trường hợp dương tính với Covid-19 ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng có liên quan đến công ty này.

Lãnh đạo Công ty Út Xi cho biết, lúc cao điểm các xưởng có khoảng 1.100 người làm việc. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, công nhân đi làm trở lại được khoảng 50% sau khi ngưng áp dụng “3 tại chỗ”.

“Công nhân dương tính đang thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến, làm việc ở bộ phận lột vỏ tôm. Chúng tôi đang phối hợp với ngành y tế để điều tra nguồn lây”, chủ doanh nghiệp nói.

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty Út Xi, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế toàn xã Tài Văn với 3.225 hộ (12.649 người) từ 20h ngày 5/10. Tỉnh này cũng điều chỉnh mức độ nguy cơ dịch Covid-19 của xã Tài Văn từ “vùng xanh” sang “vùng đỏ”.

Một phần khu dân cư của ấp Thạnh Lợi (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên) cũng bị cách ly y tế (83 hộ, 270 người). Thị trấn Mỹ Xuyên chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng cam”.

(Theo Báo Giao Thông)

Tìm người đến cửa hàng Vinmart, siêu thị AEON Mall liên quan đến 3 ca cộng đồng ở Hà Nội

Liên quan đến 3 ca mắc COVID-19 cộng đồng chưa rõ nguồn lây ở Hà Đồng, CDC Hà Nội vừa phát đi thông báo khẩn tìm người trên địa bàn thành phố có đến hoặc liên quan những địa điểm sau:

- Xưởng nhôm kính số 24, ngõ Ga Ba La, Hà Đông từ ngày 21/9/2011 đến 07/10/2021.

- AEON Mall Hà Đông khoảng từ 17-17 giờ 30 phút, ngày 01/10/2021.

-  Cửa hàng Vinmart số 70 Lê Trọng Tấn, Hà Đông khoảng 7-8 giờ, ngày 7/10/2021.

- Chợ Đình (Bia Bà), La Khê, Hà Đông khoảng 9-10 giờ, ngày 4-5/10/2021.

- Phòng khám 96 Nhuệ Giang từ 17 giờ - 18 giờ, ngày 04/10/2021.

COVID-19 8/10: Chuỗi lây nhiễm tại công ty thủy sản đã có đã 260 ca, địa phương chỉ đạo khẩn - 2

Người đến những địa chỉ trên liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn  hoặc gọi điện thoại đến số đường dây nóng: Trạm Y tế phường La Khê: 02433.822.086  hoặc Trung tâm Y tế quận Hà Đông: 02433.524.130 hoặc CDC Hà Nội: 0969.082.115; 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.

Sáng 8/10, Sở Y tế vừa công bố 3 ca mắc cộng đồng cùng trong một gia đình, chưa rõ nguồn lây. Đáng lưu ý, 2 trong số 3 ca này làm quản lý cửa hàng nhôm kính trên địa bàn quận Hà Đông. Cụ thể:

- M.T.O, 49 tuổi, ở ngõ 28, tổ 3 La Khê, Hà Đông. Bệnh nhân cùng con trai làm quản lý cửa hàng nhôm kính tại xưởng nhôm kinh số 24 Ba La, Phú La, Hà Đông.

Trong thời gian từ 22/9 đến nay, bệnh nhân thường xuyên làm việc tại cửa hàng. Ngày 01/10, có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, ho tự mua thuốc điều trị tại nhà. Ngày 07/10, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

-  B.Q.T, 21 tuổi, là con trai của bệnh nhân M.T.O. Ngày 4/10, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt tự điều trị tại nhà. Ngày 7/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

- B.Q.V, 61 tuổi, là chồng của bệnh nhân M.T.O. Bệnh nhân này bị tai biến nên thường xuyên chỉ ở nhà không ra ngoài. Ngày 7/10, ông được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Lê Phương

Test nhanh phát hiện nhiều người đã tiêm vắc-xin từ phía Nam về nhiễm SARS-CoV-2

Sáng 8-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 7-10 đến 6 giờ ngày 8-10), tỉnh Nghệ An ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó có 4 trường hợp là người đi từ các tỉnh phía Nam về quê.

Trường hợp thứ nhất là anh P.C.D. (SN 1995), trú xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành. Ngày 7-10, anh D. đi từ TP HCM về đến Yên Thành. Ngay sau khi về địa phương, anh D. được cách ly tập trung tại Trường Mầm non Nam Thành, lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả dương tính. Ngày sau đó, anh D. được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC, sáng 8-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

Rất đông người dân từ các tỉnh phía Nam về quê Nghệ An trong ngày đầu tháng 10-2021 - Ảnh: N. Tú

Rất đông người dân từ các tỉnh phía Nam về quê Nghệ An trong ngày đầu tháng 10-2021 - Ảnh: N. Tú

Trường hợp thứ 2 là ông V.V.Đ. (SN 1973), trú bản Khe Ló, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Tối 6-10, bệnh nhân đi từ TP HCM về đến Con Cuông. Ngay sau khi về địa phương, ông Đ. được cách ly tập trung tại khu cách ly xã Môn Sơn, lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả dương tính. Ngày 7-10, ông Đ. được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC, sáng 8-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, ông Đ. đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19.

Trường hợp thứ 3 là ông N.V.T. (SN 1971), trú bản Khe Ló, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Tối 6-10, ông T. đi từ TP HCM về đến Con Cuông. Sau khi về địa phương, ông T. được cách ly tập trung tại khu cách ly xã Môn Sơn, lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả dương tính. Ngày 7-10, ông T. được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC, sáng 8-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, ông T. đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19.

Trường hợp thứ 4 là chị N.T.T. (SN 1995), trú xóm 5, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu. Ngày 5-10, chị T. đi từ Bình Dương về đến Diễn Châu. Sau khi về địa phương, chị T. được cách ly tập trung tại Trạm Y tế xã Diễn Tân. Ngày 6-10, chị được lấy mẫu gộp làm xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Ngày 7-10, chị T. được lấy lại mẫu làm xét nghiệm, tối 7-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, bệnh nhân T. đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19.

Trường hợp thứ 5 là chị L.T.T.G. (SN 1983), trú khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Chị G. là F1 của bệnh nhân N.T.N. đã được công bố trước đó. Chị G. được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính. Ngày 7-10, chị G. được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 gửi CDC, tối 7-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trước đó, vào tối ngày 7-10, theo CDC Nghệ An, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 7-10, tại Nghệ An ghi nhận thêm 8 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 5 trường hợp là những người dân từ các tỉnh phía Nam về quê.

Như vậy, từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.905 người mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.791 người; số bệnh nhân tử vong 19 người; số bệnh nhân hiện đang điều trị 95 người.

(Theo Người Lao Động)

Tràn lan kit test Covid-19 bằng nước bọt

PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch liên Chi hội Hô hấp TP HCM, cho biết về nguyên lý kit test nhanh vùng dịch tỵ hầu và nước bọt cũng giống nhau. Tuy nhiên, loại nào cũng phải phụ thuộc vào chất lượng của kit test, những loại test nhanh thường độ nhạy khá thấp, chỉ khoảng 60%, vì vậy sẽ bỏ sót F0 nếu như âm tính giả.

Sau khi TP HCM cho phép người dân được sử dụng xét nghiệm bằng kit test nhanh tại nhà, thị trường bày bán các sản phẩm này rất sôi động. Đặc biệt, với các loại kit test nước bọt dù chưa được cấp phép nhưng vẫn được công khai rao bán.

Chỉ cần gõ từ khóa "kit test nước bọt Covid-19" trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, sẽ dễ dàng tìm thấy các trang rao bán loại sản phẩm này.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với người rao bán sản phẩm theo số điện thoại 0346018xxx, theo lời quảng cáo, sản phẩm này là hàng xách tay của Đức với giá bán lẻ 1 hộp 5 kit test là 650.000 đồng. "Muốn hiệu quả chính xác nhất là thực hiện khi vừa ngủ dậy chưa đánh răng, sau 15-20 phút sẽ cho kết quả" - người bán hàng cho biết.

Các loại kit test nước bọt được rao bán trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Các loại kit test nước bọt được rao bán trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc, sản phẩm này đã được cấp phép chưa, người bán hàng cho hay "Sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép. Nếu test dương tính kết quả này sẽ không được công nhận là F0. Nhưng kết quả của các loại test đều như nhau".

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các trang rao bán có nhiều loại kit test như PCL của Hàn Quốc, Realy Tech của Trung Quốc… với nhiều loại giá.

Theo PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, chất lượng của các loại kit rất quan trọng. Nếu kit có chất lượng tốt sẽ có độ đặc hiệu và độ nhạy cao. Hiện nay, trên thị trường sản phẩm kit test nhanh kháng nguyên dùng qua mũi rất nhiều song chất lượng không đồng đều. Các loại test nhanh, kể cả test bằng nước bọt, cho kết quả âm tính giả rất cao, lên đến 40%-50%.

Nguy cơ nơi đông người

PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), cho biết việc cấp phép các loại kit test trước khi được sử dụng phải qua thẩm định của Bộ Y tế. Nếu sản phẩm nào chưa được cấp phép khi đưa vào dùng đều không đúng quy định về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, khi chưa được thẩm định đồng nghĩa với kết quả chưa được bảo đảm.

Theo các chuyên gia, test bằng nước bọt cũng là một trong những phương pháp được các nước trên thế giới công nhận, cho sử dụng. Vấn đề là khi sử dụng cần phải lựa chọn các loại kit đáng tin cậy, có hiệu lực và độ nhạy cao. Đặc biệt là khi sử dụng cần phải tuân thủ theo hướng dẫn, quy trình kỹ thuật.

"Kit test nước bọt được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Họ ưa chuộng bởi nó dễ thực hiện hơn ngoáy mũi. Bởi không phải ai cũng thực hiện đúng kỹ thuật ngoáy mũi, đặc biệt, khi lấy dịch tỵ hầu bằng ngoáy mũi sẽ khó chịu, gây đau" - PGS Mạnh Siêu thông tin.

Nhiều chuyên gia cho rằng sử dụng kit test nước bọt có một số bất lợi, như: trong quá trình lấy mẫu phải khạc nước bọt vào ly (cốc) - hành động này sẽ dễ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu người đó dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, khi thực hiện, cần phải ngồi ngoài trời và làm một mình. Nếu sử dụng kit test nước bọt nơi đông người sẽ không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, khi thực hiện tets nước bọt thì phải súc miệng sạch, đợi khoảng 5-7 phút để dịch tiết ra rồi mới lấy mẫu. Nếu vội, không vệ sinh miệng sạch sẽ dẫn đến kết quả không chính xác. 

“Test nước bọt hay test bằng ngoáy mũi lấy dịch tỵ hầu đều có hạn chế, vẫn có tỉ lệ dương tính hoặc âm tính giả. Mặt khác khi sử dụng sản phẩm test chưa được Bộ Y tế công nhận thì cũng không thể dựa vào kết quả để được công nhận là F0, điều này sẽ gây lãng phí” - PGS Mạnh Siêu nhận định.

(Theo Người Lao Động)

Lâm Đồng xuất hiện chùm ca Covid-19 hàng chục người chưa rõ nguồn lây

Sáng 8-10, tin từ ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết: Trong vòng 1 ngày qua, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 30 ca Covid-19; trong đó, xuất hiện chùm 25 ca Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt), 5 ca còn lại gồm: 2 vợ chồng lái xe chở hàng nội tỉnh, 2 ca là công dân về Bảo Lộc từ TP HCM và 1 ca từ Bình Dương về Lâm Hà.

Riêng, chùm ca bệnh Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt) là trường hợp bệnh nhân T.T.L.H đến khám tại Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và người nhà đi cùng là bệnh nhân T.T.A có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 7-10.

Lực lượng chức năng trắng đêm làm nhiệm vụ liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt.

Lực lượng chức năng trắng đêm làm nhiệm vụ liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 tại Làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt.

Đến 7 giờ sáng nay (8-10), liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 mới tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt) đã phát hiện 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, có 23 ca tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt), 1 ca tại Phường 11, TP Đà Lạt và 1 ca tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Kết quả truy vết có tổng số 104 F1 và 238 F2. Tất cả F1, F2 đều có kết quả test nhanh và RT- PCR âm tính với SARS-CoV-2. Sàng lọc cộng đồng 2.536 người, hiện đang chờ kết quả RT-PCR.

Ngành y tế đang tiếp tục truy vết, sàng lọc cộng đồng tại Làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt) và các khu vực lân cận liên quan dịch tễ của chùm ca bệnh mới này để sớm kiểm soát, khống chế dịch, ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

Đến nay, Lâm Đồng có tổng số 322 ca Covid-19, ra viện 264 trường hợp.

(Theo Người Lao Động)

Cách ly người về quê miền Tây: Mỗi địa phương một kiểu

Ngày 6-10, Bộ Y tế có Công văn 8399 hướng dẫn các tỉnh, thành về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Tuy nhiên, khi thực hiện, các địa phương vùng ĐBSCL vận dụng khác nhau về việc cách ly y tế với người về quê.

Nơi quán triệt theo “khung” của Bộ Y tế

TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch chi tiết việc tiếp nhận người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch, kèm theo là các chính sách hỗ trợ và thực hiện tương đối tốt.

Bà con về đến Kiên Giang sẽ được kiểm tra y tế, phân loại trước khi cách ly. Ảnh: CHÂU ANH

Bà con về đến Kiên Giang sẽ được kiểm tra y tế, phân loại trước khi cách ly. Ảnh: CHÂU ANH

Theo ghi nhận, tại các chốt cửa ngõ TP Cần Thơ, mọi người dân trở về đều được kiểm tra y tế, giấy tờ tùy thân, chứng nhận tiêm vaccine để phân loại, cách ly phù hợp, đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo đó, với người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, Cần Thơ sẽ áp dụng biện pháp cách ly tập trung; với người đã tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì hướng dẫn để thực hiện cách ly tại nhà.

TP Cần Thơ cũng đã kích hoạt 37 khu cách ly tập trung; tăng cường hệ thống điều trị (ba tầng điều trị) và tiếp tục khảo sát, thành lập thêm các khu cách ly y tế tập trung.

Tương tự, tại An Giang, chiều 7-10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Công văn 8399 của Bộ Y tế. “Quan điểm của tỉnh là tất cả đều được tiếp đón chu đáo và đảm bảo an toàn sức khỏe, cũng như được chăm lo đời sống để người dân an tâm” - ông nói.

Trong những ngày qua, An Giang đã tiếp nhận 42.000 người dân về quê.

Chỗ vận dụng gắn thực tế của địa phương

Tuy nhiên, một số nơi lại cho cách ly tập trung với tất cả người về địa phương hoặc cho cách ly “nghiêm ngặt” hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chiều 7-10, lý giải về sự khác biệt này, nhiều lãnh đạo các tỉnh ở ĐBSCL giải thích là địa phương đã có kế hoạch đón người tự về trước khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và địa phương chậm ra văn bản thay thế.

Ví dụ, Hậu Giang đưa đi cách ly tập trung tất cả người tự về. Theo ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Hậu Giang, hiện tổ giúp việc đang nghiên cứu soạn thảo văn bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc cho bà con cách ly tại nhà khi trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh thông qua sẽ triển khai để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung.

Tương tự, Bạc Liêu dự kiến hôm nay (8-10) sẽ có văn bản thay cho phương án cách ly đã thực hiện trước đó, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Riêng Kiên Giang thì đã cho cách ly y tế tại nhà trước khi Bộ Y tế có công văn hướng dẫn.

Riêng Cà Mau, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, cho biết về cơ bản, tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, diễn biến dịch ở địa phương còn phức tạp, một số ổ dịch vẫn còn, có trường hợp điều trị xong nhưng khi về nhà tự cách ly thêm 10 ngày thì tái nhiễm. “Vì vậy, với người đủ điều kiện được cách ly tại nhà (đã tiêm vaccine, đã khỏi bệnh), tỉnh cho cách ly tại nhà 14 ngày và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo…” - ông Thánh nói.

Cũng theo ông Thánh, lẽ ra Cà Mau đã nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 19 từ ngày 4-10 nhưng phải hoãn, tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 có tăng cường. “Khi vận dụng hướng dẫn của bộ, tỉnh cân nhắc, thận trọng và căn cứ thực tế đưa ra thời hạn cách ly để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho cộng đồng” - ông Thánh lý giải.

Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết sở đang tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án cách ly đối với các công dân từ địa phương khác về trên tinh thần công văn của Bộ Y tế. Hiện tỉnh đã tiếp nhận hơn 5.000 công dân từ các địa phương về Vĩnh Long, trong đó có 30 ca dương tính với COVID-19.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Thủ tướng yêu cầu tổ chức đưa đón người dân có nhu cầu về quê an toàn, không để ùn ứ

Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Theo nội dung công điện, sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... có nhu cầu di chuyển về quê. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Trong mấy ngày qua, mặc dù các tỉnh, thành phố đã cố gắng để tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch và nhiều người dân trong đó có cả người già, trẻ em đã phải rất vất vả. Cá biệt có một số người dân tự ý rời khỏi địa phương nơi cư trú.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê, cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.

Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi.

Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.

Bộ Y tế phân bổ ngay vắc xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về, hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm COVID-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.

(Theo Dân Việt)

Người dân Quảng Nam vào Đà Nẵng không phải xét nghiệm khi nào?

Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách sở Y tế Đà Nẵng cho biết sở Y tế Đà Nẵng và sở Y tế tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất với dự thảo hướng dẫn ra vào với người hai địa phương.

Theo đó, ngành y tế 2 địa phương cơ bản thống nhất phương án người trên địa bàn được qua lại lẫn nhau không cần có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nếu tiêm đủ 2 liều vaccine.

Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc như có cam kết thực hiện biện pháp chống dịch, có giấy tờ tùy thân chứng minh là người của địa phương hoặc giấy xác nhận của cơ quan đơn vị tại Quảng Nam hoặc Đà Nẵng xác nhận không ra khỏi địa bàn trong vòng 14 ngày.

Người dân Quảng Nam vào Đà Nẵng không phải xét nghiệm khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ảnh minh họa

Người dân Quảng Nam vào Đà Nẵng không phải xét nghiệm khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ảnh minh họa

Riêng đối với người chưa được tiêm vaccine đầy đủ, 2 địa phương thống nhất sẽ nới thời gian sử dụng giấy xét nghiệm âm tính lên một tuần thay vì có giá trị trong 3 ngày như hiện nay.

Đối với người từ vùng có dịch của nhau trở về vẫn tiếp tục tiến hành các biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng đã thống nhất với dự thảo này.

Báo Tin Tức dẫn lời ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp cho hay, các đơn vị địa phương vẫn cần giám sát những người vào thành phố nhằm phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, nắm tình hình an sinh xã hội, tổng hợp báo cáo thành phố để có phương án hỗ trợ.

Các quận, huyện tiếp tục rà soát những người tạm trú, để có báo cáo thường xuyên, ưu tiên tiêm vaccine cho người dân những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine còn ít và những công dân đến thành phố làm việc, người mang thai, bị bệnh nền; xây dựng phương án đón người từ TP.HCM về thành phố trong thời gian đến.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cung cấp, tính từ 13h ngày 6/10 đến 13h ngày 7/10, thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 tại chốt kiểm soát. Đà Nẵng hiện có 53 xã, phường/7 quận, huyện không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp.

Như vậy tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận ghi nhận 4.675 ca mắc COVID-19.

Trong ngày 7/10, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 7.389 lượt; đang điều trị 86 bệnh nhân; hiện thành phố có 3 điểm “vùng đỏ”.

Đến nay Đà Nẵng đã tiêm 862.646 liều vaccine phòng COVID-19; trong đó 769.606 người tiêm mũi 1; 93.050 người tiêm mũi 2.

Kiên Giang tiếp nhận hơn 300 công dân, Cần Thơ chuẩn bị 37 khu cách ly

TP Cần Thơ đã có kế hoạch tổ chức tiếp nhận chu đáo người dân từ các tỉnh miền Đông trở về quê. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức xe đưa người dân đang tạm trú, lưu trú tại tỉnh này trở về Kiên Giang và bàn giao cho địa phương tại điểm tập kết.Cụ thể, thành phố sẽ duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào nội đô; UBND quận, huyện chủ động tổ chức các chốt kiểm soát ra vào địa bàn quận huyện để tiếp nhận, phân loại, cách ly người về từ vùng dịch.

Đồng thời tại đây, đội ngũ y tế sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh cho người dân để xác định sớm các trường hợp dương tính và các trường hợp F1; kiểm tra giấy tờ tùy thân, xác định quê quán, nơi ở; kiểm tra chứng nhận tiêm chủng thông qua phần mềm hoặc giấy chứng nhận.

Đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ được tự theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 7 ngày và phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất khi trở về.

Đối với những người tiêm mũi 1 sẽ được cách ly tại nhà 14 ngày và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, thứ ba và thứ bảy kể từ khi về địa phương.

Riêng người chưa tiêm vắc xin sẽ cách ly tập trung 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; đồng thời thực hiện xét nghiệm tương tự người đã tiêm mũi 1.

Sau khi phân loại xong, người dân sẽ được về địa phương cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung hoặc cơ sở điều trị nếu phát hiện dương tính.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu, ngành chức năng trang bị chỗ ngồi có mái che, hỗ trợ thức ăn, nước uống khi người dân ngồi chờ; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, xe cứu thương, đội ngũ y tế đảm bảo phục vụ cấp cứu tại các chốt kiểm soát một cách chu đáo, an toàn.

UBND thành phố cũng cho biết, hiện đang kích hoạt 37 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận 6.352 công dân; 15 bệnh viện tại 3 tầng đang hoạt động có thể tiếp nhận 3.220 bệnh nhân. Đồng thời, khảo sát thành lập thêm các khu cách ly y tế tập trung, các đơn vị điều trị đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận người dân hồi hương.

Đối với việc quản lý, giám sát cách ly tại nhà, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các xã, phường, thị trấn thực hiện gắn bảng cách ly y tế tại nhà, ghi rõ số ngày cách ly và ngày hoàn thành cách ly để người dân biết và tuân thủ. Song song đó, phải đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người cách ly và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ theo quy định.

Ngoài ra, người dân Cần Thơ trở về thực hiện cách ly tập trung sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố như: Xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại chốt kiểm soát và trong thời gian cách ly, hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Người cách ly tại nhà được hỗ trợ 15kg gạo và 500.000 đồng/người.

Kiên Giang tiếp nhận hơn 300 công dân từ Bà Rịa - Vũng Tàu về quê

Chiều 7/10, hơn 300 công dân từ Bà Rịa - Vũng Tàu đã về đến điểm tập kết tại Ban Quản lý dự án cũ thuộc huyện Châu Thành (Kiên Giang) theo kế hoạch phối hợp tiếp nhận công dân trở về giữa UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây là đợt đầu tiên Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức xe đưa bà con đang tạm trú, lưu trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở về Kiên Giang và bàn giao cho tỉnh tại điểm tập kết.

Kiên Giang là tỉnh có số lượng công dân trở về đông nhất trong 3 tỉnh có công dân đăng ký trở về quê (Long An: 64 người, Bạc Liêu: 176 người). Những công dân về quê lần này ưu tiên cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em, học sinh cần trở về để chuẩn bị năm học mới, người khuyết tật, người lớn tuổi có bệnh nền và người lao động tự do mất việc làm. Tất cả những người này đã được test nhanh SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận âm tính còn giá trị 72h trước khi lên xe.

Tại điểm tập kết, UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Đội phản ứng nhanh do Công an tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp với các sở ngành liên quan tiếp nhận, phân luồng, các huyện, thị cho xe lên đón bà con về thực hiện cách ly y tế tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời quan tâm chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

COVID-19 7/10: Đến trường 2 ngày phát hiện bé lớp 5 nhiễm SARS-CoV-2, 50 HS, giáo viên phải cách ly
Khi vừa trở lại trường được 2 ngày, cơ quan chức năng ghi nhận 1 em học sinh mắc Covid-19, liên quan đến ổ dịch hàng chục ca dương tính nên tiến hành...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19